Nặng lòng với trẻ khuyết tật

08:01, 04/01/2019

Dạy cho học sinh bình thường tiến bộ đã khó, dạy cho học sinh khuyết tật khó gấp bội phần. Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất của giáo viên dạy trẻ khuyết tật không phải là những nhọc nhằn gian khó khi dạy các em mà các cô luôn tìm cách bù đắp thiệt thòi để các em tiến bộ mỗi ngày và hòa nhập cộng đồng.

Cô và trò tại cơ sở giáo dục mầm non và hỗ trợ hòa nhập Họa Mi.
Cô và trò tại cơ sở giáo dục mầm non và hỗ trợ hòa nhập Họa Mi.

Cơ sở giáo dục mầm non và hỗ trợ hòa nhập Họa Mi ở Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) hiện có 29 trẻ đang theo học, trong đó có 13 cháu tự kỷ, 6 cháu chậm nói, 3 cháu tăng động giảm chú ý, 3 cháu khiếm thính, 3 cháu khuyết tật trí tuệ và 1 cháu mất điều khiển ngôn ngữ lời nói. Chứng kiến một giờ học phát triển vận động chung của các nhóm lớp mới thấy hết sự vất vả của các cô giáo, bởi đây chỉ là một trong 5 nội dung giáo dục cho trẻ khuyết tật nhằm phát triển thể chất. Mỗi cháu một ý riêng, cháu khóc, cháu chạy không kiểm soát, cháu cắn cấu bạn và cô, có cháu không kiểm soát được bước nhảy… Tuy nhiên với chuyên môn và sự ân cần, các cô vừa dỗ dành vừa hướng dẫn các cháu trong từng bước đi, bước nhảy. Một số cháu khóc và chạy nhảy không kiểm soát làm theo cô và đã biết bước đi thăng bằng trên hàng ghế. Ánh mắt, giọng nói của các cô đều toát lên sự gần gũi, thân thiện và nhạy cảm đối với mỗi hành vi của các cháu. Để có được buổi học vận động tập trung thành công là biết bao công sức của các cô. Nhiều học sinh, thời gian đầu đến học thường xuyên không làm chủ được bản thân, hay la hét trong lớp, thậm chí đạp bàn ghế, đánh các bạn trong lớp và cả cô giáo nên các cô phải kiên nhẫn đối với những học sinh này. Chỉ riêng bệnh tự kỷ, tuy chưa có phương pháp điều trị nào hiệu quả để chữa lành hoàn toàn, nhưng bằng cách can thiệp hành vi và giáo dục sớm có thể cải thiện khả năng phát triển của trẻ. Vì vậy, với giáo viên mầm non, việc dạy trẻ rối loạn phát triển, ngoài kỹ năng chuyên môn, sự kiên nhẫn, nhiệt tình thì phải hết lòng yêu thương trẻ em, có lòng yêu nghề thì mới có thể giúp trẻ hòa nhập, tiến bộ. Khi đến lớp, có cháu chậm biết nói, có cháu thì thu mình không giao tiếp với xung quanh, có cháu lại nói quá nhiều, liên tục chạy nhảy, vận động làm tổn thương bản thân... Bằng kỹ năng, kiến thức chuyên môn cũng như lòng yêu trẻ, tinh thần trách nhiệm, giáo viên luôn nỗ lực để có thể đồng hành cùng các cháu nhỏ trong những bước phát triển đầu tiên. Chị Vũ Thị Mỹ ở xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) hằng ngày đi gần 30 cây số để đưa con trai 39 tháng tuổi đến lớp học. Chị cho biết, con trai chị vốn bụ bẫm và ít ốm đau nên khi thấy cháu chậm nói, gia đình nghĩ là bình thường. Đến 31 tháng tuổi chị mới xâu chuỗi các sự việc và nhận thấy con nói những âm vô nghĩa, gọi hỏi không phản ứng và hay đi nhón gót quay tròn, ăn không biết nhai … Tưởng con bị khiếm thính, chị cho con lên Bệnh viện Nhi Trung ương để kiểm tra mới biết con bị bệnh về phát triển ngôn ngữ và tự kỷ. Được giới thiệu, chị cho con theo học tại cơ sở Họa Mi kết hợp 3 đợt can thiệp tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Đến nay con chị đã biết tư duy để phát triển ngôn ngữ, gọi hỏi đã biết dạ, biết đặt câu hỏi, biết nhai khi ăn… Chị cho biết, có được kết quả đó phần nhiều nhờ các cô giáo tại đây. Các cô kiên trì dạy cháu từ cách nhai, tập ăn từng cái bánh và hướng dẫn tận tình cho cha mẹ cách chăm sóc và chơi với con ở nhà. Với sự tiến bộ của con, trong thời gian không xa, chắc chắn con chị sẽ hòa nhập tốt. Buổi sáng cháu đã biết vượt quãng đường dài đến học tại cơ sở Họa Mi, chiều về cháu đã đến trường mầm non xã Nghĩa Phúc học hòa nhập và không bị “chênh” nhiều so với các bạn cùng trang lứa. 

Cơ sở giáo dục mầm non và hỗ trợ hòa nhập Họa Mi mới được thành lập 3 năm nay nhưng đã là địa chỉ tin cậy của nhiều phụ huynh có con khuyết tật ở các huyện: Nghĩa Hưng, Nam Trực và Trực Ninh. Năm học 2016-2017, cơ sở đã tiến hành đánh giá khả năng hoạt động học tập và các thông tin cá nhân cho 31 học sinh có nhu cầu đặc biệt và tiến hành can thiệp hoạt động giáo dục cho 26 học sinh. Đến nay đã có 21 học sinh thôi học và tham gia học hòa nhập tại các trường mầm non và tiểu học. Năm học 2017-2018, có 40 học sinh được tiến hành can thiệp và đã có 25 cháu tham gia hòa nhập. Năm học này, số trẻ đến đánh giá can thiệp đã tăng lên 42 trẻ và số trẻ cần can thiệp thường xuyên là 29 cháu. Có cháu cách trường trên 20 cây số nhưng hằng ngày bố mẹ vẫn đều đặn đưa đến lớp và thấy được sự tiến bộ mỗi ngày của con mình. Nhìn cách bố trí lớp học cho các nhóm, phòng cá nhân và sân chơi… cùng cách dạy dỗ các em mới thấy hết được tâm huyết của các cô giáo. Chủ cơ sở và các giáo viên hầu hết đều tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành giáo dục đặc biệt, trong đó nhóm trưởng là cô giáo Nguyễn Thị Họa, chủ cơ sở đã tốt nghiệp thạc sĩ giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cô còn thường xuyên tham gia các đợt tập huấn chuyên môn theo từng chuyên đề điều trị tại Hà Nội, do các chuyên gia và giáo viên nước ngoài giảng dạy như: Trị liệu hoạt động, phương pháp ABA/VB, Can thiệp rối loạn lời nói… Dù được đào tạo đúng chuyên ngành và hầu hết đã có kinh nghiệm trong dạy trẻ khuyết tật nhưng đối với các cô đôi khi để các em khuyết tật trí tuệ phải ngồi yên trong giờ học khá khó vì hoạt động của các cháu dường như vô thức. Chuyện cô bị học sinh cắn, đánh lằn trên cơ thể khi các cháu mới đến lớp học hay có cháu luôn bắt bế trên tay không rời cô nửa bước diễn ra thường xuyên ở lớp học. Tuy nhiên, với trẻ khuyết tật, sự nhẹ nhàng, động viên và khuyến khích có giá trị hơn tất cả mọi hình phạt hay sự la mắng. Nhiều trẻ khi cất được tiếng gọi cô ơi là một niềm vui vô bờ bến. Đặc biệt với giấc ngủ trưa của trẻ, các cô cũng cần sự thương yêu vỗ về vô điều kiện, bởi các con đã đến đây đều rất khó vào giấc ngủ. Các cô phải lần lượt ôm, ru, vỗ về để các cháu nghe lời, ngủ ngon và tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ của cháu khác. Bằng chuyên môn và tấm lòng với trẻ, những học sinh được học tại cơ sở giáo dục mầm non và hỗ trợ hòa nhập Họa Mi ngày càng có nhiều cháu đã học hòa nhập tại các trường mầm non, tiểu học. 

Dạy trẻ chuyên biệt có những vất vả riêng, tuy nhiên các cô giáo ở cơ sở giáo dục mầm non và hỗ trợ hòa nhập Họa Mi đều cho rằng: Làm tốt công việc của mình chính là mang tới cho những đứa trẻ kém may mắn một môi trường giáo dục hòa nhập tốt, đồng thời chia sẻ khó khăn với phụ huynh trong hành trình nuôi dạy con đầy gian nan./. 

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com