Tản mạn về thú chơi "âm thanh cổ"

06:02, 02/02/2018

Những năm gần đây, nhu cầu chơi thiết bị âm thanh cổ tăng lên đáng kể. Một số cửa hàng ngoài bán các loại thiết bị âm thanh thế hệ mới còn nhập thêm thiết bị âm thanh cổ để phục vụ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, những người mê âm thanh cổ còn tạo các trang Fanpage để các thành viên trong nhóm dễ dàng mua bán, trao đổi kinh nghiệm như: “Âm thanh cổ Nam Định”, “Âm thanh Nam Định Phố”, “Chợ Âm thanh Nam Định”, “Thành Nam Audio”...

Anh Phạm Ngọc Thắng (43 tuổi), phường Hạ Long (TP Nam Định) là thành viên CLB Thành Nam Audio cho biết: Với niềm đam mê âm nhạc và năng khiếu ca hát nên anh thích nghe nhạc. Từ năm 1997 anh đã bắt đầu sưu tầm các loại đầu, âm-ly, loa cổ. Đầu tiên, anh chơi các bộ dàn của hãng, sau đó phong trào D.I.Y (Do it yourself nghĩa là tự làm) phát triển, anh đã tự tay đóng những bộ loa. Anh sưu tầm những củ loa cổ của Nhật, Mỹ như: Pioneer (Nhật), JBL (Mỹ)... rồi tự tay ghép loa, đóng thùng để cho ra chiếc loa hoàn chỉnh. Anh Thắng cho biết thêm: các loại củ loa cổ có chi phí hợp lý, nhưng được sản xuất với kỹ thuật tinh vi và vật liệu quý hiếm, có khả năng tái tạo chất âm trung thực, tinh tế và khác biệt với loa hiện đại. Không chỉ là người sưu tập củ loa cổ với hàng chục nhãn hiệu, anh Thắng còn dành nhiều thời gian học hỏi kinh nghiệm đóng thùng loa trên các diễn đàn mạng để tái tạo những đôi loa đẹp cả về thẩm mỹ lẫn chất âm. Hiện nay, anh đang chuẩn bị hoàn thành cặp loa 3 đường tiếng với cấu tạo từ 3 củ loa cổ trước năm 1975 gồm: 1 Bass JBL đường kính 40, 1 treble JBL 2405, 1 loa treble kèn hiệu Technics của Nhật. Để có cặp loa đạt các tiêu chuẩn: chất âm rõ ràng chi tiết, hài hòa của các dải tần âm thanh, phô diễn được hết những vẻ đẹp tinh tế của bản nhạc, hằng tháng trời anh nghiên cứu, tính toán, thi công và trải nghiệm thực tế. Không chỉ là thú vui đam mê cá nhân, anh Thắng còn chia sẻ các trải nghiệm của bản thân về quá trình sưu tập củ loa, thông số kỹ thuật, cách làm thùng loa, những kinh nghiệm tự làm loa cổ với những người chơi âm thanh thông qua trang Facebook cá nhân. Những chia sẻ về thú chơi và tự làm loa cổ của anh giúp những người chơi âm thanh có thêm lựa chọn và tiếp cận gần hơn với loa cổ tự làm.

Anh Phạm Trung Kỳ, xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) bên bộ âm thanh của Nhật được sản xuất trước năm 1975.
Anh Phạm Trung Kỳ, xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) bên bộ âm thanh của Nhật được sản xuất trước năm 1975.

Thiết bị âm thanh cổ hiện nay còn được nhiều người chơi ở vùng nông thôn trong tỉnh sưu tầm. Về tổ dân phố Bắc Nương, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh), chúng tôi gặp ông Phạm Quốc Chỉ (61 tuổi), người đam mê sưu tầm các loại thiết bị âm thanh cổ. Trong căn nhà nhỏ, các loại caste, âm-ly, đầu quay băng cối, đầu đĩa than cổ đủ chủng loại được đặt ngay ngắn trên kệ. Đặt chiếc đĩa than to bản vào đầu đọc, ông Chỉ nhẹ nhàng chỉnh kim. Khi chiếc kim chạm nhẹ vào mặt đĩa đang quay, âm thanh bài hát “Ngày chiến thắng” - một bài hát nổi tiếng nói về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô (cũ) vang lên hùng tráng, lắng đọng đến lạ kỳ. Ông Chỉ xúc động: “Mỗi bài hát được phát qua đầu đĩa than nghe chất hơn, mộc mạc, chi tiết và hoàn hảo”. Với ông, những ca khúc thời kỳ chiến tranh cách mạng của Liên Xô cũ hay những ca khúc, cách mạng Việt Nam đã đi vào lòng người một thời nếu nghe bằng dàn nhạc hiện đại thì không lột tả hết được âm sắc chứa đựng trong đó. Bằng giọng chậm rãi, ông Chỉ cho biết thêm:“Những năm 70, 80 của thế kỷ trước là thời kỳ “hoàng kim” của đĩa than. Các “tín đồ” thực sự của âm nhạc thường có trong nhà một dàn thiết bị để nghe đĩa than. Việc nghe nhạc trên đĩa than được ví như uống cà phê pha phin, phải từ từ, từng chút một, tâm hồn mỗi người cảm thấy tĩnh tại, gác lại mọi suy nghĩ, công việc thường ngày”. Tiếp câu chuyện, ông kể về cơ duyên ông đến với thú chơi âm thanh cổ: Vốn có niềm đam mê sửa chữa các thiết bị điện, ngay từ nhỏ ông đã tự mày mò, nghiên cứu sửa và sưu tầm các bảng mạch điện tử. Năm 1975, ông học tại Trường Đại học Mỏ địa chất, chuyên ngành xây dựng công trình ngầm. Năm 1980, ông về làm việc ở Thủy điện Sông Đà. Thời gian xa nhà, chiếc đài radio cũ là vật bất ly thân với ông. Mỗi khi đài hỏng ông tự sửa chữa, rồi sửa cho đồng nghiệp. Tiếng lành đồn xa, người dân ở gần khu vực Thủy điện Sông Đà mang đồ điện hỏng đến sửa và ông đều làm miễn phí. Cũng từ niềm đam mê âm thanh, năm 1982, ông chuyển về công tác tại Nhà văn hóa huyện Trực Ninh, phụ trách kỹ thuật âm thanh. Cũng từ đây, ông bắt đầu công việc sưu tầm các thiết bị âm thanh cổ. Từ những chiếc đài bán dẫn chạy pin như: National (Nhật), Vef 206 (Liên xô), Sông Hồng (Việt Nam), đài Orionton của Hung-ga-ry... đến đài chạy bóng điện tử Hồng Đăng (Trung Quốc), đài Rigonda (Liên xô) và nhiều loại máy quay băng cối, tivi, loa, âm-ly cổ. Một thời kỳ chứng kiến những chiếc đầu đọc đĩa than nằm ở bãi rác, hoặc được mang ra lót lồng chim, ông nảy ra ý tưởng sưu tầm và nghiên cứu sửa chữa để dùng. Hiện nay, bộ sưu tập của ông Chỉ có gần 100 thiết bị âm thanh cổ, trong đó những bộ được ông sử dụng thường xuyên như: Đầu đọc đĩa than của Liên xô, đầu băng cối Teac A6100, đầu Cassette Pioneer CT9, Âm-ly Sansui 5000x, loa pioneer CS88A... Theo ông Chỉ, cái “độc” của thú chơi thiết bị âm thanh cổ chính là xu hướng quay về với âm thanh analog mộc mạc thuở ban đầu với đặc trưng rõ nét nhất là giọng hát bao giờ cũng trùm lên nhạc đệm, giọng hát luôn là âm hưởng chủ đạo (âm thanh kỹ thuật số thì giọng hát bị chìm trong âm thanh). Với đặc tính các thiết bị âm thanh đều có tuổi đời hàng chục năm nên đòi hỏi người chơi phải biết bảo quản thiết bị. Lợi thế của ông Chỉ là biết sửa chữa những bệnh hay mắc phải của thiết bị âm thanh cổ như hỏng volume, chiết áp, “chết” công suất, nổ đầu than... Cùng với sưu tầm âm-ly, loa, đầu đĩa than, đầu băng cối, ông Chỉ còn sưu tầm nhiều đĩa than, băng cassette, băng cối các loại, từ nhạc cách mạng đến bô lê rô, vọng cổ. Riêng đĩa than của ông hiện nay có 29 chiếc đĩa cổ. Theo kinh nghiệm của ông Chỉ, bảo quản đĩa than quan trọng nhất là phải tránh bụi, thường bọc trong ni-lông, mỗi lần nghe phải lau sạch. Dân chơi đĩa than tối kị đặt tay trực tiếp vào mặt đĩa vì dễ gây mòn, xước, ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh.

Ở xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) nhóm chơi các thiết bị âm thanh cổ gồm hàng chục thành viên thường xuyên sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm về lựa chọn thiết bị phù hợp với từng người trong nhóm. Anh Vũ Văn Điều (45 tuổi) là người có nhiều kinh nghiệm trong nhóm về chơi các thiết bị âm thanh cổ. Ngồi bên bộ sưu tập của mình, anh Điều cho biết, đa số loa, âm-ly, đầu đĩa cổ đều được anh lặn lội tìm kiếm tận Sài Gòn. Căn phòng nghe nhạc của anh tuy nhỏ nhưng được bài trí khéo léo, gọn gàng. Toàn bộ phần nguồn âm được đặt sang bên vách và ở xa loa nhất, điều này sẽ giúp phần cơ hoạt động ổn định, tránh xa những tác động nhiễm từ, rung do hệ thống loa phát ra. Những bộ âm thanh cổ có thương hiệu một thời như: Loa Pioneer, SanSui, Goodman, Richard Allan, Kenwood… được anh Điều ghép gọn gàng, gây ấn tượng với những ai lần đầu đến xem. Cũng ở xã Nghĩa Đồng, anh Khương Văn Doanh và anh Phạm Trung Kỳ đều là những người sành và đam mê chơi thiết bị âm thanh cổ. Anh Doanh làm thầu xây dựng, sau mỗi ngày làm việc về nhà anh lại bật các bản nhạc nhẹ về quê hương để nghe. Trải qua nhiều đời thiết bị âm thanh cổ, hiện nay anh hài lòng với bộ âm-ly Sunsui 9090, loa pioneer CS99A và đầu CD Denon. Lý giải về niềm đam mê không ngại mất công đi lại và bỏ một khoản tiền không nhỏ để sưu tầm, anh Doanh cho biết: “Anh mê loại âm thanh cổ, bởi đó là âm thanh trung thực nhất, không hề có sự trau chuốt của kỹ thuật hiện đại. Nhớ lại, ngày xưa qua nhà hàng xóm, anh thấy mấy chiếc loa cổ, nghe rồi “thèm” chất âm mộc mạc. Bây giờ nghe nhạc từ những thiết bị âm thanh cổ cũng để nhắc nhở bản thân anh không quên một thời gian khó khăn. Những thiết bị âm thanh còn gợi đến những câu chuyện cuộc đời chứ không chỉ là âm nhạc”. Anh Phạm Trung Kỳ là người đam mê âm nhạc khi biết chơi cả đàn Ghita và Oocgan. Anh chia sẻ: “Chơi thiết bị âm thanh cổ phải có đam mê và vốn hiểu biết về âm thanh. Một thiết bị âm thanh cổ có đắt hay không đôi khi phụ thuộc vào nhu cầu thị trường chứ không phải giá trị thật của nó. Bởi vậy mỗi người chơi cần biết điểm dừng để vừa đáp ứng nhu cầu thỏa mãn đam mê, vừa hợp với điều kiện kinh tế gia đình”. Theo dự đoán của dân sành âm thanh, thời gian tới xu hướng tìm về âm thanh cổ sẽ tiếp tục phát triển; số lượng những người có cùng niềm đam mê nghe nhạc phát ra từ thiết bị âm thanh analog sẽ càng nhiều. Ở đó, những người chung sở thích sẽ có điều kiện trao đổi thiết bị với nhau, học hỏi kinh nghiệm về sử dụng, ghép thiết bị, kinh nghiệm mua đồ âm thanh cũ...

Người chơi âm thanh cổ không chỉ có tâm hồn hoài cổ mà quan trọng hơn họ không phù hợp với thứ âm thanh “chát bùm” của kỹ thuật số. Những thiết bị âm thanh cổ đem đến sự sảng khoái và kết nối nhiều bạn bè có chung niềm đam mê. Bởi vậy, những thiết bị âm thanh cổ không chỉ thỏa mãn tình yêu âm nhạc của mỗi người mà còn đưa mọi người đến gần nhau hơn, cùng nhau gìn giữ những giá trị văn hóa, những bản nhạc, ca khúc đi cùng năm tháng./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com