Các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nam Định trong các thế kỷ XVI - XVIII

09:09, 06/09/2012

Chiến tranh, thiên tai, nạn đói và tình trạng dân xiêu tán cùng với nạn hoành hành của hào cường ở địa phương là nguyên nhân dẫn đến các cuộc bạo động khởi nghĩa chống lại quan cai trị địa phương và triều đình trong các thế kỷ XVI - XVIII.

Phạm Hàng, người xã Thì Vụ, huyện Đại An (thuộc Nghĩa Hưng ngày nay) tự xưng là Thiên Nam chiêu thảo đô nguyên soái nổi binh chiếm cứ vùng núi Đam Khê (Yên Mô, Ninh Bình) chống lại triều đình. Dân các làng xã quanh vùng theo về đến hơn một vạn người. Các phủ Trường Yên (Ninh Bình), Lý Nhân (Hà Nam) đều có người nổi lên hưởng ứng. Cha con Lễ Giang hầu của nhà Lê cũng đi theo nghĩa quân. Năm Bính Thân (1596) Trịnh Tùng sai tướng Bùi Văn Khuê đem quân xuống cùng với quân địa phương là Nguyễn Thể hợp sức đánh dẹp rất vất vả mới bắt được Phạm Hoàng giải về kinh. Cuộc khởi nghĩa mới bị dẹp tan.

Vào giữa thế kỷ XVIII, ở vùng Bắc Bộ có rất nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra, trong đó có những cuộc nổi dậy với quy mô lớn và tiêu biểu như khởi nghĩa của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ ở Hải Dương, khởi nghĩa của Hoàng Công Chất ở phía đông lộ Sơn Nam. Trong số đó, trực tiếp có quan hệ đến vùng đất Nam Định là cuộc khởi nghĩa do Hoàng Công Chất lãnh đạo nổ ra năm 1739. Đốc lãnh Sơn Nam  Hoàng Kim Trảo tiến đánh nhiều lần đều bị thất bại. Đầu năm  Canh Thân (1740) Trịnh Doanh chia quân làm 3 đạo tiến xuống đánh Hoàng Công Chất. Cao Quận công Trịnh Kính chỉ huy bộ binh theo đường bộ, Trình Quận công Hoàng Công Kỳ và Nhạc Thọ hầu Phạm Trần Tông chỉ huy hai cánh quân thuỷ cùng tiến theo sông Hồng đánh xuống. Về sau Trịnh Doanh còn cử Nguyễn Trọng Cảnh thống lãnh cả 3 đạo quân này tiến xuống đóng đồn ở Thượng Nguyên (Xuân Trường) để chống lại quân khởi nghĩa của Hoàng Công Chất mà vẫn chưa thắng được.

Giữa lúc quân triều đình đang phải lo đối phó rất vất vả với nghĩa quân Hoàng Công Chất thì ngay vào đầu năm Canh Thân (1740) tại vùng đất Nam Định lại nổ ra cuộc khởi nghĩa lớn do Vũ Đình Dung, Đoàn Danh Chấn và Tú Cao lãnh đạo. Đây là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu hoàn toàn nằm trên địa bàn đất Nam Định, phần lớn nghĩa quân đều là những người nông dân Nam Định. Vũ Đình Dung quê ở Cà Đông (nay thuộc xã Nam Cường, huyện Nam Trực). Ông là người giỏi võ nghệ, gia tư khá giả, tính tình khảng khái, thương người nghèo, hay chu cấp cho kẻ khó nên được mọi người trong vùng kính trọng. Bất bình với chính sách cai trị bất công của triều đình Lê Trịnh, ông đã tập hợp nhân dân bẩy làng Cà và ba làng Hóp nổi lên khởi nghĩa và trở thành thủ lĩnh tối cao của nghĩa quân.

Nhân vật số hai của cuộc khởi nghĩa là Đoàn Danh Chấn, quê ở làng Cà Trung (cùng xã Nam Cường, huyện Nam Trực). Là con một ông đồ nghèo, ngay từ đầu ông đã cùng Vũ Đình Dung bàn mưu tập hợp nghĩa binh. Ông được cử chỉ huy vùng 3 làng Hóp. Nhân vật thứ ba là Tú Cao, tên thật là Cao Lệnh Trạch, giỏi võ nghệ, vốn là con cháu nhà có gia thế trong vùng, được tuyển vào Tú Lâm cục nên được gọi là Tú Cao. Quê ông ở làng Cà Trai, xã Ngân Già (nay là xã Nam Cường, huyện Nam Trực). Trong thời gian khởi nghĩa nổ ra, ông chỉ huy cứ điểm Cà Trai, đánh thắng nhiều trận quan trọng, được xếp vào hàng thứ ba sau Vũ Đình Dung và Đoàn Danh Chấn. Ngoài ba vị thủ lĩnh kể trên, theo truyền thuyết địa phương, các tướng thân cận khác của thủ lĩnh nghĩa quân còn có Nguyễn Thị Sen, Vũ Đình Sử, Trần Thị Hạnh, Chánh Đoài, Lê Kiều, Tổng Tam, Đinh Bắc, Nguyễn Quý Minh, Nguyễn Quý Đức...

Cuộc khởi nghĩa nổ ra trên địa bàn một vùng đất trũng, lầy lội gần cửa sông Hồng ở xã Ngân Già và Báo Đáp (gồm 7 làng Cà và 3 làng Hóp) thuộc trấn Sơn Nam, nay gồm các xã Nam Cường, Nam Quang, Nam Toàn, Nam An, Nam Chân, Nam Giang thuộc huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nghĩa quân đã  đánh một trận lớn vào phố Chân Ninh (huyện Trực Ninh), đánh bại quan quân của triều đình, giết chết viên Đốc lãnh Hoàng Kim Trảo và các bộ tướng Nguyễn Thế Siêu, Trần Danh Quán.

Để đàn áp cuộc khởi nghĩa, tháng 10 năm Canh Thân (1740) Trịnh Doanh trực tiếp đem đại quân theo đường sông Hồng kéo xuống. Tháng 11 năm ấy, quân Trịnh tiến đến xã Võ Điện, huyện Nam Xang (Lý Nhân, Hà Nam ngày nay) rồi kéo đến Hiến Doanh (xã Nễ Châu, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên). Từ đây quân Trịnh chia làm nhiều đạo tiến vào căn cứ nghĩa quân. Xuất quân buổi sáng, đến tối cùng ngày quân Trịnh tới sông Vị Hoàng. Sáng sớm hôm sau quân triều đình đến xã Lạc Đạo huyện Giao Thuỷ, nay là xã Hồng Quang, huyện Nam Trực. Quân khởi nghĩa tung hết lực lượng ra đánh trả quyết liệt. Trịnh Doanh chia quân làm nhiều cánh do các tướng Đinh Văn Giai, Nguyễn Đình Hoàn, Vũ Tất Thận, Trương Khuông chỉ huy bao vây các mặt. Nghĩa binh đặt mai phục tiêu hao được một số quân Trịnh và giết chết một viên tướng của cánh quân do Trương Khuông cầm đầu. Nhưng bấy giờ vào mùa đông, trời hanh khô, các cánh đồng bùn lầy đều cạn nước, lại không có thành luỹ phòng ngự kiên cố nên nghĩa quân phải chiến đấu trong tình thế rất bất lơị. Quân Trịnh dùng kỵ binh xông thẳng vào từ mặt chính diện, một cánh khác do Nguyễn Đình Hoàn chỉ huy đồng thời tấn công từ mặt sau, phóng lửa đốt doanh trại của nghĩa binh, khói lửa đầy trời. Sau một thời gian cầm cự quyết liệt, nghĩa binh hi sinh rất nhiều, các thủ lĩnh nghĩa quân phần lớn đều tử trận. Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp hoàn toàn vào ngày 21 tháng 11 năm Canh Thân (1740) sau gần một năm chiến đấu. Từ đó xã Ngân Già bị đổi tên thành xã Lai Cách.

Sau khi cuộc khởi nghĩa Ngân Già bị dập tắt, năm 1751 nghĩa quân Hoàng Công Chất cũng bị đàn áp khốc liệt phải chạy lên thượng du Thanh Hoá, rôì chuyển lên Tây Bắc tiếp tục hoạt động ở vùng Điện Biên.

Cuộc khởi nghĩa Hoàng Công Chất vừa tạm lắng xuống thì ở đồng bằng Sơn Nam lại có nghĩa quân khác nổi dậy. Năm Mậu Tuất (1778) ở vùng ven biển Đông Bắc nổ ra cuộc khởi nghĩa do Thúc Toại người Yên Quảng (Quảng Ninh), Nguyễn Kim Phẩm và Trần Xuân Trạch (người Sơn Nam) lãnh đạo. Nghĩa quân tập hợp được hàng vạn người, đánh phá Yên Quảng. Viên Trấn thủ là Đặng Đình Viện bị nghĩa quân bắt. Quân triều đình tăng cường đàn áp, nhưng viên Trấn thủ  mới được cử ra Yên Quảng là Nguyễn Đăng Đoàn cũng chỉ đóng quân cố thủ không dám động binh. Quân khởi nghĩa vượt biển tràn vào vùng Sơn Nam theo cửa Lác đến Giao Thuỷ. Trấn thủ Sơn Nam là Ngô Đình Hoành phải ra sức đánh mới đẩy lùi được nghĩa quân. Quân khởi nghĩa lui về đóng ở sông Ngô Đồng (huyện Giao Thuỷ). Tại đây họ đã đánh bại cuộc tấn công của quân triều đình do Ngô Đình Hoành cầm đầu và thừa thắng tiến đánh xã Thận Vi, huyện Thượng Nguyên, rồi chia quân đi đánh các nơi. Chúa Trịnh là Trịnh Sâm phải sai Thân Xuân Thự đem thuỷ binh cùng với Nguyễn Phan, Hoàng Phùng Cơ phối hợp đánh dẹp.

Thân Xuân Thự thấy khí thế nghĩa binh đang hăng hái nên không dám đánh. Quân khởi nghĩa tiến lên đánh úp cả Hiến Doanh (Thị xã Hưng Yên). Trịnh Sâm phải sai thêm Trịnh Tự Quyền làm Hiệp đốc lãnh thuỷ đạo đem quân ra đốc sức việc đánh dẹp. Tự Quyền cùng với Nguyễn Phan tiến đến Thận Vi đánh phá được căn cứ này. Nghĩa quân rút ra ngoài biển chốt giữ những nơi hiểm yếu, liên kết với nhau đón đánh quân triều đình khi có cơ hội, khi ẩn khi hiện không nhất định. Về sau chúa Trịnh cử Hoàng Đình Bảo làm Thống lãnh đem binh thuyền từ Nghệ An tiến ra phối hợp với Lê Quý Đôn cho người đi chiêu dụ. Cuối cùng Thúc Toại xin hàng. Cuộc khởi nghĩa bị dập tắt.

Theo: Địa chí Nam  Định

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com