Chủ động các phương án ứng phó với sự cố bức xạ

08:08, 05/08/2016
Hậu quả của sự cố bức xạ, hạt nhân là không thể lường trước, lâu dài, tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh ứng dụng bức xạ, hạt nhân trong các lĩnh vực đời sống xã hội ngày càng phát triển thì việc chủ động các phương án ứng phó khi xảy ra sự cố bức xạ, hạt nhân là hết sức quan trọng.
 
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn bức xạ
 
Tỉnh ta là một trong những trung tâm công nghiệp dệt, công nghiệp nhẹ của cả nước, có nhiều làng nghề, khu, cụm công nghiệp với nhiều hoạt động có sử dụng bức xạ, hạt nhân như dịch vụ chẩn đoán bệnh, xác định tuổi vàng, chụp ảnh bức xạ công nghiệp… Cụ thể, có 9 cơ sở kinh doanh vàng có sử dụng thiết bị phổ kế huỳnh quang tia X để xác định tuổi vàng; 1 cơ sở có sử dụng máy phát tia X dùng chụp ảnh bức xạ công nghiệp; 45 cơ sở y tế sử dụng 81 thiết bị phát tia X. Những thiết bị này đã được Cục An toàn bức xạ (ATBX) và hạt nhân cấp phép hoạt động và chịu sự quản lý nghiêm ngặt của cơ quan chức năng. Ngoài ra còn một số thiết bị phát tia X đã ngừng hoạt động và các thiết bị có chứa nguồn phóng xạ được vận chuyển lưu trú trên địa bàn. Căn cứ vào quy định của Cục ATBX và hạt nhân về mức độ gây sự cố cũng như thực trạng sử dụng thiết bị phát tia X và nguồn phóng xạ trên địa bàn, Sở KH và CN đã xác định những nguy cơ tiềm ẩn sự cố bức xạ tại tỉnh ta gồm: Sự cố do sử dụng không đúng quy trình, mất nguồn phóng xạ, cháy nổ tại khu vực có nguồn phóng xạ đối với nguồn phóng xạ nhóm 3, 4 ở 9 cơ sở kinh doanh vàng; sự cố chiếu xạ quá liều, rơi nguồn, kẹt nguồn, nguồn thất lạc hoặc bị bỏ rơi khi vận chuyển đối với nguồn phóng xạ nhóm 2 dùng chụp ảnh phóng xạ công nghiệp, xạ trị áp sát. Ngoài ra còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn sự cố bức xạ, hạt nhân từ hoạt động vận chuyển nguồn phóng xạ trên tuyến đường sắt, đường bộ, đường thủy qua địa bàn tỉnh; từ hoạt động kinh doanh, tái chế phế liệu kim loại và nguy cơ từ sự cố nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam và các nước lân cận. Nguyên nhân gây các sự cố bức xạ là do việc không tuân thủ nghiêm các quy trình đảm bảo ATBX trong quá trình sử dụng các thiết bị bức xạ và mất an ninh các nguồn phóng xạ. Ngoài ra, nguy cơ sự cố do việc vận chuyển các nguồn phóng xạ, vận hành tạm thời trên địa bàn phục vụ sản xuất công nghiệp, thí nghiệm vật liệu tại các công trình xây dựng, giao thông; các nguồn phóng xạ lẫn trong môi trường và tại các cơ sở thu mua, gia công, chế biến phế liệu… cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong số những nguy cơ sự cố hạt nhân có thể xảy ra trên địa bàn, Ban Chỉ huy ứng phó với sự cố tỉnh cũng xác định nguyên nhân gây ra sự cố liên quan tới việc mua bán phế liệu kim loại có chứa nguồn phóng xạ là khó kiểm soát nhất bởi hoạt động này không được kiểm soát chặt chẽ, người kinh doanh, nhất là người đi thu gom phế liệu thiếu kiến thức và ý thức về sự nguy hiểm của các nguồn chứa phóng xạ, khó xác định nguồn phóng xạ, vị trí thất lạc. Trên địa bàn tỉnh ta có nhiều làng nghề, cơ sở thu mua phế liệu về tái chế và sản xuất cơ khí lớn nên nguy cơ nguồn phóng xạ lẫn trong phế liệu rất lớn. Trên cơ sở những nguy cơ xảy ra sự cố bức xạ, Sở  KH và CN đã đề xuất 3 kịch bản ứng phó với sự cố bức xạ gồm: ứng phó với sự cố khi vận chuyển nguồn phóng xạ; ứng phó khi nguồn phóng xạ được phát hiện tại một cơ sở thu mua sắt thép phế liệu và kịch bản ứng phó với sự cố mất nguồn phóng xạ tại một cơ sở bức xạ. 
Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đo chỉ tiêu kỹ thuật liên quan đến an toàn bức xạ đối với sức khỏe con người tại làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực).
Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đo chỉ tiêu kỹ thuật liên quan đến an toàn bức xạ đối với sức khỏe con người tại làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực).
Chủ động các phương án ứng phó với sự cố bức xạ
 
Theo các chuyên gia, sự cố bức xạ có khi chỉ xảy ra một lần nhưng tác hại để lại vô cùng lâu dài và khó khắc phục bởi chúng tồn tại cả trong đất, nước, không khí với tầm ảnh hưởng rộng, khó bảo vệ. Tác hại cấp tính thể hiện trên sức khỏe con người như gây nôn mửa, bỏng da, rụng tóc..., lâu dài sẽ gây các bệnh ung thư, thai nhi dị tật… Do đó để công tác ứng phó với sự cố được hiệu quả, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sống, các sở, ngành chức năng ngoài việc kiểm tra định kỳ các cơ sở bức xạ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tính tự giác của người sử dụng, quản lý thiết bị bức xạ; có phương án phối hợp, kịp thời hỗ trợ trong trường hợp sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cấp cơ sở. Trong đó, Sở KH và CN thiết lập đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin hoạt động liên tục 24/24h để tiếp nhận thông tin về sự cố, yêu cầu trợ giúp, khuyến cáo biện pháp ứng phó ban đầu, tư vấn phòng ngừa, hạn chế thiệt hại cho quần chúng nhân dân. Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo ATBX thường xuyên tại các cơ sở có sử dụng thiết bị bức xạ và nguồn phóng xạ, Sở KH và CN còn tiến hành điều tra, khảo sát, phân tích đánh giá các mối nguy hiểm từ các hoạt động sử dụng các nguồn bức xạ trên địa bàn tỉnh; khảo sát và thu thập thông tin cơ bản phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố; lập bản đồ phóng xạ và mẫu môi trường; xây dựng kế hoạch tổng thể phòng, chống, khắc phục sự cố nguồn phóng xạ trên địa bàn tỉnh… Chuẩn bị các điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, dữ liệu phóng xạ đáp ứng yêu cầu xây dựng trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đây là cơ hội để tỉnh ta nâng cao năng lực quan trắc và kết nối liên tục, cung cấp cơ sở dữ liệu về phóng xạ môi trường tới Trạm vùng và Trung tâm điều hành quốc gia, đảm bảo kịp thời phát hiện diễn biến bất thường về bức xạ trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân. Ngành Công an bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực sự cố xảy ra, lập hàng rào kiểm soát vùng nguy hiểm, sơ tán người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm khi cần thiết. Sở Y tế xây dựng lực lượng, nguồn lực y tế, trang thiết bị cấp cứu và điều trị trong địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu trợ giúp y tế. Sở TN và MT có kế hoạch khắc phục ô nhiễm môi trường sau sự cố, xây dựng quy trình bảo đảm quan trắc liên tục nhiễm bẩn phóng xạ đất tại khu vực nông nghiệp. Công tác thông tin cần chính xác, kịp thời về sự cố bức xạ, hạt nhân; tuyên truyền, phổ biến kiến thức cơ bản về ATBX và ứng phó sự cố cho nhân dân. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ để xảy ra sự cố phải thông báo ngay cho cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp như UBND địa phương hoặc cơ quan công an và Sở KH và CN về địa điểm xảy ra sự cố; cơ quan chức năng khẩn trương xác định vị trí xảy ra sự cố, phạm vi ảnh hưởng; xác định sơ bộ nguyên nhân, tính chất và khả năng diễn biến sự cố; huy động nhân lực, phương tiện của cơ sở để khắc phục sự cố, hạn chế lan rộng phóng xạ, tổ chức cấp cứu người bị nạn, cô lập nơi nguy hiểm, kiểm soát an ninh, cung cấp thông tin, tài liệu, tạo mọi điều kiện hỗ trợ cần thiết cho việc khắc phục và điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố và bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân theo quy định của pháp luật. 
 
Cùng với việc xây dựng kịch bản kế hoạch ứng phó với sự cố bức xạ, cần tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ với những tình huống cụ thể phù hợp với thực trạng sử dụng thiết bị bức xạ và nguồn phóng xạ tại địa phương để có thể hạn chế tối đa xảy ra sự cố bức xạ cũng như thiệt hại gây ra đối với sức khỏe con người và môi trường./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com