Lập nghiệp bên dòng sông Múc

06:02, 02/02/2018

Từ sự quyết tâm và say mê với những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, anh Trần Văn Hạ ở tổ dân phố số 8, Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) đang xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp thành công mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và một số lao động ở địa phương.

Những lần khởi nghiệp thất bại…

Đã có hẹn trước nên Hạ ra đón chúng tôi từ ngã ba Lạc Quần rồi cùng về thẳng trang trại ở ven sông Múc thuộc địa bàn xóm Cống Múc 2, xã Xuân Ninh (Xuân Trường). Sinh ra và lớn lên ở Thị trấn Xuân Trường nhưng Hạ lại quyết định lựa chọn lập nghiệp ở vùng đất bãi ven sông Múc vì nơi đây có những điều kiện thuận lợi và phù hợp để phát triển kinh tế trang trại. Anh cho biết: Được chính quyền và người dân địa phương tạo điều kiện ủng hộ, anh đã nhận thuê vùng đất bãi rộng trên 6.000m2 để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch. Cả vùng đất bãi trước đây hoang hóa, cỏ mọc um tùm được anh đầu tư công sức, tiền của đào đắp, cải tạo, xây dựng thành trang trại khá quy mô, bề thế. Đây là thành quả sau bao lần khởi nghiệp chưa thành của Hạ. Rồi anh kể cho chúng tôi câu chuyện lập nghiệp “vạn sự khởi đầu nan” của mình. Sau khi tốt nghiệp phổ thông vào năm 1998, anh thi đỗ vào Khoa Quản lý khai thác công trình thủy lợi của Trường Trung cấp Thủy lợi - Cơ điện Nam Định. Năm 2001, Hạ tốt nghiệp với tấm bằng loại Khá. Tuy nhiên, hoàn cảnh kinh tế gia đình không mấy khá giả, em gái bị nhiễm chất độc da cam nên Hạ không có điều kiện xin việc ở các doanh nghiệp thủy lợi theo đúng chuyên ngành đào tạo. Anh quyết định lên Hà Nội rồi ra Hải Phòng để tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp với năng lực, trình độ đào tạo. Tìm mãi chẳng được công việc phù hợp, anh quyết định chuyển sang kinh doanh, buôn bán giày dép, đồ điện nước nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, anh nhận ra mình không hợp với nghề này. Rời những thành phố lớn, anh lên tỉnh Hòa Bình tìm thuê đất đồi để trồng mía với tham vọng “đổi đời”. “Một hai năm đầu, nghề trồng mía cũng giúp tôi thu nhập có đồng ra, đồng vào nhưng càng về sau thu nhập càng eo hẹp. Việc lập nghiệp nơi “đất khách quê người” cộng với thị trường cây mía vào thời điểm những năm 2007-2008 rơi vào tình trạng “được mùa mất giá” càng khiến tôi túng quẫn và phải “bỏ của chạy lấy người”. Cả trăm triệu đồng tiền đầu tư, chưa kể công sức cũng đành để lại “nơi không thuộc về mình” - Hạ ngậm ngùi chia sẻ.

Bước đầu thành công

Sau gần chục năm bôn ba khắp nơi, cuối năm 2009, anh quyết định về quê lập gia đình. Cuộc sống mới, trách nhiệm nhiều khi phải chăm lo cho vợ con, gia đình càng khiến anh phải suy nghĩ, tính toán nhiều hơn là làm sao để có kinh tế. “Có bột mới gột nên hồ” trong khi anh lại đang không có vốn liếng gì. Vậy là anh quyết định vay vốn đăng ký đi lao động xuất khẩu tại Đài Loan (Trung Quốc). Hơn 4 năm miệt mài lao động ở nơi “xứ người” đã giúp anh trang trải nợ nần và có nguồn vốn “dắt lưng”. Song, theo anh Hạ thứ quý giá hơn mà anh nhận được trong 4 năm ấy chính là những kiến thức, kinh nghiệm về cách làm trang trại sản xuất nông nghiệp sạch. Anh Hạ cho biết, trong thời gian đi lao động tại Đài Loan, ngoài thời gian lao động theo hợp đồng, anh còn tranh thủ đi làm thêm để có thêm thu nhập gửi về cho gia đình tại các trang trại chăn nuôi các loại cây, con theo mô hình nông nghiệp sạch để xuất bán cho các siêu thị và chế biến xuất khẩu. Được mắt thấy, tay làm phương pháp sản xuất ở các trang trại anh đã tranh thủ ghi nhớ, học hỏi và tích lũy những kinh nghiệm hay để sau này về nước sẽ vận dụng phát triển cho mô hình của mình. Và cũng chính điều đó càng thôi thúc anh phải xây dựng một trang trại chăn nuôi sạch, gần gũi với thiên nhiên… Ngay sau khi hết hợp đồng lao động về nước, khác với nhiều người dùng tiền tích cóp được để xây dựng nhà to, mua sắm thiết bị hiện đại để “lên đời”, anh Hạ dồn tiền tìm thuê đất tạo mặt bằng, xây dựng trang trại, mua con giống… để làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Có đất, từ năm 2016 anh đầu tư xây dựng 3 dãy chuồng rộng 300m2 để nuôi lợn, gà Đông Tảo, gà Hồ và gà Ai Cập theo quy trình nuôi sạch không dùng các loại hóa chất tạo nạc, kích thích tăng trưởng. Theo anh Hạ, đây là những con nuôi “đặc sản” đang được thị trường ưa chuộng bởi chất lượng thịt thơm, ngon, có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt được các nhà hàng tiêu thụ mạnh. Để bảo đảm thành công, yếu tố đầu tiên là phải chọn được giống tốt, vì vậy anh đã lên Viện Chăn nuôi Thụy Phương (Bộ NN và PTNT) để chọn mua giống lợn rừng Thái Lan, gà Hồ và gà Ai Cập; sang làng Đông Tảo, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) chọn mua gà giống. Bên cạnh đó, anh còn trồng chuối, các loại rau xanh, chè đại; mua các loại cá, ngô về tự chế biến, sản xuất thức ăn... nhằm giảm chi phí đầu vào, đồng thời luôn bảo đảm nguồn thức ăn sạch cho chăn nuôi. Việc tiêm phòng các loại bệnh cho vật nuôi được anh thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn nên đàn vật nuôi khỏe mạnh, hầu như không phải sử dụng các loại thuốc kháng sinh. Để tạo sự tin tưởng cho khách hàng, anh Hạ còn chủ động quay video, chụp ảnh các công đoạn chế biến thức ăn, quá trình chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi, đăng tải công khai trên mạng xã hội khai thác triệt để mạng xã hội, thư điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Vì vậy số lượng khách hàng của anh đã không ngừng được mở rộng, không chỉ ở địa phương mà chủ các cửa hàng ăn uống từ Hải Hậu, Giao Thủy, Thành phố Nam Định, Thái Bình và Hà Nội cũng đã tìm tới để đặt hàng. Anh Hạ cho biết: Vào thời điểm này, các loại gà Đông Tảo, lợn rừng, gà Ai Cập, gà Hồ thương phẩm không có đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đặc biệt vào dịp lễ, Tết, nhu cầu tiêu thụ các loại con nuôi đặc sản tăng cao và có giá cao hơn ngày thường nên người chăn nuôi như anh rất phấn khởi vì “được mùa, được giá”. Hiện nay mỗi lứa, anh Hạ nuôi được khoảng 1.200 con gà Đông Tảo, 30 con lợn rừng, 700 con gà Ai Cập và gà Hồ. Là sản phẩm sạch nên phần lớn số lợn, gà thương phẩm đều được khách hàng đặt mua ngay tại trang trại. Trung bình mỗi lứa mang lại nguồn thu nhập ổn định khoảng 130-150 triệu đồng.

Những thành công trên là cơ sở để anh tiếp tục đầu tư, từng bước mở rộng quy mô trang trại. Việc chăn nuôi quy mô trang trại theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch là hướng đi đúng được nhiều người lựa chọn để bảo đảm phát triển ổn định, bền vững./.

Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com