Tổ chức bộ máy hành chính ở Nam Định đầu thế kỷ XIX

08:09, 11/09/2012

Vào đầu thế kỷ XIX Nam Định là một phần của trấn Sơn Nam Hạ thuộc Bắc Thành. Trấn Sơn Nam  Hạ bao gồm 5 phủ, về cơ bản tương đương với hai tỉnh Thái Bình và Nam Định ngày nay. Phần đất tỉnh Nam Định tương ứng với hai phủ Thiên Trường và Nghĩa Hưng. Phủ Thiên Trường gồm 4 huyện là Giao Thuỷ, Nam Chân, Mỹ Lộc, Thượng Nguyên với 34 tổng, 313 xã, thôn. Phủ Nghĩa Hưng gồm 4 huyện là Thiên Bản, Đại An, Vọng Doanh (năm 1822 đổi là Phong Doanh) và Ý Yên với 34 tổng, 265 xã, thôn. Tổng cộng cả hai phủ gồm 8 huyện, 68 tổng, 578 xã thôn.

Đến năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi tên trấn Sơn Nam Hạ thành trấn Nam Định. Tên Nam Định chính thức xuất hiện từ đây. Về mặt địa giới, trấn Nam Định so với trấn Sơn Nam Hạ cơ bản không có điều chỉnh nào.

Năm 1831 Minh Mệnh tiến hành cải cách hành chính chia đặt các tỉnh. Nam Định là 1 trong số 31 tỉnh của cả nước lúc bấy giờ. Về mặt địa giới, so với trấn Nam Định - Sơn Nam Hạ, tỉnh Nam Định có sự thu hẹp. Ba huyện Hưng Nhân, Duyên Hà, Thần Khê thuộc phủ Tiên Hưng trước kia được sáp nhập vào tỉnh Hưng Yên. Phần đất hai phủ Thiên Trường và Nghĩa Hưng - tức tỉnh Nam Định ngày nay cơ bản không có gì thay đổi, nhưng có một số điều chỉnh. Huyện Nam Chân chia thành hai huyện Nam Chân và Chân Ninh (1833), đặt phân phủ Thiên Trường (1832, bỏ năm 1851) và phân phủ Nghĩa Hưng (1833). Cơ cấu hành chính trên không có gì thay đổi lớn cho đến khi thực dân Pháp chiếm Nam Định.

Cột cờ Thành Nam được xây vào năm Gia Long thứ 11 (1812).
Cột cờ Thành Nam được xây vào năm Gia Long thứ 11 (1812).

Sau cải cách hành chính (1831), tổ chức bộ máy cai trị cấp tỉnh được sắp xếp lại. Minh Mệnh đặt ra các liên tỉnh do quan Tổng đốc đứng đầu. Nam Định và Hưng Yên là một liên tỉnh gọi là Định - Yên. Quan Tổng đốc về nguyên tắc là người trông coi hai tỉnh nhưng chỉ trực tiếp cai trị một tỉnh, tỉnh còn lại do quan Tuần phủ trực tiếp cai quản. Tổng đốc Định - Yên lĩnh công việc tuần phủ Nam Định. Đồng thời ty Tả thừa được đổi là ty Niết hay Án sát sứ do quan Án sát đứng đầu và ty Hữu thừa được đổi là ty Phiên hay Bố chính sứ do quan Bố chính đứng đầu. Quan Án sát trông coi các việc kiện tụng, hình án, thanh trừng quan lại tha hoá... Quan Bố chính trông coi việc thuế khoá, tài chính, truyền đạt mệnh lệnh của triều đình... Ngoài ra còn có quan Lãnh binh phụ trách về quân sự và quan Đốc học phụ trách về giáo dục và khoa cử.

Minh Mệnh cũng chia các tỉnh ra ba loại lớn, vừa và nhỏ, tương ứng với các loại là số viên chức nhiều hay ít. Nam Định là 1 trong 11 tỉnh lớn, vì thế mà số nhân viên (hai ty Án sát và Bố chính) cũng thuộc loại đông nhất. Ty Bố chính gồm 1 Thông phán, 1 Kinh lịch, 69 Thư lại (3 chánh bát phẩm, 6 chánh cửu phẩm, 60 vị nhập lưu). Ty Án sát gồm 1 Thông phán, 1 Kinh lịch, 44 Thư lại (2 chánh bát phẩm, 4 chánh cửu phẩm, 40 vị nhập lưu). Tổng cộng số nhân viên hai ty là 117 người (năm 1832 tăng lên 127 người, năm 1838 giảm xuống còn 75 người, giữa thế kỷ XIX tăng lên 80 người, năm 1868 tăng lên 154 người). Có thể nói đó là một bộ máy cai trị tương đối gọn nhẹ.

Do vị trí quan trọng của vùng Sơn Nam Hạ - Nam Định, nhà Nguyễn  đã bố trí một lực lượng quân đội lớn trên địa bàn. Quân đội đặt dưới sự chỉ huy của quan Lãnh binh (trường hợp tỉnh lớn, thuộc khu vực ven biển như Nam Định có thêm 1 viên phó Lãnh binh và 1 viên Thuỷ sư Lãnh binh). Lực lượng quân đội đồn trú bao gồm 10 cơ, 3 thuỷ vệ, 6 đội định uy, 2 đội pháo thủ, 1 vệ Nam Định, 1 cơ Nam Định, 2 đội Định nghĩa, 1 đội Định tượng, 1 đội Tuần thành. Chỉ tính riêng biên chế 10 cơ đã là 5.000 người (quy định năm 1802), 3 thuỷ vệ là 1.512 người (quy định năm 1831)... Cộng toàn bộ số lính của tất cả các đơn vị vào thời điểm cao nhất lên tới 8.309 người bao gồm cả lính tuyển và lính mộ. Theo quy định của Nhà nước thì cứ 7 đinh tuyển 1 lính.

Mặc dù trấn Sơn Nam Hạ rồi trấn - tỉnh Nam Định thời Nguyễn có địa giới rộng hơn tỉnh Nam Định ngày nay (bao gồm cả tỉnh Thái Bình) nhưng trung tâm hành chính của trấn - tỉnh luôn luôn được đặt trên đất Nam Định, cụ thể là huyện Mỹ Lộc phủ Thiên Trường. Thành trấn Sơn Nam Hạ được xây dựng từ năm Gia Long thứ 3 (1805), tại địa phận 2 xã Tức Mặc và Năng Lư thuộc tổng Mỹ Trọng, huyện Mỹ Lộc. Ban đầu thành đắp bằng đất, đến năm Minh Mệnh 14 (1833) xây lại bằng gạch. Thành có chu vi 830 trượng 7 thước 3 tấc, cao 1 trượng 2 thước 2 tấc, hào rộng 6 trượng, sâu 6 thước, mở 4 cửa, có 1 kỳ đài. Đây là tỉnh thành vào loại quy mô lớn nhất trong số các tỉnh thành của cả nước bấy giờ. Trong thành có công đường dành cho quan Tổng đốc, quan Án sát, quan Bố chánh (dựng năm 1833) và công sảnh cho quan chánh, phó Lãnh binh, cho hai ty Án sát và Bố chính (dựng năm 1834).

Đối với các cấp phủ - huyện cũng có một số biến đổi về mặt hành chính.   Huyện Nam Chân sau khi được tách thành hai huyện Nam Chân và Chân Ninh, số tổng và số xã thôn trong tổng của từng huyện có sự co giãn ít nhiều. Tuy nhiên bộ máy cai trị các cấp phủ - huyện - tổng so với trước thế kỷ XIX, kể cả sau cải cách hành chính thời Minh Mệnh, về cơ bản không có gì thay đổi lớn. Đến năm 1823 Minh Mệnh quy định mỗi phủ huyện chỉ có một viên, trừ những phủ, huyện cần người làm việc thì đặt thêm một viên đồng Tri phủ hoặc một viên Huyện thừa.

Theo những quy định cụ thể ban hành năm 1827 thì phủ nào số đinh chưa đến 2 vạn người, ruộng chưa đến 4 vạn  mẫu, huyện nào số đinh chưa đến 5 ngàn người, ruộng chưa đến 2 vạn mẫu thì chỉ đặt 1 tri phủ, 1 tri huyện. Trấn Sơn Nam Hạ lúc đầu chỉ có hai huyện Nam Chân và Chân Định là đặt thêm chức Huyện thừa, nhưng về sau cả hai phủ Thiên Trường và Nghĩa Hưng đều có thêm chức đồng Tri phủ. Tuy nhiên thường thì Tri phủ hoặc đồng Tri phủ trực tiếp kiêm quản một huyện (cũng có khi hơn) thuộc hạt. Nghị chuẩn năm 1833 cho phủ Thiên Trường kiêm quản huyện Giao Thuỷ (đặt thêm ở huyện này chức Huyện thừa), viên đồng Tri phủ kiêm quản huyện Thượng Nguyên, cho phủ Nghĩa Hưng kiêm quản huyện Thiên Bản, viên đồng Tri phủ kiêm quản huyện Phong Doanh. Ngoài ra ở cấp phủ, huyện còn có quan chuyên trách về việc học và thi cử. Phủ có chức Giáo thụ, huyện có chức Huấn đạo. Tuy nhiên không phải phủ huyện nào cũng đặt các chức này, thường phải là những phủ, huyện việc học hành và khoa cử phát triển. Hai phủ Thiên Trường và Nghĩa Hưng đều có chức Giáo thụ. Các huyện Nam Chân, Trực Ninh, Thượng Nguyên, Đại An, Ý Yên, Phong Doanh có chức Huấn đạo.

Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thành quách ở các trấn - tỉnh, dưới thời Nguyễn, lỵ sở hành chính cấp phủ nhiều nơi cũng có thành bảo vệ tuy quy mô nhỏ hơn. Thành phủ Thiên Trường có chu vi 129 trượng, cao 6 thước, mở 3 cửa, ngoài có hào bao quanh rộng 2 trượng 5 tấc. Thành nguyên ở địa phận huyện Nam Chân, năm 1808 dời đến địa phận xã Kênh Đào huyện Giao Thuỷ, năm 1833 chuyển đến địa phận xã Tương Đông huyện Giao Thuỷ. Thành phủ Nghĩa Hưng có chu vi 271 trượng 2 thước, cao 7 thước 2 tấc, mở 3 cửa, có hào rộng 2 trượng 5 thước bao quanh. Thành nguyên ở địa phận 2 xã Mi Khôi và Gôi Sơn, năm 1830 chuyển đến địa phận 2 xã Thái La và Châu Bạc huyện Thiên Bản, năm 1854 dời đến xã Phù Sa huyện Đại An. Cùng với thành phủ, lỵ sở các huyện cũng có thành đất bao quanh nhưng quy mô thường hẹp hơn. Tại lỵ sở các phủ huyện công đường được xây dựng theo quy chế thống nhất của Nhà nước.

Đối với cấp tổng, đầu đời Gia Long đặt chức Tổng trưởng, sau đổi thành Cai tổng và có thêm viên phó Cai tổng giúp việc. Đến năm 1822 quy định cụ thể chỉ tổng nào đinh số trên 5 ngàn người, ruộng đất trên 1 ngàn mẫu lại nằm cách huyện lỵ 2 ngày đường trở lên mới đặt chức phó Cai tổng.

Riêng cấp xã, thôn từ chỗ người đứng đầu là các Xã trưởng và mỗi xã, thôn có thể có từ một đến nhiều Xã trưởng thì từ năm 1828 đổi thành chức Lý trưởng và mỗi xã, thôn chỉ có một Lý trưởng, trường hợp xã lớn có thể có thêm từ một đến hai phó Lý trưởng giúp việc.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com