Lận đận nghề xe ôm

08:06, 10/06/2022

Những năm qua, với sự tham gia của các phương tiện vận tải công cộng như: taxi, xe buýt... nghề chạy xe ôm truyền thống gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt từ khi dịch COVID-19 khởi phát đến nay thì công việc của họ càng vất vả hơn.

Người làm nghề xe ôm đón khách tại một điểm trên đường Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định).
Người làm nghề xe ôm đón khách tại một điểm trên đường Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định).

Dạo quanh một vòng trên địa bàn thành phố Nam Định, chúng tôi dễ dàng nhận thấy các điểm hành nghề xe ôm thường tập trung ở những nơi đông đúc như: bến xe, bệnh viện, chợ, các trạm dừng chân xe buýt những ngày này đều khá ảm đạm… Ông Trần Doãn Hùng, người chạy xe ôm ở điểm đón, trả khách bến xe buýt khu vực Nhà thờ Lớn (thành phố Nam Định) cho biết, ông đã hành nghề xe ôm tại khu vực này đến nay đã gần 20 năm. Công việc thường không cố định giờ giấc, có khi rời khỏi nhà từ sáng sớm và trở về lúc tối muộn. Suốt quãng thời gian đó, ông không nhớ đã có bao nhiêu chuyến xe rong ruổi khắp trong và ngoài địa bàn thành phố Nam Định. Cũng nhờ nghề này mà gia đình ông có “đồng ra, đồng vào”, nuôi được các con ăn học thành người. Theo ông Hùng, với một người làm nghề xe ôm không đòi hỏi trình độ, không giới hạn độ tuổi, chỉ cần có một chiếc xe máy với các giấy tờ như: giấy phép lái xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, mũ bảo hiểm là có thể bắt đầu hành trình mưu sinh trên những nẻo đường. Công việc khá đơn giản được nhiều người lựa chọn để mưu sinh, nhưng thực tế có lăn lộn với nghề mới thấu hiểu được những vất vả. Người lái xe ôm ngoài phải có sức khỏe tốt, sẵn sàng dầm mưa dãi nắng, bất chấp ngày hay đêm, phải kiên trì, nhẫn nại và phải chấp nhận hiểm nguy thường xuyên đe dọa. Vài năm nay khi các loại hình xe dịch vụ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các xe công cộng, dịch vụ taxi giá rẻ nở nộ, cạnh tranh “bắt” khách, thế là “nồi cơm” của gia đình ông cũng vơi dần đi. Bây giờ tuổi đã cao, sức khỏe cũng yếu, song vì mưu sinh nên ông Hùng vẫn bám trụ với nghề, dù có hôm cả ngày chỉ được 1-2 khách đi xe. 

Nắng gió, bụi bặm, bươn chải trên đường đã khiến cho anh Thắng, người lái xe ôm thường cắm chốt đợi khách trên tuyến đường Trần Đăng Ninh, khu vực Bệnh viện Phụ sản Nam Định già đi rất nhiều so với cái tuổi 42 của mình. Anh Thắng cho biết: “Tôi đã gắn bó được 15 năm với nghề xe ôm. Trước đây có ngày khách đi xe tới mấy chục cây số, cũng kiếm được cả trăm nghìn, bây giờ thời đại công nghệ nên người dân có nhiều lựa chọn xe taxi dịch vụ... Từ một ngày mười khách, thì nay chỉ còn vài ba người, mà vất vả lắm mới đón được khách đi xe ôm”. Bên cạnh đó, nghề xe ôm luôn phải đối diện với không ít hiểm nguy. Hiểm nguy từ những yếu tố khách quan lẫn chủ quan, từ việc hàng ngày luôn phải chạy xe trên đường luôn đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, rồi những chuyến chở khách đi về trong tối muộn chẳng may xe hỏng hoặc gặp phải người khách có ý đồ xấu, khách không chịu trả tiền... Với mỗi người chọn nghề xe ôm, ngoài thuộc lòng các tuyến đường, họ còn phải tự trang bị cho mình những kỹ năng tự bảo vệ an toàn. “Tôi luôn chăm chút chiếc xe một cách cẩn thận, lốp xe không được mòn, ruột xe thì không quá 3 miếng vá. Ngay khi nhận khách, tôi chú ý quan sát từng cử chỉ, hành động khi chở khách cố gắng trò chuyện; nếu thấy khách có gì đó bất thường, tôi sẽ cố gắng chạy xe thật nhanh, tuyệt đối không dừng ở những đoạn đường vắng dù khách có yêu cầu và khi dừng xe thường chọn nhà dân hoặc quán tạp hóa để tránh nguy hiểm cũng như không bị quỵt tiền”, anh Thắng nói thêm.

Ngày làm việc của người chạy xe ôm phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Ngày mưa vắng khách, ngày nắng nóng thì việc di chuyển ngoài đường như một cực hình. Mỗi cuốc xe kết thúc, người chạy xe ôm lại tìm về bóng mát, uống vội ngụm nước mang theo để tiết kiệm chi phí. Khi mệt, họ gục trên xe máy ngủ tạm chờ khách gọi để chạy tiếp. Nhọc nhằn là vậy nhưng nhiều người chạy xe ôm vẫn vui vẻ chấp nhận. Ông Nguyễn Văn Sáng người chạy xe ôm ở khu vực chợ Hạ Long (thành phố Nam Định) cho biết: “Tôi không mặc cảm khi chạy xe ôm, bởi nghề nào cũng là nghề, miễn đồng tiền từ sức lao động làm ra thì đâu có gì phải ngại”. Khó lại càng khó khi hiện nay lượng khách ít, nguồn thu nhập giảm nên nhiều người phải bỏ nghề để tìm kiếm công việc khác. Những người bám trụ đa phần đã lớn tuổi, gắn bó lâu năm với công việc, có một lượng khách quen ổn định để đảm bảo nguồn thu mỗi ngày. Vất vả là thế nhưng thu nhập của nghề xe ôm cũng khá bấp bênh. Trung bình mỗi ngày, một người có thể kiếm được hơn 100 nghìn đồng, hôm nào đắt khách thì được hơn 200 nghìn đồng, mấy bữa ế khách coi như lỗ tiền xăng. 

Dễ đến với nghề nhưng không dễ kiếm tiền là tình hình chung của nghề xe ôm hiện nay nhưng vẫn còn nhiều người giữ lấy nghề bởi nặng gánh gia đình khi đất sản xuất ngày càng ít, nghề nghiệp không ổn định, mong có tiền cho con cái ăn học./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com