Phòng chống dịch bệnh trong trường học lúc giao mùa

08:11, 01/11/2016

Trường học là nơi tập trung đông người nên rất dễ trở thành môi trường thuận lợi để các dịch bệnh phát sinh và lây lan nếu không triển khai triệt để các biện pháp phòng bệnh cũng như kiểm soát tốt tình hình sức khỏe học sinh. Đặc biệt, bước vào mùa thu - đông, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện cho dịch bệnh phát triển, nhất là học sinh bậc mầm non, tiểu học và THCS. Một số bệnh thường gặp vào mùa thu - đông như viêm tai - mũi - họng, viêm phế quản, viêm phổi, cúm, các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, sởi - rubella…

Giáo viên Trường Mầm non Nam Đào, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) hướng dẫn học sinh các biện pháp vệ sinh cá nhân phòng chống dịch bệnh.
Giáo viên Trường Mầm non Nam Đào, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) hướng dẫn học sinh các biện pháp vệ sinh cá nhân phòng chống dịch bệnh.

Năm học 2016-2017, Trường Mầm non Nam Đào, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) có gần 400 học sinh ở 18 nhóm lớp. Để phòng chống dịch bệnh thời điểm giao mùa thu - đông, BGH nhà trường đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh đồng thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho giáo viên các biện pháp phòng chống dịch bệnh đường hô hấp, tiêu chảy cho trẻ… Trong lớp học, giáo viên chú ý giữ ấm cho trẻ, che chắn cửa tránh gió lùa khi thời tiết thay đổi đột ngột. Quá trình nuôi dạy trẻ trên lớp, giáo viên nhắc nhở, hướng dẫn trẻ các thói quen vệ sinh cá nhân như vệ sinh thân thể sạch sẽ, rửa tay xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Do có tổ chức ăn bán trú cho các cháu nên nhà trường rất chú trọng công tác vệ sinh môi trường xung quanh khu vực lớp học, thường xuyên vệ sinh bếp ăn để đảm bảo công tác ATTP. Nhà trường cũng thường xuyên phối hợp với Trạm Y tế thị trấn tổ chức khám sức khỏe định kỳ để nắm được tình trạng sức khỏe của các cháu. Nhà trường thường xuyên nhắc nhở giáo viên theo dõi sức khỏe thông báo kịp thời tình hình sức khỏe của trẻ cho các bậc phụ huynh qua việc đón, trả trẻ hằng ngày. Nếu trẻ có hiện tượng mắc các bệnh truyền nhiễm, cùng với việc thông báo để phụ huynh theo dõi. Tại Trường Mầm non Thị trấn Lâm (Ý Yên), vào thời điểm giao mùa, nhà trường tăng cường tuyên truyền cho giáo viên và phụ huynh học sinh các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là một số bệnh thường gặp mùa thu - đông như tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy, các bệnh đường hô hấp… Nhà trường chủ động phối hợp với ngành Y tế địa phương tổ chức các buổi giáo dục, truyền thông phòng, chống dịch bệnh; sưu tầm tranh ảnh, tranh bổ sung góc tuyên truyền của trường và các lớp; tăng cường vệ sinh môi trường trường học, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ trường lớp, khu vệ sinh, chú ý các bề mặt, vật dụng hay tiếp xúc (tay nắm cửa, mặt bàn...); nhắc nhở giáo viên phụ trách các lớp tăng cường vệ sinh, khử khuẩn đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt và sàn nhà nơi trẻ sinh hoạt để phòng ngừa các bệnh lây truyền qua tiếp xúc, trong đó có bệnh tay - chân - miệng. Hướng dẫn cho trẻ, giáo viên khi mắc bệnh hoặc phát hiện có người trong trường mắc một trong những bệnh có thể lây lan thành dịch phải thông báo y tế trường học biết để nhà trường cùng với Trạm Y tế thị trấn, Trung tâm Y tế huyện tổ chức xử lý môi trường trường học kịp thời, tránh lây lan.

Để phòng chống dịch bệnh mùa thu - đông trong các nhà trường, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các Phòng GD và ĐT, các trường học tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên loa, bảng tin nhà trường, các buổi sinh hoạt tập thể về phòng chống một số dịch bệnh như: bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết… Tăng cường ý thức phòng chống dịch bệnh cho giáo viên, học sinh; tuyên truyền về vấn đề ATTP trong trường học, các biện pháp đảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Các trường học hằng tuần đều tổ chức vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, không để rác tồn đọng trong khu vực trường học, đảm bảo đủ nước sinh hoạt, vệ sinh sạch sẽ khu vệ sinh, lớp học, đảm bảo thông thoáng. Ở các trường mầm non, thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, khăn mặt, vệ sinh đồ dùng học tập, đồ chơi của trẻ. Thực hiện rửa tay với xà phòng cho học sinh, đặc biệt các trường mầm non và tiểu học tổ chức bán trú. Tăng cường điều kiện cơ sở vật chất ở các trường học có tổ chức ăn trưa; các bếp ăn tập thể trong trường phải đảm bảo điều kiện vệ sinh: Nguồn nước sạch, hệ thống nước rửa tay cho học sinh, điều kiện vệ sinh bếp, dụng cụ đồ dùng chứa đựng thức ăn… Thực phẩm cung cấp cho bếp ăn tập thể phải được ký hợp đồng, có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo thực phẩm sạch. Thực hiện chế độ giao nhận thực phẩm hằng ngày tại trường theo đúng quy định. Thực phẩm tươi sống phải được sử dụng hết trong ngày. Nghiêm túc thực hiện chế độ lưu mẫu thức ăn sau 24 giờ. Nhân viên phục vụ trong bếp ăn tập thể trường học phải là người lao động khoẻ mạnh, không mắc bệnh truyền nhiễm, phải khám sức khoẻ định kỳ theo quy định và có chứng nhận về sức khoẻ của cơ quan y tế có thẩm quyền. Các phòng GD và ĐT, các trường học phối hợp với Trung tâm y tế các huyện mở các lớp tập huấn, tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, ATTP cho cán bộ quản lý, cho đội ngũ cán bộ y tế trường học, nhân viên phục vụ ở các trường có tổ chức bán trú và bếp ăn tập thể. Tăng cường theo dõi, giám sát sĩ số và diễn biến tình hình sức khỏe học sinh hằng ngày tại trường học. Khi có các trường hợp học sinh có biểu hiện sốt, nghỉ học do dịch, bệnh phải thông tin, báo cáo kịp thời cho các cấp quản lý giáo dục và cơ quan y tế địa phương. Các cấp quản lý giáo dục thường xuyên kiểm tra các trường học về phòng chống dịch bệnh và ATTP.

Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong các nhà trường vào thời điểm giao mùa, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo các nhà trường cần phối hợp với ngành Y tế địa phương tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục kiến thức, thay đổi hành vi, đồng thời tổ chức khám sức khỏe cho học sinh định kỳ nhằm phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, tránh lây lan trong cộng đồng. Đặc biệt, các trường mẫu giáo, cơ sở trông giữ trẻ thường xuyên rửa sạch bàn tay cho trẻ và người trông trẻ, nhất là trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ..., thường xuyên lau rửa sạch các bề mặt, sàn nhà, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như: đồ chơi, giá kệ đựng, đồ dùng học tập... Tăng cường sự phối hợp giữa ngành GD và ĐT và ngành Y tế về chăm sóc sức khỏe học đường, ngăn chặn hiệu quả dịch, bệnh trong cộng đồng. Để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trong các trường học, chính quyền các địa phương cũng cần phải tích cực tham gia công tác phòng bệnh, vệ sinh trường học để phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm, đồng thời, khám sức khỏe định kỳ nhằm phân loại sức khỏe cho học sinh để phát hiện sớm các bệnh, giúp học sinh có hướng điều trị thích hợp khi bệnh mới ở giai đoạn đầu./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com