Nỗ lực vượt lên bóng tối

07:04, 22/04/2022

Mất đi thị lực, nhiều người khiếm thị vẫn nỗ lực đi tìm “nguồn sáng” dù biết phía trước còn biết bao khó khăn, thử thách. Anh Nguyễn Văn Hưng ở xã Xuân Hồng (Xuân Trường) là một trong những gương điển hình người khiếm thị trong tỉnh nỗ lực vươn lên trong cuộc sống bằng việc mạnh dạn phát triển chăn nuôi bò sinh sản, trồng sắn dây, chuối… mang lại kinh tế ổn định.

Anh Nguyễn Văn Hưng ở xã Xuân Hồng (Xuân Trường) dù bị khiếm thị vẫn nỗ lực trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.
Anh Nguyễn Văn Hưng ở xã Xuân Hồng (Xuân Trường) dù bị khiếm thị vẫn nỗ lực trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.

Khi lên 4 tuổi, anh Hưng vô tình bị trượt chân ngã xuống lò vôi,  từ đó bị teo dây thần kinh thị lực, đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng. Dù gia đình đã cố gắng chạy chữa khắp nơi nhưng không đem lại kết quả khả quan. Sau khi được gia đình cho đi học phục hồi chức năng ở Hội Người mù tỉnh, anh được học chữ Brail và lớp vi tính văn phòng dành cho người khiếm thị. Ngoài ra, anh còn được Hội đào tạo học nghề tẩm quất, bấm huyệt và được làm việc tại cơ sở tẩm quất, bấm huyệt của Hội. Với trăn trở được làm việc tại quê nhà, gần bố, mẹ, năm 2010, anh Hưng về quê nhà lập nghiệp. Anh được người thân động viên, mua tặng 2 con bò và được Hội Người mù huyện Xuân Trường tạo điều kiện cho vay vốn từ Quỹ quốc gia để có thêm động lực để phát triển kinh tế. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những người thân và sử dụng điện thoại thông minh để tìm tài liệu trên internet, anh Hưng mạnh dạn phát triển đàn bò lên 10 con. Trung bình mỗi năm, đàn bò của anh sinh sản được 4-5 con. Anh cho biết: “Với người bình thường, nuôi bò đỡ vất vả hơn so với chăn nuôi gia súc khác; song với người khiếm thị lại không hề đơn giản chút nào. Những lúc bò phá dây buộc, bỏ chạy, tôi phải vất vả tìm kiếm khắp nơi, chưa kể vào ngày mưa gió vẫn phải đi cắt cỏ để bò ăn. Vất vả là vậy nhưng nhờ nuôi bò cuộc sống của gia đình tôi ổn định hơn trước”. Nhận thấy chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với điều kiện của mình, anh còn mạnh dạn đấu thầu thêm hơn 3 mẫu đất của xã để trồng sắn dây, trồng chuối bởi đây là những loại cây dễ trồng, chịu hạn tốt, ít công chăm sóc, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp do tự nhân giống cho các vụ liền kề. Tuy nhiên, do sắn dây là cây lấy củ nên muốn có năng suất cao, ngoài chăm sóc thì anh Hưng đặc biệt quan tâm khâu đắp ụ, làm giàn. Thay vì trồng theo cách từ trước đến nay người dân vẫn thường làm, anh Hưng đắp đất thành ụ nổi cao trên 1m, đất trồng sắn dây trước khi đắp thành ụ sẽ được trộn đều với các loại phân bón theo tỷ lệ nhất định. Bên trên ụ, anh dùng cọc tre và dây thép để làm giàn cho sắn dây leo. Theo kinh nghiệm của anh, ụ trồng sắn phải to, đảm bảo cho củ sắn dây phát triển, đất phải mới, càng tơi xốp thì củ càng to. Giàn phải đủ cho sắn dây leo, tránh hiện tượng dây sắn trên giàn quá dày dẫn đến quang hợp kém. Đặc biệt không để dây sắn chạm đất, sắn sẽ đâm rễ tạo gốc mới dẫn đến giảm năng suất, hiệu quả không cao. Với cách làm này, cây sắn không chỉ cho củ to, đều mà còn giúp người trồng dễ thu hoạch. Theo anh, sắn dây thường trồng được 1 vụ/năm, nên trồng từ tháng 3 âm lịch để cây có thời gian tích lũy bột cao nhất, sau 9-10 tháng cho thu hoạch. Thời điểm thu hoạch sắn dây tốt nhất là khi cây chuẩn bị rụng lá trên giàn, vì đây là thời điểm, lượng tinh bột cây tích lũy được cao nhất và phải thu hoạch xong trước khi cây mọc mầm trở lại bởi khi đó củ sắn dây sẽ không lớn thêm nữa, tinh bột trong củ sẽ quay trở lại nuôi cây. Năm nay thời tiết thuận lợi nên năng suất sắn dây khá, từ 850-900kg củ tươi/sào, với mức giá trung bình khoảng 7.000-8.000 đồng/kg, cho thu nhập cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Ngoài ra, anh còn chế biến củ sắn tươi thành bột sắn có giá từ 90-100 nghìn đồng/kg. Các sản phẩm của anh Hưng đều được thương lái đến tận nhà thu mua. Ngoài ra, anh Hưng còn trồng cỏ voi để làm thức ăn cho bò, vừa chủ động được nguồn thức ăn, vừa có nguồn thức ăn sạch, đầy đủ dinh dưỡng mà người nuôi không mất công dắt bò đi xa ăn cỏ. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt của anh Hưng đạt trên 200 triệu đồng. Anh nói: “Thu nhập như thế đối với một người bình thường có lẽ bình thường, còn đối với những người khiếm thị như tôi thì đó là con số mà trước đây tôi cũng không dám nghĩ tới. Cảm ơn các cơ quan chức năng, cảm ơn nguồn vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã chắp cánh cho tôi có thêm nguồn động lực để vượt lên mặc cảm của bản thân, phát triển kinh tế”. Chia sẻ niềm vui về những thành công trên con đường phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương của con trai, ông Nguyễn Văn Hạ - bố anh Hưng cho biết: “Ngày con trai tôi bị tai nạn, cả gia đình ai cũng lo lắng, đưa con chạy chữa khắp nơi mà không có kết quả. Chúng tôi từng rất bi quan khi nghĩ cuộc đời của con sau này. Nhưng với ý chí vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, mặc cảm, không muốn bố mẹ phải vất vả của Hưng đã thành công. Hiện tại, việc làm ăn của Hưng cũng ổn định nên gia đình yên tâm, luôn tự hào”.

Những nỗ lực vượt lên bóng tối của anh Nguyễn Văn Hưng trong cuộc sống và công việc đã tiếp thêm nghị lực cho nhiều người khiếm thị vượt lên hoàn cảnh, tự lập bằng sức lao động của mình, hòa nhập cộng đồng./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com