Nghĩa Hưng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08:04, 08/04/2016

Huyện Nghĩa Hưng hiện có trên 20 vạn dân, trong đó trên 105 nghìn người đang ở độ tuổi lao động. Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh, huyện Nghĩa Hưng đã xây dựng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Để thu hút nông dân tham gia học nghề, Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể, các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; quyền lợi của người học nghề; quy trình tuyển sinh dạy nghề; định hướng nghề có thu nhập ổn định và dễ tìm việc sau đào tạo; đồng thời tổ chức tư vấn, tuyển sinh và hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề. Các xã, thị trấn đưa chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của địa phương.

Nhà máy may Nghĩa Thịnh, thuộc Cty CP May III, Tổng Cty Dệt may Nam Định, tham gia dạy nghề và tạo việc làm cho 150 lao động, mức lương từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.
Nhà máy may Nghĩa Thịnh, thuộc Cty CP May III, Tổng Cty Dệt may Nam Định, tham gia dạy nghề và tạo việc làm cho 150 lao động, mức lương từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.

Trước khi triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện tổ chức các đợt khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề, khả năng của người dân và trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn cũng như nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo theo ngành, nghề phù hợp; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho người lao động. Hiện nay trên địa bàn huyện có 101 doanh nghiệp đang hoạt động với 7.300 lao động, trong đó 12 đơn vị sử dụng từ 70 lao động trở lên, chủ yếu là doanh nghiệp may công nghiệp, gạch tuynel, giày da, tiêu biểu là Cty CP May Sông Hồng (1.200 lao động), Cty TNHH May DaeYang (680 lao động), Cty CP Cơ khí và Thương mại Nam Hà (trên 2.000 lao động)… Nhiều doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, nhu cầu tuyển thêm trên 1.000 lao động. Bên cạnh đó, 6 làng nghề truyền thống: đan nón xã Nghĩa Châu, dệt chiếu xã Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn, làm miến xã Nghĩa Lâm, chế biến thủy sản xã Nghĩa Hải, mây tre đan Thị trấn Quỹ Nhất tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Một số nghề nông nghiệp cũng đang phát triển khá như chăn nuôi gia súc, gia cầm ở một số xã, thị trấn miền hạ; nuôi trồng thủy sản ở các địa phương ven biển, ven sông: Rạng Đông, Nghĩa Hải, Nghĩa Thắng, Nghĩa Châu. Sau khi khảo sát tại các địa phương, UBND huyện tập trung dạy các nghề: May công nghiệp; trồng, cắt tỉa cây cảnh; chăn nuôi gia súc gia cầm; đan cói xuất khẩu và các nghề khác khi lao động nông thôn có nhu cầu và chọn các đơn vị có uy tín, kinh nghiệm tham gia dạy nghề. Trong 6 năm (2010-2015), huyện Nghĩa Hưng đã mở 131 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 4.243 lao động theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; trong đó 645 người học nghề nông nghiệp, 2.644 người học nghề phi nông nghiệp, chủ yếu là nghề may công nghiệp 2.133 người; đan cói xuất khẩu 410 người; trồng nấm 355 người; cây cảnh 300 người… Năm 2016, UBND huyện có kế hoạch đào tạo nghề cho 860 lao động, trong đó: nghề phi nông nghiệp 580 lao động, nghề nông nghiệp 280 lao động. Đến nay, huyện đã mở lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 52 lao động và 2 lớp dạy nghề đan cói xuất khẩu cho 70 lao động. Ngoài ra, các đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên đã mở 28 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho gần 1.000 hội viên, đoàn viên. Các xã, thị trấn mỗi năm cũng tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho nhân dân địa phương. Sau khoá học, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản và đều tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định. Qua các lớp dạy nghề, nhiều học viên đã mạnh dạn áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động. Do hiệu suất lao động được nâng lên, mức thu nhập, đời sống của nông dân trong huyện đã được cải thiện. Cùng với công tác đào tạo nghề, huyện huy động các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Hằng năm, toàn huyện có hàng nghìn lượt hộ, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp được vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ hàng chục tỷ đồng. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành cùng với những giải pháp hiệu quả, trung bình mỗi năm huyện Nghĩa Hưng đã tạo việc làm mới cho trên 3.500 lao động, riêng năm 2015, tạo việc làm mới cho 3.820 lao động, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động ngành nghề. Hiện nay, tỷ lệ lao động của huyện trong lĩnh vực nông nghiệp là 60% (giảm 10% so với 5 năm trước); ngành công nghiệp, xây dựng 22,5%; dịch vụ 17,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện đạt 42,1%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho người lao động ở huyện Nghĩa Hưng vẫn còn một số tồn tại như: Một số xã, thị trấn việc tuyển sinh học nghề gặp khó khăn do số người đăng ký học nghề ít và không sát với thực tế. Đối tượng tham gia học nghề không đồng đều về độ tuổi, trình độ, nhận thức, điều kiện gia đình nên ảnh hưởng đến hiệu quả của việc học nghề. Một số nghề cần chi phí học rất lớn (mỹ nghệ, cây cảnh, cơ khí, hàn…) hoặc một số nghề mới muốn đưa từ các địa phương khác tốn nhiều công sức, mức hỗ trợ học nghề với những nghề này như hiện nay là không đủ… Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Việc lựa chọn nghề đào tạo ở các địa phương phải đảm bảo theo hướng: Nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch xây dựng NTM, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và yêu cầu tái cấu trúc ngành Nông nghiệp. Nghề phi nông nghiệp xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí việc làm của doanh nghiệp. Tăng cường sự phối kết hợp giữa các ngành, các cơ sở dạy nghề - doanh nghiệp - cấp ủy, chính quyền địa phương với người lao động để tổ chức các lớp đào tạo nghề, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com