Hải Hậu phát triển ba mũi nhọn kinh tế nông thôn (kỳ 2)

07:03, 29/03/2019

(Tiếp theo và hết)

Tuy đã đạt được một số kết quả khả quan nhưng mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn bền vững của huyện Hải Hậu vẫn còn một số khó khăn, hạn chế đòi hỏi Huyện ủy, HĐND, UBND huyện cần có những giải pháp đồng bộ, căn cơ nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020.

Những giải pháp xây dựng kinh tế nông thôn mới kiểu mẫu

Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, bên cạnh những kết quả khả quan trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân, huyện Hải Hậu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế ở cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và kinh tế biển.

Qua gần 3 năm thực hiện Đề án “Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện giai đoạn 2015-2020”, mặc dù giá trị toàn ngành công nghiệp - xây dựng có tăng nhưng riêng lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển đúng tiềm năng, tỷ trọng mới chiếm gần 16% trong tổng cơ cấu kinh tế của huyện. Trong khi đó, mục tiêu của Đề án là đến năm 2020, tỷ trọng sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phải chiếm 35,3% cơ cấu kinh tế toàn huyện. Tiến độ đầu tư dự án trong các cụm, điểm công nghiệp của nhiều doanh nghiệp còn chậm tiến độ theo đăng ký đầu tư. Cá biệt có doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục được giao đất từ nhiều năm nhưng vẫn chưa thực hiện đầu tư xây dựng nhà xưởng để tổ chức sản xuất. Đa số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở quy mô nhỏ và vừa, chậm đổi mới công nghệ sản xuất, lại phân tán không tập trung nên sức cạnh tranh còn yếu. Lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật cao chưa nhiều. Trong số 44 làng nghề đã hình thành và phát triển ở 33/35 xã, thị trấn thì chỉ có 7 làng nghề mộc mỹ nghệ, 3 làng nghề nuôi trồng thủy sản, làng nghề sản xuất bánh kẹo Đông Cường (Thị trấn Yên Định) và dệt lưới cước Minh Châu (Thị trấn Thịnh Long) phát triển vững chắc, mang lại thu nhập cao. Các làng nghề sinh vật cảnh và một số làng nghề khác như xe đay - dệt chiếu, xây dựng vì nhiều lý do không còn phát triển mạnh, sản xuất, kinh doanh cầm chừng, có nơi èo uột, sa sút...

Ngư dân huyện Hải Hậu thu hoạch thành quả sau chuyến biển tại cảng cá Ninh Cơ, Thị trấn Thịnh Long.
Ngư dân huyện Hải Hậu thu hoạch thành quả sau chuyến biển tại cảng cá Ninh Cơ, Thị trấn Thịnh Long.

Trong sản xuất nông nghiệp nhiều loại nông sản chưa có đầu ra ổn định; việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào cung cầu ngắn hạn của thị trường. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế cả về quy mô và chất lượng. Kinh tế biển đã góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế của nhiều xã vốn trước đây rất khó khăn do thuần nông hoặc độc canh diêm nghiệp nhưng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Nuôi trồng thủy sản ở nhiều địa phương vẫn còn manh mún, tiến độ chuyển đổi diện tích trồng lúa, làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản còn chậm và chưa đồng bộ, còn phổ biến tình trạng sản xuất xen kẽ giữa thủy sản và làm muối, trồng lúa nên khó khăn trong công tác quản lý, điều tiết nước dẫn đến các hạn chế về hiệu quả sản xuất và phát sinh các vấn đề về môi trường (như nước thải bị ô nhiễm, lây lan dịch bệnh...). Một số đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ chân trắng, cá diêu hồng, cá lóc bông phát triển mạnh, nhu cầu con giống cao song chưa chủ động sản xuất được tại địa phương mà phải nhập từ các tỉnh ngoài nên việc kiểm soát chất lượng giống cũng như kế hoạch sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, chưa hoàn toàn chủ động, ảnh hưởng đến việc thực hành sản xuất sạch, an toàn. Hạ tầng kỹ thuật (hệ thống thủy lợi, hệ thống ao nuôi) các vùng nuôi tuy đã được đầu tư song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất; các vùng chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản chủ yếu dùng chung, sử dụng lại hệ thống thủy lợi sản xuất nông nghiệp, làm muối, nhiều vùng chưa có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt; nhiều ao nuôi chưa có khu xử lý nước, bùn thải nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao. Đầu ra đối với cá nước ngọt (điển hình là cá lóc bông và diêu hồng) chưa ổn định, giá đầu vụ cao nhưng cuối vụ thấp, hay bị tư thương ép giá. Việc xây dựng chuỗi giá trị trong nuôi trồng thủy sản còn chậm, chưa ổn định. Tỷ lệ tàu cá khai thác ven bờ lớn, giá trị sản phẩm khai thác không cao (do sản phẩm chủ yếu là cá tạp, cá nhỏ). Hệ thống cơ sở thu mua, chế biến, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá còn nhỏ lẻ, thiếu các nhà máy chế biến thủy sản và sản phẩm chế biến sâu với giá trị gia tăng cao. Hệ thống cung ứng - tiêu thụ sản phẩm khai thác chưa hoàn thiện nên giá trị của các sản phẩm khai thác chưa cao. Liên kết giữa ngư dân khai thác - doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản chưa được chặt chẽ, khép kín.

Trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân, UBND huyện đã giao Phòng Công thương phối hợp với các phòng, ban chức năng tham mưu với UBND huyện tiếp tục thực hiện Đề án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện giai đoạn 2015-2020. Triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển ngành nghề sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu... của huyện tầm nhìn đến năm 2025. Triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, các ngành công nghiệp chủ lực của huyện. Tiếp tục đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông quan trọng, đường huyện, đường liên xã; đường dẫn đến các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hóa. Tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút các dự án đầu tư lấp đầy các cụm công nghiệp đã triển khai xây dựng; thúc đẩy xây dựng các cụm công nghiệp mới được bổ sung quy hoạch như cụm công nghiệp ở các xã: Hải Đông, Hải Xuân, Hải Phong, Hải Vân nhằm thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, đóng góp lớn cho ngân sách và thân thiện với môi trường. Triển khai xây dựng và phát triển 9 cụm công nghiệp đã được quy hoạch trong giai đoạn đến năm 2025 tạo mặt bằng thu hút các dự án đầu tư; tiếp tục xây dựng các điểm công nghiệp tại các xã, thị trấn và tại các làng nghề sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại: Thu hút đa dạng các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp; tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, chương trình khảo sát thị trường trong và ngoài nước để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ, phát triển thương hiệu, ứng dụng thương mại điện tử vào sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường thân thiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020”, kết hợp các nội dung trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển, trong đó tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu; kiểm soát tốt dịch bệnh. Thu hút đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tăng cường liên kết trong sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển các sản phẩm hàng hoá có thế mạnh đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng thuỷ, hải sản; chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật để nâng cao chất lượng thủy sản, phát triển các đối tượng nuôi trồng có giá trị kinh tế cao; làm tốt công tác quản lý, cung ứng giống thủy sản, tăng cường phòng chống dịch bệnh cho đàn tôm, cá đã thả. Khuyến khích phát triển đội tàu khai thác xa bờ, khai thác theo tổ, đội; tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, đặc biệt trong mùa mưa bão.

Với những giải pháp đồng bộ nêu trên, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, huyện Hải Hậu phấn đấu thực hiện và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đặt ra theo quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt như: đến năm 2020, cơ cấu ngành nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng 21%; công nghiệp và xây dựng chiếm 49%; dịch vụ chiếm 30%... Trước mắt phấn đấu thực hiện và hoàn thành một số chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu: tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP (giá so sánh năm 2010) đạt 7,47%; tỷ trọng cơ cấu kinh tế các ngành trong tổng sản phẩm GRDP (giá hiện hành) là: nông nghiệp - thuỷ sản chiếm 21%; công nghiệp - xây dựng chiếm 41,4%;  dịch vụ - du lịch chiếm 37,6%; nâng mức thu nhập bình quân lên 54 triệu đồng/người/năm để quyết tâm trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com