Nghề muối ở Bạch Long

06:06, 26/06/2020

Những ngày hè tháng 6 nắng như đổ lửa, diêm dân xã Bạch Long (Giao Thủy) lại tất bật với vụ mùa muối mới. Năm nay, số diêm dân bám nghề lại ít hơn năm trước. Những người ở lại vẫn cố bám trụ lấy nghề truyền thống của quê hương dù thu nhập từ nghề muối chẳng là bao.

Diêm dân xã Bạch Long (Giao Thủy) thu hoạch muối.
Diêm dân xã Bạch Long (Giao Thủy) thu hoạch muối.

Trước đây, Bạch Long được biết tới là vựa muối lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích canh tác trên 230ha. Nghề làm muối đã gắn bó với diêm dân từ bao đời nay, là niềm tự hào của quê hương Bạch Long. Tuy nhiên, vài năm gần đây, số diêm dân bỏ ruộng muối ngày càng cao. Qua rà soát, diện tích sản xuất muối của xã chỉ còn gần 60ha. Đồng chí Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Long chia sẻ: “Những năm gần đây, thu nhập từ sản xuất muối không cao. Vào thời điểm có nắng to, diêm dân thu được khoảng 50 nghìn đồng/sào/ngày, còn nếu gặp ngày mưa thì toàn bộ ngày công “trôi sông, đổ biển”. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho sản xuất muối như: nâng cấp sân phơi, chạt nước, kho muối, mua cát, vôi luôn duy trì từ 3,5-4 triệu đồng/sào/năm. Mỗi mùa muối, nếu nắng nhiều thì diêm dân có dư giả đôi chút. Vì vậy nhiều người không còn mặn mà với nghề nhiều nhọc nhằn này. Số lao động chính làm muối hiện nay cũng thay đổi, chủ yếu người già và một số trẻ em trong độ tuổi đi học tranh thủ ra phụ giúp gia đình”.

Nhằm hỗ trợ diêm dân duy trì, phát triển nghề muối, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tiến tới hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, từ năm 2019, xã Bạch Long đã cho quy hoạch lại vùng sản xuất muối, dồn diện tích cánh đồng muối số 2 và số 3 với hơn 54ha cho những gia đình đăng ký sản xuất muối. Các cánh đồng 1A, 1B và một phần cánh đồng số 3 và số 6 sản xuất muối kém hiệu quả được đầu tư xây dựng lại cơ sở hạ tầng, chuyển đổi sang trồng hoa màu, chăn nuôi gia súc và kinh doanh tổng hợp hoặc nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, trong năm 2020, Bạch Long tiếp tục phân chia lại diện tích sản xuất một cách hợp lý. Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, để quay lại thời kỳ hoàng kim nhất của nghề muối thì rất khó. Tuy nhiên với mong muốn duy trì nghề truyền thống của quê hương, từ năm 2019 đến nay, địa phương quyết tâm giữ lại 54ha để nhân dân tiếp tục sản xuất. Xã cũng đề ra chỉ tiêu sản xuất 10 nghìn tấn muối/năm. Bên cạnh đó, chuỗi sản xuất và thu mua muối được triển khai để hỗ trợ người dân cải tạo ruộng muối, đưa muối về cơ sở sản xuất muối sạch. Hiện toàn xã có hơn 30 đại lý của tư nhân và 4 công ty đang thu mua, chế biến muối sạch. Nhờ đó, giá muối hiện nay ổn định và có xu hướng tăng cao hơn, gỡ một phần khó khăn cho người làm muối.

Tuy nhiên, nghề muối cũng như nhiều nghề nông khác phụ thuộc phần lớn vào thời tiết. Bà con diêm dân vẫn mong muốn Nhà nước có những chính sách hỗ trợ sát sườn hơn về ổn định giá, cân đối cung cầu tránh tình trạng tiểu thương ép giá. Ông Mai Văn Hải năm nay đã 76 tuổi, ở xóm Xuân Ninh, đã gắn bó cả đời với nghề muối chia sẻ: “Cái khó của nghề muối là ngày trời nắng muối làm ra nhiều, giá muối lại nhanh hạ, người dân vất vả còn thua lỗ, mưa nhiều thì muối mất mùa, giá đẩy lên cao mà không có muối để bán. Vậy nên bao nhiêu năm, người làm muối vẫn cứ quanh quẩn với cái nghèo”. Kinh tế khó khăn nhưng gia đình ông Hải vẫn không bỏ nghề vì đã “ăn vào xương máu”, nuôi sống cả gia đình ông mấy chục năm. Đối với ông Hải, hàng ngày được ra đồng là cảm thấy vui, khỏe khoắn. Ngày nắng nhiều hay ngày nắng ít, hai vợ chồng ông Hải đều có mặt ngoài đồng với mong muốn “được đồng nào hay đồng ấy, không muốn phụ thuộc con cái”. Ngày nắng càng to, muối thu hoạch được nhiều, ông Hải thu được 2 phương muối/sào nếu bán được giá 2.000 đồng/kg thì ông sẽ thu về 50 nghìn đồng; ngày mưa, nắng kém chỉ được 25-30 nghìn đồng. Còn với bà Lưu Thị Ân, 50 tuổi cũng ở xóm Xuân Ninh chia sẻ: “Không làm muối thì không biết làm gì khác. Xã Bạch Long từ khi khai hoang lập ấp đã mở ra ruộng muối và chia cho nhân dân. Người dân địa phương sống chủ yếu bằng nghề làm muối”. Theo bà Ân, ở cái tuổi 50 nếu muốn đi làm công nhân lương cao (120-150 nghìn đồng/ngày) thì không ai người ta nhận, làm hoa màu thì không có đất. Xã cho đấu mấy sào muối thì giữ mà làm cho đến lúc về già, để cho con cháu sau này, không bỏ nghề được”. Con và chồng đi làm xa kiếm thêm thu nhập, bà Ân chỉ có một mình nhưng nhận làm 6 sào muối. Nghề muối giúp bà trang trải cuộc sống. Về mùa mưa, không có nắng, bà đi làm thuê, “ai mượn gì làm nấy”. Nhiều diêm dân cũng có suy nghĩ như ông Hải, bà Ân, họ gắn bó với nghề bởi tình yêu, sự thân thuộc hoặc bởi cuộc sống mưu sinh. Dù với lý do nào, họ cũng là những người giữ nghề, “truyền lửa” cho thế hệ sau về truyền thống của quê hương.

Nếu biết áp dụng những tư duy mới, nghề muối vẫn có thể “sống”, diêm dân vẫn bám trụ được với nghề. Vùng muối Bạch Long với phương pháp làm muối phơi cát độc đáo số 1 trên thế giới sẽ cho ra sản phẩm muối với nhiều vi khoáng chất nhưng số lượng rất ít, khó nuôi sống được diêm dân. Tuy nhiên, cánh đồng muối Bạch Long có thể trở thành điểm thu hút du khách nếu biết cách tận dụng. Hiện nay mô hình du lịch sinh thái, sinh hoạt cộng đồng rất phát triển. Với lợi thế cảnh quan thiên nhiên cuốn hút, cùng làng nghề làm muối độc đáo chắc chắn sẽ cuốn hút khách du lịch đến tham quan. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền nên cho quy hoạch lại vùng sản xuất muối để không sản xuất manh mún như hiện nay. Như vậy, nghề muối vẫn được lưu giữ, diêm dân bớt khó khăn. Cùng với nghề sản xuất muối xã Bạch Long còn có lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái đa dạng, đất đai màu mỡ và chủ động về nguồn nước; bờ biển kéo dài hơn 31km với bãi triều và đầm phá có nhiều tiềm năng cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, xã Bạch Long nói riêng, huyện Giao Thủy nói chung đã tạo điều kiện cho nhân dân tập trung nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa, quy hoạch gọn vùng nuôi trồng thủy sản, làm dịch vụ… Tuy bước đầu còn nhiều khó khăn do chi phí đầu tư cao, có thể rủi ro lớn nhưng đã phần nào giải quyết được bài toán khó cho diêm dân. Với những nỗ lực của Nhà nước và nhân dân, nghề muối chắc chắn sẽ còn trên mảnh đất Bạch Long và đời diêm dân sẽ bớt “đắng chát” như hạt muối mặn mòi./.

Bài và ảnh: Nguyễn Minh
(K37 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com