Công nghiệp Nam Định thời kỳ pháp thuộc

07:04, 24/04/2012

Nền kinh tế Nam Định có đặc điểm chung của toàn xứ thuộc địa. Mặt khác, kinh tế Nam Định thời kì này có những đặc trưng riêng của nó bởi thực dân Pháp có chính sách khai thác cụ thể ở Nam Định đặng kiếm lợi nhuận tối đa. Bằng kinh nghiệm của mình, Pháp nhận thức được tiềm năng to lớn của địa phương nên nhanh chóng tập trung đầu  tư vào ngành công nghiệp bông vải sợi tơ.

Trong một thời gian rất ngắn, chính quyền thực dân Pháp ở Nam Định đã chủ động chọn Nam Định làm điểm tập trung đầu tư vốn. Theo các nhà nghiên cứu phương Tây, chỉ tính riêng khối lượng vốn đầu tư của tư nhân Pháp hồi đầu thế kỷ XX vào Nam Định là 3,5 triệu francs (Hà Nội 12,5 triệu francs, Hải Phòng 2,8 triệu francs ). Đến năm 1930 Pháp đầu tư vào khu vực dệt ở Nam Định lên khoảng 8 triệu francs và đến năm 1940 lên 100 triệu francs.

Năm 1888, 2 Công ty Pháp đã bắt đầu xây dựng Nhà máy tơ ở Nam Định. Năm 1894, Nhà máy dệt, Nhà máy rượu được xây dựng. Phương tiện kỹ thuật sản xuất mới cùng áp lực chính trị của Pháp đã đánh bật vị thế của các nhà tư bản Hoa Kiều trong thành phố. Sau đó rất nhiều xưởng sản xuất mới được xây dựng hoặc mở rộng trong thời gian trước và sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (như Nhà máy chai, Nhà máy nước...). Từ sau năm 1894, Nhà máy rượu Nam Định hàng năm sản xuất trên 3 triệu lít rượu.

Cho đến trước chiến tranh thế giới lần thứ  hai, công nghiệp trong thành phố Nam Định khá phát đạt. Vào năm 1939, Nam Định sản xuất được 7.347 tấn sợi, 4.265 tấn vải bông, 702.000 chăn, 1.200.000 mét lụa, 180 tấn chỉ. Các nhà máy rượu ở Nam Định, Hà Nội và Hải Dương sản xuất được 181 triệu lít rượu và Nam Định còn sản xuất được hàng chục ngàn tấn đường.

Trong thập kỉ 1940, bông nhập vào Việt Nam rất hiếm, nên các cơ sở sản xuất ở Nam Định cũng như cả nước chỉ hoạt động được 2/3 công suất. Dù kĩ thuật trong các cơ sở sản xuất mới của thực dân Pháp còn phổ biến ở dạng bán thủ công và chỉ có một phần cơ giới, và dù các phương tiện kỹ thuật đó chỉ nhằm cho các công ty tư bản kiếm lợi nhuận từ bóc lột nhân công lao động bản xứ, nhưng đó là cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tiên trong địa bàn Nam Định. Từ đầu thế kỷ XX,  các công ty tư bản Pháp còn xây dựng một số cơ sở sản xuất ở vùng nông thôn giàu tiềm năng dệt lụa. Điển hình là vào năm 1908 Công ty lụa xuất cảng Pháp -  Việt (F.T.E) lập nhà máy và chi nhánh sản xuất ở Quy Phú, Lạc Quần (Trực Ninh) và Trung Kỳ  (Nghĩa Hưng) ... Nhưng nổi bật trong các cơ sở của thực dân Pháp ở Nam Định là Nhà máy dệt Nam Định. Đến trước năm 1914, Nhà máy dệt trở thành trung tâm dệt lớn nhất Đông Dương, đồng thời trở thành trung tâm kinh tế của thực dân Pháp ở địa phương, với lợi nhuận cao. Quy mô của nhà máy dệt được mở rộng liên tục  (trừ mấy năm khủng hoảng kinh tế) và sự mở rộng của nó liên quan hữu cơ với quy mô ngày càng lớn của thành phố. Cũng từ đó thành phố Nam Định trở thành một đỉnh trong tam giác công nghiệp của vùng châu thổ sông Hồng.

Đồng thời với hoạt động của các nhà máy công nghiệp hiện đại, cơ sở hạ tầng ở Nam Định thay đổi đáng kể: hệ thống đường sá ở thành phố và đường liên huyện, liên tỉnh (đường bộ và đường sắt) được mở rộng, nâng cấp. Việc đi lại trong địa bàn, đặc biệt từ Nam Định lên Hà Nội hoặc vào phía Nam (Thanh Hoá, Vinh), đến vùng biển Đông Bắc (Hải Phòng, Quảng Ninh) đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. Hệ thống điện (Nhà máy điện Nam Định - lúc đó gọi Nhà máy đèn - được thành lập năm 1925); hệ thống điện báo, điện tín.... từ Nam Định đến Hà Nội từng bước được hoàn thiện. Về khách quan, với cơ sở hạ tầng và các cơ sở sản xuất công nghiệp mới đã làm diện mạo của ngành biến đổi từ tiểu thủ công sang công nghiệp.

Sự ra đời của khu công nghiệp Nam Định, mà trung tâm là nhà máy dệt đã làm xuất hiện lực lượng lao động mới - đội ngũ công nhân. Trong thời kỳ phát triển, công nhân dệt Nam Định có hơn 1 vạn người. Dù nước Pháp đã thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp trong mấy thế kỷ trước, nhưng về căn bản thực dân Pháp vẫn sử dụng nguồn lao động thủ công, với kỹ thuật sản xuất lạc hậu ở Nam Định đặng kiếm lợi nhuận cao nhất cho mình.

Từ trung tâm kinh tế ở thành phố, một hệ thống chân rết với hàng ngàn guồng sợi trong các làng xã nhận làm các công đoạn gia công cho nhà máy dệt. Hàng ngàn hécta ruộng lúa chuyển sang trồng bông để cung cấp cho ngành dệt. Nhà máy dệt của Pháp còn đặt các chi nhánh sản xuất trong một số thị tứ trong tỉnh.

Về phương diện kĩ thuật, qui mô cũng như hiệu quả kinh tế của công nghiệp ở thành phố Nam Định khác hẳn với ngành tiểu thủ công nghiệp truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, thực dân Pháp xây dựng các nhà máy hiện đại ở Nam Định không phải vì mục đích “công nghiệp hoá” kinh tế bản địa, mà chính vì quyền lợi của các tập đoàn tư bản Pháp.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com