Trên quê hương Mỹ Tân anh hùng

07:04, 29/04/2022

Những ngày cuối tháng Tư lịch sử, hòa trong không khí của ngày hội “Thống nhất non sông”, toàn Đảng bộ, nhân dân xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) luôn tự hào về truyền thống anh dũng, kiên cường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; năng động, linh hoạt trong xây dựng quê hương giàu đẹp. 

Cán bộ xã Mỹ Tân tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa truyền thống.  Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Cán bộ xã Mỹ Tân tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa truyền thống.

Một thời “chắc tay súng, giỏi tay cày”

Nằm ở vị trí chiến lược ngay sát thành phố Nam Định, lại có đường giao thông thủy, bộ với tỉnh bạn Thái Bình, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đảng bộ, nhân dân xã Mỹ Tân đã luôn nhận thức được yêu cầu nhiệm vụ chuẩn bị chu đáo phương án vừa sản xuất, vừa chiến đấu “tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Với tinh thần đó, một mặt xã củng cố lực lượng dân quân du kích với trên 300 người và 1 trung đội trực chiến luôn sẵn sàng đánh máy bay địch, bảo vệ xóm làng, hướng dẫn nhân dân chuẩn bị hầm hào tránh bom đạn. Quân, dân trong xã cùng đồng lòng phối hợp thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và biểu lộ quyết tâm chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ quê hương. Do đó, trong suốt những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, địa bàn xã Mỹ Tân bị 24 lần ném bom, làm chết hàng trăm người, phá hủy nhiều công trình sản xuất, nhà cửa, tài sản của nhân dân. Riêng trong năm 1967, Mỹ Tân đã hứng chịu 4 trận bom phá hủy bến phà Tân Đệ, xóm Tân Đệ, đê Hồng Phong, kho xăng, trạm biến thế xóm Cộng Hòa… làm chết và bị thương gần 50 người dân và bộ đội địa phương. Cứ sau mỗi trận địch ném bom, lực lượng dân quân du kích xã nhanh chóng cứu người bị nạn, sửa chữa nhà cửa, công trình đường giao thông để ổn định sản xuất, chiến đấu. Tổ tháo dỡ bom mìn của xã đã cùng với lực lượng công binh của tỉnh và thành phố Nam Định tháo gỡ hàng chục quả bom từ trường ở cửa sông Hồng, khu vực bến phà Tân Đệ và độc lập tháo gỡ 2 quả bom lớn, 500 quả bom bi đảm bảo giao thông đường thủy thông suốt. Trung đội dân quân trực chiến của xã thường xuyên bám sát trận địa, phối hợp với bộ đội và tự vệ thành phố Nam Định đánh 38 trận, góp phần khép kín lưới lửa phòng không của quân dân ta, bao vây, tiêu diệt máy bay địch. Trong 3 năm 1967, 1969, 1971, đại đội quân du kích Hồng Long, xã Mỹ Tân được công nhận là đơn vị Quyết Thắng; nhiều cá nhân được tặng danh hiệu chiến sĩ Quyết Thắng. Mỹ Tân còn động viên 1.287 thanh niên lên đường nhập ngũ, chiến đấu vì miền Nam ruột thịt. Trong đó có 117 đồng chí đã hy sinh anh dũng, 48 đồng chí bị thương. Vượt qua bom đạn, người dân Mỹ Tân vẫn bám đồng ruộng, xóm làng thúc đẩy sản xuất mọi mặt. Xã không chỉ vượt trội thành tựu 5 tấn thóc/ha mà còn mở rộng thêm được “vành đai” rau xanh với tổng diện tích trên 60 mẫu, đạt sản lượng từ 400-500 tấn rau xanh, góp phần cung ứng thực phẩm cho người dân thành phố Nam Định và các tỉnh lân cận. Cùng với sản xuất nông nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp của Mỹ Tân còn tổ chức được nhiều tổ đội ngành nghề như: đội thủy lợi 202, đội cơ khí, làm gạch, chăn nuôi và nuôi cá giống. Do đó, sản xuất lương thực, thực phẩm không chỉ đủ phục vụ nhu cầu của người dân trong xã, nộp thuế nông nghiệp đầy đủ, Mỹ Tân còn cung ứng hàng trăm tấn thóc gạo, lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường miền Nam. 

Đi đầu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Truyền thống chiến đấu, lao động và sản xuất trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước là niềm tự hào, thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và các thế hệ người dân xã Mỹ Tân hôm nay không ngừng nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương. Trong thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự điều hành của chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, tích cực xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Trần Ngọc Tiến, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Đến nay, xã Mỹ Tân đã có sự bứt phá trong phát triển kinh tế ở tất cả các lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại. Trong đó sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương, đưa xã trở thành điểm sáng của huyện Mỹ Lộc và của tỉnh trong chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao với việc xây dựng thành công 2 mô hình “Tuyến đê kiểu mẫu” và “Khu dân cư nhà vườn nông thôn mới kiểu mẫu”. Năm 2021, giá trị sản xuất nông nghiệp của xã đạt gần 200 tỷ đồng; trong đó giá trị bình quân 1ha đất canh tác hoa đạt trên 600 triệu đồng/năm. Nghề trồng hoa được phát triển ở Mỹ Tân từ vài chục năm trước, tập trung ở xóm Hồng Hà 1 và Hồng Hà 2 với đa phần là hoa cúc, xuất bán cho người dân khu vực thành phố Nam Định và tỉnh Thái Bình. Nhờ sự cần cù chịu khó, lại được sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương nghề trồng hoa đã nhanh chóng mở rộng, đầu tư trồng hoa công nghệ cao và phát triển thêm nhiều loại hoa quý như hoa ly, lay dơn, cát tường, hồng, loa kèn... Không chỉ sản xuất nhỏ lẻ, người dân Hồng Hà liên kết sản xuất theo mô hình tổ hợp tác trồng hoa công nghệ cao, hình thành vùng sản xuất hoa chất lượng cao, tập trung. Tiêu biểu như mô hình sản xuất và tiêu thụ giống hoa của gia đình anh Nguyễn Trọng Đại, xóm Hồng Hà 2, đạt doanh thu gần 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động tại địa phương. Ngoài ra, còn nhiều mô hình khác cũng đem lại nguồn thu khoảng 200 triệu đồng/vụ hoa Tết như: Gia đình anh Nguyễn Văn Sử ở thôn Hồng Hà 1, trồng khoảng 1ha hoa cát tường, ly, dơn, cúc; các hộ Trần Bá Dụng ở thôn Hồng Hà 1; Đỗ Văn Tùng, Trần Sách Lập, Nguyễn Xuân Lợi, thôn Hồng Hà 2 trồng cúc chậu, hồng chậu. Họ đều là những tấm gương làm ăn giỏi ở địa phương. Nhiều hội viên nông dân trồng hoa đã có mức thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng và giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Năm 2019, xóm Hồng Hà được UBND tỉnh chọn làm điểm xây dựng 2 mô hình “Tuyến đê kiểu mẫu” và “Khu dân cư nhà vườn nông thôn mới kiểu mẫu”. Thôn Hồng Hà đã tập trung nhân lực, vật lực, đóng góp công sức, tiền của nâng cấp toàn bộ hệ thống giao thông, thuỷ lợi, điện chiếu sáng, đảm bảo vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan từ nhà ra ruộng đến các triền đê. Trong đó, 20 hộ dân tiêu biểu xây dựng khu nhà vườn kiểu mẫu với quy hoạch kiến thiết lại đất vườn của gia đình mình thành một khuôn viên thu nhỏ đảm bảo cảnh quan môi trường, phù hợp với đặc thù làng nghề hoa, cây cảnh có thể kết hợp khai thác kinh tế vườn gắn với du lịch trải nghiệm sinh thái làng nghề. Cùng với nghề trồng hoa, Đảng bộ xã Mỹ Tân đã khuyến khích người dân phát triển sản xuất nông nghiệp với mô hình ứng dụng công nghệ cao để trồng rau sạch, nuôi thủy sản nội đồng và mở rộng quy mô thả lồng bè nuôi cá trên sông để vừa nâng cao thu nhập, vừa đa dạng sinh thái, tạo cảnh quan phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái ở làng nghề. 

Quật cường, gan dạ trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, năng động trong phát triển kinh tế, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế vùng đất ven đô, xã Mỹ Tân ngày càng phát triển, thích ứng với xu hướng kinh tế nông nghiệp hiện đại và là điểm sáng của tỉnh trong phát triển du lịch sinh thái làng nghề./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com