Bất cập việc cho trẻ học trước chương trình lớp 1

08:08, 09/08/2016
Từ nhiều năm nay, Sở GD và ĐT đã ban hành các văn bản chấn chỉnh tình trạng dạy chương trình cho học sinh trước khi bước vào lớp 1. Trong đó quy định rõ việc dạy trước lớp 1 là vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm. Thực hiện chỉ đạo của Sở GD và ĐT các trường tiểu học công bố các giải pháp đảm bảo chất lượng đối với việc học của học sinh lớp 1; đồng thời tiếp tục đổi mới đánh giá đối với học sinh lớp 1, giáo viên tuyệt đối không cho điểm, chỉ nhận xét động viên, khuyến khích, khen ngợi, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày ở mỗi hoạt động của từng học sinh… để phụ huynh yên tâm. Sở GD và ĐT cũng đã làm tốt công tác tham mưu quy hoạch xây dựng các trường tiểu học tại các địa phương, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay tình trạng cho trẻ học trước chương trình lớp 1 trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra, nhất là ở địa bàn Thành phố Nam Định và thị trấn trung tâm các huyện.
Học sinh Trường Tiểu học Mỹ Tân (Mỹ Lộc) trong một giờ học.
Học sinh Trường Tiểu học Mỹ Tân (Mỹ Lộc) trong một giờ học.
Theo khảo sát tại địa bàn Thành phố Nam Định, hầu như trường tiểu học nào cũng có giáo viên mở các lớp hoặc tổ chức cho các nhóm trẻ chuẩn bị vào lớp 1 học thêm trước chương trình ở ngoài nhà trường. Tìm hiểu ở những gia đình cho trẻ học trước chương trình, khi kết thúc lớp 5 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1, về Tiếng Việt, ít nhất các cháu đã biết viết 29 chữ cái theo mẫu, nhiều cháu đã viết được từ, những câu thơ ngắn. Về Toán, đã biết cộng trừ trong phạm vi 10, đếm đến hàng chục, hàng trăm, nhiều cháu đã cộng được phép tính theo cột dọc có hai chữ số (không nhớ). Tuy nhiên, những năm học gần đây, trên địa bàn toàn tỉnh, trẻ vào lớp 1 học môn Tiếng Việt theo chương trình Công nghệ giáo dục, một phương pháp dạy và học hoàn toàn mới so với những năm trước khiến các bậc phụ huynh không cảm thấy yên tâm nếu không cho trẻ học trước. Chị Tống Thị Hồng, ở Khu đô thị Hòa Vượng (TP Nam Định) có con đang học lớp 5 tuổi cho biết: “Tôi biết cho trẻ học trước có thể gây tâm lý chủ quan khi vào học chính thức, hoặc làm mất đi hứng thú học tập cho trẻ nhưng quả thật tôi không thể không cho con mình đi học khi nhà nhà đều cho con đi học trước chương trình. Vả lại nghe nói bây giờ các cháu học theo chương trình mới khó lắm”(!). Hầu hết các bậc phụ huynh đều bị tâm lý sợ con mình không theo kịp bạn bè hoặc muốn con nổi trội ngay từ đầu. Vì vậy, trong dịp hè, gần như tất cả các gia đình có con chuẩn bị vào lớp 1 đều tìm chỗ cho con học với cường độ khá cao và gây cho trẻ không ít áp lực. Còn một lý do khác là nhiều ông bố, bà mẹ nghe nói chương trình tiểu học hiện nay nặng, yêu cầu cao hơn nên cô giáo không thể có thời gian uốn nắn từng nét chữ với từng em được. Vậy nên, dù muốn hay không, cũng chẳng rõ đúng hay sai, nhiều người vẫn cho con đi học trước chương trình. Trong khi đó, trẻ mẫu giáo 5 tuổi ở các trường mầm non đã được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết để sẵn sàng về mọi mặt trước khi vào lớp 1. Đó là các chuyên đề về “Làm quen với toán’’, “Làm quen với văn học và chữ viết’’, “Làm quen với môi trường xung quanh’’. Theo đó, yêu cầu với các cháu chỉ là “làm quen’’, nhận dạng 29 chữ cái và số (các số từ 1 đến 10), một số hình đơn giản như hình tròn, hình vuông, hình tam giác, hình chữ nhật. Ngoài ra, các em biết hướng đọc và viết theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ trái qua phải; được trang bị các kiến thức về môi trường xã hội, tự nhiên, giao tiếp với thầy cô, bạn bè, rèn nền nếp, ý thức cá nhân… Tuy nhiên, hầu hết các bậc cha mẹ đều chỉ quan tâm đến việc trẻ có được học tập đọc, tập viết, tính toán hay không, chứ không để ý rằng trẻ đã được trang bị những kỹ năng cơ bản của việc học, về thời gian cho việc học nhạc, họa, tạo hình… Theo các chuyên gia giáo dục cũng như những giáo viên giàu kinh nghiệm dạy bậc tiểu học thì trẻ khi bắt đầu vào học lớp 1 được học từ những điều cơ bản nhất, như việc tập viết là từ những nét phẩy, nét xiên, nét ngang… Theo cấu trúc và yêu cầu, chương trình lớp 1 có thể bảo đảm cho mọi trẻ bình thường về sức khỏe và nhận thức có thể đạt được những yêu cầu tối thiểu. Vì vậy, dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mầm non là phản khoa học, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Thực tế cho thấy, những học sinh khi học trước chương trình khi vào học chính thức thường ít bỡ ngỡ, rụt rè và ít vất vả hơn trong việc học. Tuy nhiên điều này không kéo dài lâu, bởi các bạn khác thường tập trung và hào hứng với bài giảng hơn, trong khi những trẻ đã biết trước thường không chú ý, không hứng thú và hăng hái học. Thậm chí có những trẻ thấy mọi thứ đối với mình đều đơn giản nên không nỗ lực, cố gắng, chủ quan ngay từ khi ở lớp học đầu đời. Ngoài ra, trẻ đi học trước chương trình nếu không được dạy một cách bài bản, rất dễ mắc những lỗi về tư thế ngồi, cầm bút sai, từ đó, dễ bị vẹo lưng, cận thị, mỏi tay… ảnh hưởng nhiều khi học lên các lớp trên. Đó là lý do tại sao không ít cô giáo tiểu học đã phải vất vả khi phải rèn lại cho các em, từ tư thế ngồi đến cách cầm bút, điểm đặt bút… Và thực tế cũng cho thấy, chưa có minh chứng nào thuyết phục rằng những trẻ học trước chương trình sẽ có kết quả học tập tốt hơn(!).
 
Có nên không việc cho trẻ học trước chương trình lớp 1(?). Điều đó cần sự cân nhắc của chính các bậc phụ huynh. Ngành GD và ĐT cũng cần có sự tuyên truyền, kiểm tra chặt chẽ việc nhiều giáo viên tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 hiện nay./.
 
Bài và ảnh: Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com