Nam Định - Cảnh quan bờ biển hiện tại ngoài đê biển

03:12, 21/12/2011

Cảnh quan bờ biển hiện tại ngoài đê biển có hai bộ phận khác nhau rõ rệt, một là bộ phận bị mài mòn do sóng không những không tiến nổi ra phía biển nông ven bờ mà có nơi, có lúc còn bị sạt bờ và lùi vào trong đất liền, do đó mà rất hẹp ngang, chỉ khoảng 100- 200 m, hoàn toàn cấu tạo từ cát; hai là bộ phận được tích tụ phù sa sông Hồng và chi lưu mà dòng triều dồn thành các bãi rộng tới 10-12 km tính từ hàng đê ngoài cùng, cấu tạo chủ yếu từ bùn sét. Xét toàn cục thì cảnh quan bờ biển hiện tại ngoài đê biển không ổn định, nơi mở rộng, nơi hẹp lại, nhưng con người cũng có thể khai thác mặt lợi tại các bãi triều tiến triển và ngăn chặn mặt hại bằng cách không cho sóng biển phá đê lấn vào, hoặc là củng cố đê, hoặc là giảm năng lượng sóng, đồng thời tăng khả năng tích tụ bằng các hàng kè ngăn, xây thẳng góc với bờ biển làm thay đổi tính chất các dòng dịch chuyển ven bờ do sóng tạo ra.

Đặc trưng cấu trúc thẳng đứng độc đáo nữa là giới sinh vật tự nhiên trong cảnh quan được bảo tồn, do đó mà còn phong phú, không như tại các cảnh quan khác trong đất liền. Tuy nhiên tại khu vực các bãi biển cát do sóng từ cửa Lạch Giang đến xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, giới sinh vật nghèo nàn hơn tại khu vực các bãi triều bùn sét ở hai cửa Ba Lạt và cửa Đáy. Trên bãi cát ướt chỉ có cỏ như muống biển, sam biển, muối biển; còn trên cồn cát phía sau khô hơn có thêm cỏ gà, cỏ gừng, dừa cạn và một số cây bụi như xương rồng, dứa dại. Để ngăn chặn không cho cát di động và để thêm bóng mát, nhân dân đã trồng phi lao mà ngày nay đã trở thành loài cây phổ biến nhất thường gặp trên các cồn cát.

Cảnh quan bờ biển hiện tại ngoài đê biển
Cảnh quan bờ biển hiện tại ngoài đê biển

Giới sinh vật khu vực bãi triều rất phong phú, đa dạng về thực vật và động vật. Giới động vật bao gồm phiêu du động vật mà phổ biến là giáp xác chân chèo (Copepoda), rồi động vật bám đáy với ngao, vọp, sò, tôm, cua. Cá sống tại vùng cửa sông và trong các lạch triều. Đặc biệt tại Giao Thủy có khu vực tập trung chim di cư đã được Tổ chức quốc tế bảo vệ đất ngập nước công nhận là một vùng bảo vệ chim vùng ngập nước quốc tế đầu tiên của Việt Nam.

Xét về cấu trúc ngang, ta có thể phân ra trong cảnh quan bờ biển hiện tại ngoài đê biển 7 dạng địa lý. Thứ nhất là dạng đê biển nhân sinh để chắn sóng và ngăn mặn, chạy sát bờ biển tại vùng bờ biển mài mòn - tích tụ và lùi vào bên trong tại vùng bãi triều tích tụ - mài mòn, đồng thời ở đây có tới vài hàng đê ngang dọc để bao quanh các đầm nuôi tôm cá và hải sản khác. Sau đến các dạng mà động lực hình thành là sóng vỗ bờ như dạng bãi biển cát mà nhiều nơi là những bãi tắm tốt (Thịnh Long, Quất Lâm), dạng cồn cát là phần cao của bãi biển không ngập nước triều bình thường nên khô ráo, có cỏ và cây bụi và được khai thác làm điểm quần cư với ruộng mầu và vườn cây, cao hơn nữa là dạng đụn cát do gió thổi vun cát lên, địa hình nhấp nhô, di động, nên thường bỏ hoang hoặc trồng phi lao cố định cát. Chiếm diện tích rộng nhất là các dạng bãi triều, chia cắt bởi các dạng lạch triều, mà động lực hình thành là các dòng triều lên và triều rút. Cuối cùng là dạng cửa sông, nơi sông Hồng và các chi lưu sông Đáy, sông Ninh Cơ, sông Sò đưa nước và phù sa ra biển và tạo nên cảnh châu thổ ngầm dưới đáy biển nông ven bờ.

Cảnh quan bờ biển hiện tại ngoài đê biển có một vai trò rất quan trọng đối với châu thổ sông Hồng tại Nam Định nói riêng và tại toàn bộ châu thổ nói chung. Đây là tiền đồn, là nơi diễn ra hằng ngày sự đấu tranh giữa sông và biển, đảm bảo sự tồn tại của châu thổ và giúp châu thổ lấn biển. Do đó ta phải bảo vệ, củng cố cảnh quan bờ biển hiện tại ngoài đê biển mà biện pháp hợp lý là bảo vệ các rừng ngập mặn - bức tường xanh chắn sóng và là nơi tích giữ phù sa làm đất đai cao dần, mặt khác phải bảo vệ vùng bãi biển bị sóng đe dọa bằng cách làm giảm năng lượng sóng với một hệ thống đê kè vững chắc và bố trí phù hợp với quy luật của động lực sóng và dòng ven bờ.

Cảnh quan bờ biển hiện tại ngoài đê biển còn có ý nghĩa kinh tế - xã hội rất quan trọng và đặc thù. Rừng ngập mặn là nơi có năng suất sinh học cao nhất và toàn diện nhất vì bao gồm cả thực vật và động vật có giá trị kinh tế cao. Khu bãi triều cát là địa bàn xuất phát và thu gom hải sản đánh bắt tại vùng biển ven bờ, biển khơi và cả đại dương quốc tế khi ta có đoàn tầu đánh cá hiện đại, là nơi sản xuất muối và các lương thực từ cá và hải sản khác. Ngoài ra đây là cũng là nơi nghỉ ngơi, giải trí trong lành cho dân trong tỉnh và điểm du lịch sinh thái cho mọi người trong nước và quốc tế thăm quan rừng ngập mặn và sân chim độc đáo.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com