Hương Tết

08:01, 18/01/2019

Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, trên khắp mọi miền đất nước, ngoài thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, bánh chưng xanh, trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình, dòng tộc không thể thiếu nén hương thơm ngát, nồng nàn hơi ấm mùa xuân. Mùi hương nhẹ dịu, sâu lắng mà ấm áp lạ thường xua tan đi cái lạnh tê tái của những ngày cuối đông.

Sản xuất hương truyền thống tại cơ sở Hương Quang, xã Phương Định (Trực Ninh).
Sản xuất hương truyền thống tại cơ sở Hương Quang, xã Phương Định (Trực Ninh).

Những ngày này, các hộ làm hương trên địa bàn tỉnh đang tất bật chuẩn bị hàng phục vụ Tết. Mặc dù thời tiết không thuận, người dân vẫn tranh thủ lúc trời hửng mang hương ra phơi. Dọc các bờ tường, lối ngõ, từng hàng hương thẳng tắp. Nằm cách trung tâm Thành phố Nam Định khoảng 25km, cơ sở sản xuất hương thơm Hương Quang ở xã Phương Định (Trực Ninh) những ngày cuối năm nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nhịp độ lao động khẩn trương của người dân làm nghề dường như đã xua tan đi cái lạnh tê tái. Người trộn bột, người se hương, người phơi phóng, ai ai cũng nỗ lực để hoàn thành những đơn hàng cuối cùng của năm cũ. Chị Nguyễn Thị Hương, chủ cơ sở cho biết: Trước đây hương liệu chính để làm hương phải là rễ cây trầm, do trầm ngày càng khan hiếm nên nguyên liệu làm hương được thay thế bằng rễ cây hương bài để tạo mùi hương thơm dịu nhẹ, kết hợp với các nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên như nhựa trám, các cây thảo mộc và một số loại thuốc Bắc… Rễ cây hương bài có mùi thơm dịu, là một loại cây thảo mộc, rễ chùm, mọc thành từng bụi. Sau khi lấy về đem rửa sạch, phơi khô rồi nghiền nát thành bột mịn để trộn làm bột hương. Làm hương thủ công cần phải có sự khéo léo, cầu kỳ từng tý một, nếu vội vàng, cẩu thả thì sẽ không có được những nén hương thơm và đẹp như ý muốn. Trong số các công đoạn làm hương thì công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, làm chân hương và trộn bột hương là cần nhiều sự khéo léo, tỉ mỉ, chính xác nhất. Chân hương được cơ sở nhập về từ những cây nứa ở trong rừng, không được non quá cũng không được quá già. Phải ngâm trong nước khoảng 2 tháng, rồi phơi khô và chẻ nhỏ để tạo thành chân hương. Khi đốt lên hương sẽ cháy đều, không tàn nhanh, không bị gãy. So với thời làm hương thủ công, ngày nay máy móc đã thay thế nhiều công đoạn nên người làm hương cũng đỡ vất vả hơn. Tuy quá trình cơ giới hóa đã giúp giảm bớt sức người nhưng để làm ra những nén hương thơm, đảm bảo chất lượng, người làm hương vẫn phải dùng đến đôi bàn tay tài hoa, khéo léo. Theo chị Hương, có nhiều yếu tố quyết định đến chất lượng hương. Để có được những nén hương đẹp, mùi thơm đặc biệt, những người làm hương phải chú tâm vào từng công đoạn, từ chuẩn bị các nguyên liệu làm bột hương, chân hương rồi đến công đoạn se hương để tạo thành que hương hoàn thiện. Theo những người làm hương thì công đoạn se hương tuy không vất vả nhưng đòi hỏi người thợ phải cần cù, khéo léo, tỷ mỉ. Tuy có máy móc thay thế nhưng gia đình chị làm hương vẫn trung thành với phương pháp se hương thủ công. Bởi bằng bàn tay khéo léo của người thợ, cây hương sẽ tròn trịa, không bị vỡ vụn và điều quan trọng là mùi hương đợm hơn. Để hương khô đều, giữ được màu sắc và mùi hương đặc trưng, người làm nghề vẫn để hương khô tự nhiên bằng cách phơi trên giàn dưới trời nắng gió từ 1-2 ngày là khô. Theo kinh nghiệm của người làm hương thì sấy bằng lửa sẽ nhanh hơn nhưng hương thường bị mất mùi, xỉn màu, hình thức và chất lượng đều không đạt yêu cầu. Chính sự chu đáo của người thợ trong từng công đoạn là bí quyết làm nên thương hiệu hương Hương Quang với mùi thơm đặc trưng vốn có của nó, nên cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về không quản ngại đường xa nhiều khách thập phương lại tìm về đây để mua hương. Giờ đây, nghề làm hương của gia đình chị không những mang lại thu nhập cho gia đình mà còn góp phần lưu giữ nghề truyền thống.

Trên địa bàn tỉnh, các cơ sở sản xuất hương ở Thành phố Nam Định và các huyện Nghĩa Hưng, Ý Yên, Vụ Bản… những người thợ làm hương đang chăm chỉ làm và xuất bán quanh năm nhưng vào dịp Tết, lượng hàng sản xuất và bán ra vẫn nhiều nhất. Cũng bởi, hương là vật phẩm không thể thiếu được trong ngày Tết của người Việt. Vì thế, những ngày cuối năm cũng là dịp bận rộn, mùa làm ăn của thợ hương. Dịp này, mỗi ngày gia đình chị Hương thường xay từ 6-7 tạ bột để làm hương. Những nhà làm nhiều hằng ngày phải nhập từ 1-1,2 tấn bột. Theo những người sản xuất hương, số lượng hương sản xuất ra trong dịp cận Tết có thể tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường mới đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Những ngày này, các thương lái các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Bình Phước, Yên Bái… gọi điện đặt hàng hoặc vào tận các cơ sở nhập hương. Có những ngày các cơ sở sản xuất không kịp sản xuất để giao hàng cho khách. Với giá thành tùy từng các loại mặt hàng, người làm hương hiện vẫn có thể sống được với nghề. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những khó khăn theo đuổi những người làm hương, vì giá cả không ổn định do phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, sản xuất còn phụ thuộc cơ bản vào thời tiết nên khá bấp bênh, các sản phẩm phải cạnh tranh khá gay gắt với các loại hương trên thị trường, đặc biệt là loại hương “cuốn tàn”, “đậu tàn” sản xuất ở nhiều nơi theo thị hiếu của khách, thu nhập của người làm hương truyền thống có phần giảm hơn trước… Tuy còn nhiều cái khó nhưng các cơ sở sản xuất hương vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất nên các sản phẩm hương truyền thống vẫn được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ tốt. 

Hương là sản phẩm không thể thiếu trong bàn thờ tổ tiên của người Việt Nam, nhất là trong những ngày Tết. Các sản phẩm như hương vòng, hương nén… đã góp phần tạo nên nét văn hóa đặc trưng để tưởng nhớ về tổ tiên. Từ nghề cha ông xưa để lại, những người thợ với đôi bàn tay khéo léo, tinh tế đã tạo nên sản phẩm mang hương thơm đặc sắc mỗi dịp Tết đến, Xuân về./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com