Nam Định - Cảnh quan châu thổ hiện tại trong đê biển

09:12, 15/12/2011

Ranh giới cảnh quan châu thổ hiện tại trong đê biển về phía bắc là sông Hồng, về phía nam là sông Đáy, về phía tây là ranh giới vùng châu thổ hiện tại còn chịu tác động của biển, còn về phía đông là hàng đê biển trong cùng, đảm bảo sự an toàn cho việc khai thác cảnh quan.

Cảnh quan được hình thành từ thế kỷ XV đến nay, từ đường bờ biển thế kỷ XV châu thổ tiến về phía cửa Ba Lạt và cửa Đáy và chững lại ở cửa Hà Lạn, khiến cho nhìn chung cảnh quan có hình dáng một con bươm bướm với hai cánh xòe rộng. Đây là kết quả của sự chuyển dòng của sông Hồng và chi lưu, khiến cho cửa Hà Lạn không nhận được nhiều phù sa nữa. Với hàng đê biển giúp cho việc khai phá sớm bãi triều thành ruộng lúa - màu, cảnh quan châu thổ hiện tại trong đê biển cũng là một cảnh quan nhân tác, thể hiện trong sự bố trí kênh mương, các hàng đê lấn biển, ruộng đồng, làng xóm khác với ở vùng đồng bằng bãi bồi sông. Các đê lấn biển chủ yếu được xây dựng từ thế kỷ XIX, nhất là vào nửa sau của thế kỷ XX và có quy mô lớn về phía cửa Đáy. Hệ thống kênh mương chạy song song và thẳng góc với bờ biển, các làng xóm được xây dựng trên các dải cồn và đồng ruộng chiếm các bãi triều, lạch triều cũ, thấp và tỏa rộng giữa các dải cồn, việc dẫn nước và tiêu nước phù hợp với sự lên xuống của thủy triều. Do đó chiếm ưu thế tuyệt đối trong cảnh quan châu thổ hiện tại trong đê biển là đất mặn trung bình và ít, có tính thời vụ, vì trong mùa mưa, nước mưa đã rửa mặn, đồng thời nước sông cũng chảy ra tận vùng biển ven bờ, đẩy lùi nước mặn lên theo thủy triều.

Cảnh quan châu thổ hiện tại trong đê biển.
Cảnh quan châu thổ hiện tại trong đê biển.

Độ ổn định của cảnh quan châu thổ hiện tại trong đê biển vào loại trung bình, thua các cảnh quan bãi bồi thấp úng trong đê sông và cảnh quan bãi bồi cao trong đê sông do còn phải phấn đấu cải tạo các tính chất biển còn tồn tại và ngăn chặn sự lấn vào của biển. Bù lại độ phì nhiêu của châu thổ hiện tại lại cao do các chất dinh dưỡng trong phù sa sông - biển chưa bị rửa trôi nhiều. Đất mặn có mầu nâu xám do nhiều mùn (2- 3%), thành phần cơ giới trung bình đến nặng do tỷ lệ bột- sét cao. Độ pH trung tính, ít chua phù hợp với nhiều loài cây trồng. Ngoài ra, điều kiện nhiệt - ẩm rất thuận lợi do nền bức xạ cao. Số giờ nắng cao nhất tỉnh, đạt trên 1700 giờ/ năm so với dưới 1700 giờ và dưới 1650 giờ của hai cảnh quan bãi bồi sông. Vì thế tổng nhiệt độ cũng cao nhất, trên 86000C, cho phép thâm canh tăng vụ dễ dàng. Lượng mưa cao, trên 1750 mm/năm, đảm bảo dư thừa nước dù bốc hơi có cao lên do nhiều nắng (trên 950 mm/năm, cán cân nước là +800 mm/ năm) dư thừa 800 mm cung cấp cho toàn cảnh quan tới 0,42 tỷ m3 nước. Mực nước sông trong cảnh quan biến động ít trong năm và điều kiện tiêu nước thuận lợi do mực nước sông rất thấp khi triều xuống (thường dưới 0 m).

Do đặc điểm như trên của cảnh quan châu thổ hiện tại trong đê biển mà nơi đây mật độ dân cư cao, nhiều chỗ không kém cảnh quan bãi bồi cao trong đê sông, đồng thời cơ cấu ngành nghề và cơ cấu cây trồng cũng đa dạng, không quá thuần nông (tỷ lệ cư dân nông nghiệp 80- 90%) và không quá độc canh lúa (tỷ lệ đất lúa 70- 85 %). Tính đa dạng ấy cũng do cấu trúc ngang của cảnh quyết định, cảnh quan châu thổ hiện tại trong đê biển có tới 8 dạng địa lý, trong đó các đoạn sông gần cửa sông rất đáng chú ý, vì chính dạng này đã khiến cho cảnh quan tiếp xúc với biển, đồng thời lại khiến cho cảnh quan phát triển nhanh thành đồng bằng bãi bồi sông, nói cách khác chính đoạn sông này là động lực phát sinh và phát triển của cảnh quan, khiến cảnh quan mang tính châu thổ sông - biển. Tại các vùng giữa hai sông, như giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ, giữa sông Ninh Cơ và sông Sò, giữa sông Sò và sông Hồng có những doi đất sa bồi khi sông tràn bờ tạo ra, làm cho đồng bằng bãi bồi sông xâm nhập vào vùng bãi triều, tạo nên các bãi bồi sông, đất không mặn, chạy từ bắc chí nam trong huyện Nghĩa Hưng, hoặc bao phủ một vùng rộng ven sông Hồng tại huyện Giao Thủy. Tại huyện Hải Hậu là đoạn cuối của bãi sa bồi đi từ Xuân Trường xuống nằm tại các xã Hải Phúc, Hải Lộc, Hải Hà, Hải Thanh, Hải Hưng, Hải Quang, Hải Tân, Hải Sơn. Tổng diện tích các dạng bãi bồi sông này không kém lắm tổng diện tích các bãi triều trước đây, mà càng vào sâu bên trong đất liền càng ít mặn, tạo thành dạng bãi triều cũ đất mặn trung bình và ít (đất mặn thời vụ) và dạng bãi triều đất mặn quanh năm do nồng độ muối trong đất còn cao tới 5- 10 %o, không thể cấy lúa được. Đa số ruộng muối và đồng cói nằm trong dạng này. Những nơi bãi triều quá thấp, đất lầy thụt, còn nhiều thực vật hoang dại, hình thành dạng đầm lầy ven biển nhiều nơi được khai thác làm đầm nuôi tôm. Hai dạng địa hình cao ráo là dạng cồn cát hình thành do sóng và dạng đụn cát do gió thổi vun cát cồn cao lên. Hai dạng này phát triển nhiều tại đoạn bờ biển lõm vào, đi từ cửa Lạch Giang tới xã Giao Hải huyện Giao Thủy, trong đó có hai vùng bãi tắm tốt là bãi tắm Thịnh Long gần cửa Lạch Giang và bãi tắm Quất Lâm, cửa Hà Lạn.

Các dạng quần cư nông thôn chủ yếu tập trung trên các dải cồn, do đó mà các làng rất đông dân và chạy dài là đặc trưng quần cư trong cảnh quan châu thổ hiện tại trong đê biển.

Cảnh quan châu thổ hiện tại trong đê biển có nền kinh tế giàu có do khai thác được cả hai thế mạnh của sông và biển, khai thác cả nông sản và hải sản. Nếu như trong các cảnh bãi bồi trong đê sông tỷ lệ dân nông nghiệp thường chiếm trên 90%, thì tại đây tỷ lệ này khoảng 80 - 90%, do đã phát triển nhiều ngành nghề thủ công như dệt tơ sợi, dệt chiếu cói, dệt lưới, làm đường mật, làm muối, nước mắm, ngoài ra nghề đánh cá biển cũng thu hút dân các làng sát đê biển. Đất trồng lúa cũng chỉ chiếm khoảng 70- 85%, tỷ lệ đất trồng có nơi trên 90% tại các cảnh bãi bồi trong đê sông, vì trong cảnh quan châu thổ hiện tại trong đê biển có nhiều diện tích giành cho lạc, cho đậu tương, cho mía, cho dâu tằm, cho cói.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com