Nhạc sỹ Nam Định và những ca khúc “Đi cùng năm tháng”

04:12, 15/12/2011

Trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, âm nhạc Nam Định tự hào với hai ca khúc “Tiến quân ca” của nhạc sỹ Văn Cao được chọn làm Quốc ca Việt Nam và bài ca “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” của nhạc sỹ Đỗ Minh là bài ca chính thức của Đảng. Nhạc sỹ Văn Cao sinh năm 1923, quê gốc ở thôn An Lễ, xã Liên Minh (Vụ Bản). Trước Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia hoạt động phụ trách đội danh dự diệt ác trừ gian. Thời gian này ông viết các ca khúc: “Công nhân Việt Nam”, “Chiến sỹ Việt Nam”. Đặc biệt, là ca khúc "Tiến quân ca", được ông sáng tác vào tháng 11-1944 viết lên đá, in trong trang văn nghệ đầu tiên của tờ báo Độc lập. Sau đó, bài hát được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Ngày 17-8-1945, trong cuộc mít tinh của công chức Hà Nội ở Quảng trường Nhà hát lớn, bài “Tiến quân ca” đã vang lên hùng tráng cùng với lá cờ đỏ sao vàng tung bay. Bài hát được in thành truyền đơn phát cho mọi người. Ngày 19-8-1945 tại Nhà hát lớn Hà Nội, bài “Tiến quân ca” lại vang lên từ một dàn đồng ca của các em thiếu niên tiền phong. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng triệu đồng bào, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bài hát “Tiến quân ca” lại vang lên. Năm 1946, nhạc sỹ Văn Cao hoạt động ở Liên khu III. Đây là thời kỳ sung sức nhất trong quá trình sáng tác của ông với các tác phẩm: Sông Lô (1947), Làng tôi (1947), Ngày mùa (1948), Toàn quốc thi đua (1948), Tiến về Hà Nội (1949), Ca ngợi Hồ Chủ tịch (1949). Ngoài viết ca khúc, nhạc sỹ  Văn Cao còn viết nhạc cho điện ảnh và sân khấu. Với sức cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà, nhạc sỹ Văn Cao đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương, năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: “Tiến quân ca”, “Chiến sỹ Việt Nam”, “Sông Lô”, “Tiến về Hà Nội”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”.

Văn Cao, một tượng đài của Âm nhạc Việt Nam
Văn Cao, một tượng đài của Âm nhạc Việt Nam

Cũng thuộc lớp nhạc sỹ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhạc sỹ Đỗ Minh, quê xã Hải Triều (Hải Hậu), tham gia trong các chiến dịch biên giới, trung du, Điện Biên Phủ. Năm 1951, đơn vị của ông đóng quân tại huyện Đại Từ, thủ đô kháng chiến của chiến khu Việt Bắc, Đảng ta chuẩn bị ra hoạt động công khai, nhạc sỹ Đỗ Minh đã sáng tác ca khúc ''Chào mừng Đảng Lao động Việt Nam'' (sau này đổi tên thành ca khúc ''Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam”). Bài hát ra đời, được sự đón nhận của đông đảo chiến sĩ và đồng bào, tạo niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng, thúc giục mọi lực lượng hăng hái chiến đấu trên mọi mặt trận, mà thắng lợi đỉnh cao của toàn Đảng, toàn dân là Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tác phẩm “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” của nhạc sĩ Đỗ Minh đã trở thành bài ca chính thức của Đảng. Trải qua hơn nửa thế kỷ, bài hát không những vang lên trong trái tim của mỗi đảng viên mà còn là niềm xúc động, tự hào và mong mỏi của toàn thể nhân dân Việt Nam đối với Đảng - lá cờ đầu tiên phong trong mọi lĩnh vực, thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển đi lên.
Nhắc đến mảng âm nhạc về đề tài cách mạng, ca ngợi hình tượng người chiến sỹ anh Bộ đội Cụ Hồ, thì các nhạc sỹ Văn Ký, Văn An, Trần Viết Được là những tác giả quê hương Nam Định có nhiều sáng tác hay trong sự nghiệp lao động sáng tạo nghệ thuật. Nhạc sỹ Văn Ký, quê xã Liên Minh (Vụ Bản) gia nhập quân đội năm 1948, sau đó được điều động về công tác tại Quân khu IV, trở thành cán bộ lãnh đạo Đoàn Văn công Quân khu IV. Tại đây, Văn Ký có điều kiện phát triển tài năng âm nhạc. Ông sáng tác các ca khúc “Bình Trị Thiên quật khởi”, “Tình hậu phương”, “Chiến thắng Hoà Bình”,  “Dân công lên đường”… phục vụ kháng chiến. Các sáng tác sau này của ông mang âm hưởng anh hùng ca với ngôn từ trong sáng, giàu hình ảnh và tính nhân văn  sâu sắc như: “Bài ca hy vọng”, “Tây Nguyên bất khuất”, “Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh”, “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”, “Hà Nội mùa xuân”, “Trời Hà Nội xanh”, “Nha Trang mùa thu lại về”... Với thành tích trong sáng tác âm nhạc, nhạc sỹ Văn Ký đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Giải thưởng Nhà nước về Âm nhạc năm 2001. Nhạc sỹ Văn An, sinh ra ở Thành phố Nam Định, trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc, các ca khúc gắn với tên tuổi của nhạc sỹ: “Đôi dép Bác Hồ”, “Lá cờ Đảng”, “Đường lên Tây Bắc”… Nhạc sỹ Trần Viết Được, cũng ở Thành phố Nam Định với ca khúc “Trái tim người chiến sỹ” - khắc họa sâu sắc hình ảnh cao đẹp về tinh thần bất khuất kiên cường, nhưng cũng rất đỗi tài hoa của anh Bộ đội Cụ Hồ.

Có thể nói, cùng với thời gian, những ca khúc cách mạng của các nhạc sỹ quê hương Nam Định, đặc biệt là những sáng tác trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ luôn có chỗ đứng trong đời sống âm nhạc dân tộc. Những tên tuổi nhạc sỹ như: Văn Cao, Văn Kỳ, Đỗ Minh, Văn An, Bùi Công Kỳ, Vũ Trọng Hối, Phạm Đình Sáu, Trần Viết Được, Văn Thành Nho… là những nhạc sỹ có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam được các thế hệ khán giả trân trọng./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com