Nhà điêu khắc nặng lòng với những tượng đài lịch sử

10:04, 29/04/2016

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, về xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) chúng tôi có dịp gặp gỡ nhà điêu khắc Lâm Quang Nới khi ông về thăm quê hương. Hiện nay, ông là tác giả của 54 tượng đài nổi tiếng đặt ở các không gian công cộng khắp cả nước; tiêu biểu như: Tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn (Thủ đô Hà Nội), Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP Hồ Chí Minh), Tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (Khánh Hòa)…

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trước UBND Thành phố Hồ Chí Minh của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trước UBND Thành phố Hồ Chí Minh của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới.

Trong câu chuyện thân tình và cởi mở với nhà điêu khắc Lâm Quang Nới, chúng tôi được biết: Ông sinh năm 1950 tại xã Nghĩa Tân - vùng Công giáo toàn tòng. Năm 1964, mới 14 tuổi nhưng Lâm Quang Nới đã tham gia làm công tác thông tin văn hóa của xã. Ngày ấy, khi được nghỉ học vào mỗi thứ 5 hằng tuần, Nới lại tranh thủ đi quét vôi lên các mảng tường của xã để ngày chủ nhật kẻ khẩu hiệu, vẽ tranh cổ động màu trên đó. Năm 1966, Nới được cử đi học lớp ngắn ngày về vẽ tranh cổ động, sau đó được làm cán bộ phụ trách mảng thông tin cổ động tại Phòng Thông tin - Văn hóa Nghĩa Hưng. Năm 1968, chàng trai trẻ Lâm Quang Nới lên đường nhập ngũ ở chiến trường Đông Nam Bộ và được phân công làm tờ báo của Trung đoàn - Đoàn pháo binh Miền (Bộ chỉ huy Miền thuộc Trung ương Cục miền Nam). Thời gian đó, anh tranh thủ vừa làm công tác văn hóa, vừa vẽ tranh và làm tượng Bác Hồ (bằng đất tổ mối) phục vụ cho các hội nghị của đơn vị. Năm 1975, sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, Lâm Quang Nới trở thành sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Sau 6 năm học tập, ra trường ông về công tác Bảo tàng Cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh rồi Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Trung tâm Bảo tồn di tích Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian 37 năm công tác tại các bảo tàng đã giúp ông tiếp xúc với nhiều nhân chứng và thuộc lòng các sự kiện lịch sử để làm “chất liệu” trong các sáng tác tượng đài. Là tác giả của 54 tượng đài lịch sử trên khắp cả nước, vinh dự và tự hào nhất với ông là 2 tác phẩm điêu khắc Tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn và Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2010, Thành phố Hồ Chí Minh muốn có công trình ý nghĩa tương xứng với kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội nên tổ chức cuộc thi tượng đài về Bác Hồ. Nhà điêu khắc Lâm Quang Nới đã đoạt giải nhất với bức tượng Bác Hồ và Bác Tôn. Tượng bằng đồng đen cao 5,4m, đế 1,8m, đặt tại Công viên Thống Nhất. Tác phẩm thể hiện tư thế Bác Hồ bắt tay chúc mừng Bác Tôn sau khi Bác Tôn được Quốc hội khóa 2 - năm 1960 bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn đã khắc họa nổi bật phong thái của hai vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, từ trang phục, ánh mắt, thế đứng, đến tư thế bắt tay, qua đó thể hiện tinh thần đoàn kết, tình cảm ruột thịt Bắc - Nam.

Nhà điêu khắc Lâm Quang Nới và vợ, kiến trúc sư Nguyễn Thị Liễu bên mẫu tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh dưới). Ảnh: Do nhân vật cung cấp
Nhà điêu khắc Lâm Quang Nới và vợ, kiến trúc sư Nguyễn Thị Liễu bên mẫu tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh dưới). Ảnh: Do nhân vật cung cấp

Năm 2015, bản phác thảo Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới đã vượt qua 32 phác thảo dự thi của 24 tác giả trong cả nước, sau đó được xây dựng và đặt trước trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Tượng đài có chiều cao 7,2m, riêng phần tượng được đúc bằng hợp kim đồng (cao 4,5m); phần bệ được làm bằng đá granite nguyên khối (cao 2,7m). Bức tượng được ông ấp ủ từ thời được đọc thư Bác viết năm 1967, trong đó Bác có nguyện vọng vào miền Nam để thăm đồng bào, chiến sĩ đang tham gia kháng chiến. Bởi vậy, nội dung bức tượng là sau ngày chiến thắng, người dân miền Nam đón Bác về thăm, Bác vừa bước đi vừa vẫy tay chào, gương mặt tươi vui, thần thái nhẹ nhõm, yêu thương chan hòa. Trong quá trình thực hiện Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã tìm đọc nhiều tài liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, tiếp xúc với những nhân chứng được gặp Bác đã giúp ông có thêm cảm xúc để thể hiện tượng đài vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Theo ông, trong nghệ thuật điêu khắc, ý tưởng chiếm 50-60% sự thành công của một tác phẩm. Ý tưởng hay, biểu tượng đẹp và phải đúng. Sự khắt khe trong nghề đã giúp ông tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có bố cục chặt chẽ về kích thước và đạt được tính thẩm mỹ cao. Hiện nay, nhà điêu khắc Lâm Quang Nới đang gấp rút hoàn thành tượng đài chiến sĩ Gạc Ma mang tên “Những người nằm lại phía chân trời” đặt ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa (công trình của Tổng LĐLĐ Việt Nam). Tượng đài được giới chuyên môn đánh giá cao về ý tưởng, bố cục, nghệ thuật tạo hình. Theo thiết kế, tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” có chiều cao tổng thể 15,15m, trong đó phần bệ đài cao 1,4m được bố trí nằm dưới hồ nước, thân tượng đài cao 13,75m. Tượng đài được cách điệu hình ảnh 8 chiến sĩ Gạc Ma hy sinh với bố cục tự nhiên nổi bật chiến sĩ ôm chặt lá cờ giữa biển cả nhằm thể hiện sự đồng tâm hiệp lực quyết một lòng bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc. Đài tượng là một vòng tròn lớn, trên đó cách điệu sóng nước và những áng mây như cánh chim Lạc vừa mang ý nghĩa mặt trời chân lý khẳng định việc bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng là chính nghĩa và cao cả, vừa thể hiện sự thắt chặt đoàn kết quyết tâm đồng lòng của các chiến sĩ cụm đảo Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền của đất nước tại đảo Gạc Ma năm 1988… Là người nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc về lĩnh vực điêu khắc tượng đài, trong thành công của ông luôn luôn có bóng dáng người vợ. Đó là kiến trúc sư Nguyễn Thị Liễu. Đến nay, ông bà đã cùng nhau làm nhiều công trình ý nghĩa. Tiêu biểu như Tượng đài liệt sĩ Ngã ba Giồng (Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh), Tượng đài Bác Tôn ở quê nhà An Giang, Đài tưởng niệm các chiến sĩ Mậu Thân và Tượng đài Đoàn kết toàn dân ở Thành phố Bạc Liêu, Tượng đài Chiến thắng An Lão ở tỉnh Bình Định, Tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (Khánh Hòa)…

Suốt đời theo đuổi những đề tài về lịch sử, chiến tranh cách mạng, mỗi tác phẩm của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới là kết tinh của lòng yêu nghề, của sự tìm tòi, nghiên cứu lịch sử dân tộc và cả những trải nghiệm của một người lính đã đi qua chiến tranh. Với ông, việc làm tượng đài lịch sử là một sứ mệnh thiêng liêng, còn sức khỏe ông vẫn sẽ tiếp tục rong ruổi trên khắp mọi miền đất nước để tái hiện những hình tượng của dân tộc Việt Nam anh hùng./.

Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com