Chuyện những chiến sĩ Nam Định trong đoàn tàu không số

09:04, 30/04/2016

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để trực tiếp chi viện vũ khí, hàng hóa và nhân lực cho cách mạng miền Nam, cùng với con đường vận tải dọc Trường Sơn, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở tuyến đường vận chuyển chiến lược trên Biển Đông. Trong suốt 15 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển (1961-1975), Đoàn 125 đã huy động được gần 1.900 lượt tàu thuyền, vận chuyển hơn 152 nghìn tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80 nghìn cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam. Từ năm 1964 đến 1975, các chiến sĩ miền Bắc, trong đó có không ít cựu chiến binh quê hương Nam Định đã trực tiếp tham gia những chuyến tàu lặng lẽ vượt sóng gió, vượt hiểm nguy và tai mắt kẻ thù, chở nặng vũ khí, hàng hóa cùng nghĩa tình miền Bắc đến với chiến trường miền Nam!

Sự kiện Vũng Rô

Ông Nguyễn Thanh An, xã Hải Anh (Hải Hậu), thủy thủ của tàu 143 ngày nào, giờ đã 73 tuổi, nhưng khi nhắc đến những năm tháng chiến tranh, giọng ông vẫn hào hùng và đượm nỗi xót thương những người đồng đội đã quên mình hy sinh trong những chuyến vận chuyển vũ khí, hàng hóa tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Trong dòng xúc cảm, ông thuật lại những chuyến đi ông từng tham gia, trong đó ấn tượng nhất là một chuyến đi tàu bị phá hủy, nhưng rất may là sau khi ta đã bốc dỡ hàng thành công. Vào đầu năm 1965, khi chuẩn bị ăn Tết thì được lệnh khẩn cấp vận chuyển 1 chuyến hàng đặc biệt gồm hàng hóa và vũ khí vào Nam. Khi ấy, tàu 143 có 16 cán bộ, chiến sĩ; trong đó cán bộ chủ chốt có thuyền trưởng Lê Văn Thiêm, thuyền phó hỏa lực Hồ Sành, thuyền phó hàng hải Hoàng Xuân Thu và chính trị viên Phan Văn Bảng chỉ huy, rời cảng K20, chở 64 tấn vũ khí. Tàu ngụy trang giả một tàu khai thác hải sản trên vùng biển quốc tế. Trên hành trình, ban ngày, cứ vài tiếng lại có một chiếc máy bay của Mỹ bám theo, ban đêm lại có hai tàu chiến địch đi kèm, chiếc phía trước, chiếc phía sau. Nhưng với ý chí sắt thép, tàu 143 vẫn cứ đi. Tới 24h ngày 14-2-1965, tàu vào bến Vũng Rô, xã Hòa Hiệp, huyện Tuy Hòa tỉnh Phú Yên để bốc dỡ hàng. Sau khi bốc dỡ, tàu nhổ neo ra biển thì neo bị hỏng. Sửa xong thì trời đã sáng bạch nên không thể quay ra biển được mà phải ở lại, đợi đến tối mới rời bến. Nhưng một phi công địch, tình cờ bay ngang qua, đã nhìn thấy “một mỏm đá lạ nhô lên trên vách núi phía Tây Vũng Rô”. Lập tức thông tin này được địch triển khai thám sát mục tiêu và những ngày sau đó, chúng liên tục cho máy bay tàu chiến quần thảo trên vùng biển này với ý định chiếm tàu, khuếch trương chiến tích nhưng đều gặp phải sự chống trả của ta. Cuộc quần thảo mưa bom diễn ra từ đêm 15, rạng sáng 16, đến sáng ngày 17-2-1965, địch ném xuống chỗ tàu của ta đang trú ẩn một quả pháo mù chỉ điểm mục tiêu. Một tốp máy bay khu trục A-1 Skyraiders lao đến bắn một loạt tên lửa làm lá ngụy trang trên tàu bốc cháy… Không chỉ kiên cường chống trả, với mục tiêu phải trốn thoát, không để địch phát hiện, dẫn đến lộ tuyến đường vận tải quân sự bí mật trên biển, 16 cán bộ, chiến sĩ trên tàu đều bị thương vong, trong đó đồng chí thuyền trưởng Lê Văn Thiêm bị mất hẳn một bên mông, nén chịu đau đớn, dìu cõng, bế bồng nhau vượt qua, nhiều bữa lả đi vì đói, khát cùng những trận bom rơi, đạn trút liên tiếp. Bằng sự táo bạo và thông minh, tinh thần chiến đấu kiên cường đã giúp cả 16 cán bộ, chiến sĩ tàu 143 tại mom biển Vũng Rô trở về hải địa xuất phát sau 6 tháng ròng rã cực khổ, hiểm nguy cùng nỗ lực bảo vệ sự bí mật của con đường trên biển của lực lượng bảo vệ bến đã trở thành biểu tượng anh hùng của tuyến vận tải quân sự chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển và là bài học kinh nghiệm quý giá, nguồn động viên tinh thần to lớn của cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu không số…

Cựu pháo thủ đoàn tàu không số Phạm Xuân Hợi, xã Hải Hòa, huyện Hải Hậu kể lại chiến công xưa cùng người thân trong gia đình
Cựu pháo thủ đoàn tàu không số Phạm Xuân Hợi, xã Hải Hòa, huyện Hải Hậu kể lại chiến công xưa cùng người thân trong gia đình.

Viết tiếp huyền thoại

Không có bằng chứng, nghi ngờ về sự trốn thoát thần thánh của các chiến sĩ tàu 143 đã khiến quân địch gia tăng chống phá, và phòng vệ theo quan điểm Việt Nam còn sử dụng những vị trí khác nữa để nhập hàng vận chuyển bằng đường biển. Sau này, quân địch đồng loạt gia tăng loạt vũ khí mới và bắt đầu triển khai một chiến dịch lớn mang tên “Market time” huy động: hải quân ngụy tuần tiễu ven bờ, hải quân Mỹ ngăn chặn ngoài khơi. Toàn bộ vùng ven biển miền Nam được kiểm soát chặt chẽ bởi 9 khu vực chiến đấu và 5 trung tâm giám sát lớn. Song, mọi cố gắng của địch đều không thể dập tắt quyết tâm lớn của các chiến binh tàu không số trên toàn quốc cũng như các chiến binh tàu không số tỉnh Nam Định. Được biên chế vào Đoàn 125 (Bộ Tư lệnh Hải quân), làm chiến sĩ báo vụ trên các con tàu không số chở vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam, năm 1964, sau một khoá huấn luyện, đồng chí Phan Hải Hồ tình nguyện xin đi B, gắn cuộc đời mình với con tàu mang mật danh 69 và làm nên huyền thoại “La Văn Cầu trên biển”. Ngày 21-3-1966, ông và 15 đồng đội được lệnh xuất phát chở theo 72 tấn vũ khí vào Vàm Lũng, xã Tân An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ngay sau lệnh xuất phát, tàu không số mang mật danh 69 chở 72 tấn vũ khí và 16 cán bộ, chiến sĩ rời bến. Tuy nhiên, cả hai lần ra khơi đều phải quay về vì tàu chiến và máy bay địch theo dõi, chặn đánh. Đến ngày 15-4-1966, tàu nhận lệnh tiếp tục lên đường. Mất 8 ngày vượt sóng, luôn phải đối mặt với sự rình rập của kẻ thù, đến tối ngày 23-4-1966 tàu cập bến Vàm Lũng, Cà Mau. Sau khi bốc dỡ, giao hàng xong, các thuỷ thủ phát hiện chân vịt của tàu bị hỏng nhưng sửa xong tàu thì địch đoán biết tàu tiếp viện

của ta đang ở trong rừng đước nên chúng cho tàu chiến, máy bay ngày đêm quần thảo, chốt chặn ở các cửa biển. Mấy lần ông Phan Hải Hồ và đồng đội đưa tàu ra đều không thành. Đến đêm ngày 31-12-1966, lợi dụng thời điểm Tết Dương lịch địch mải đón năm mới, sẽ chểnh mảng canh phòng, được tin của điệp báo địa phương cho biết ngoài cửa Vàm Lũng yên tĩnh, Ban Chỉ huy đoàn 962, đơn vị “bến” có nhiệm vụ chuyên tiếp nhận tàu không số từ miền Bắc vào chi viện quyết định tổ chức để tàu 69 bất ngờ rời nơi ẩn nấp. Từ 17h ngày 31-12-1966, tàu bắt đầu theo đường tìm ra cửa biển. Mọi việc tưởng như thuận lợi. Tuy nhiên, đến khi cách bờ khoảng 5km, vị trí phía sau báo cho thuyền trưởng biết có 1 tàu cao tốc của địch đang đuổi theo. Chúng chủ quan chạy cách tàu ta 50m và soi đèn vào tàu. Thuỷ thủ đoàn 69 được lệnh nổ súng. 3 khẩu B41, 2 khẩu 12,7 ly, 1 khẩu DKZ và các tay súng còn lại đồng loạt nhả đạn. Chiếc tàu cao tốc của địch bốc cháy sáng rực. Chỉ huy tàu 69 hội ý nhanh quyết định quay lại Vàm Lũng vì nếu đi tiếp địch sẽ vây đánh, tiêu diệt ta. Sau khi quay mũi, toàn bộ vũ khí, đạn dược được chuyển lên boong để sẵn sàng chiến đấu. Đến 22h30, địch dùng 2 máy bay thả pháo sáng từ Rạch Rấp đến Vàm Lũng, huy động tàu chiến, máy bay đánh chặn ở các cửa sông, huy động pháo từ bờ bắn vào hướng tàu 69… Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, chân phải của chiến sĩ báo vụ Phan Hải Hồ bị dính đạn. Mảnh đạn găm vào chân khiến xương chân dập nát, chỉ còn lớp da dính ngoài, máu chảy lênh láng. Tuy vậy, anh vẫn tiếp tục ôm súng bắn trả địch và chính anh đã khẩn thiết đề nghị đồng đội chặt đứt hẳn một phần chân bị thương dập nát của mình để tiếp tục chiến đấu suốt đêm phá vòng vây của tàu địch. Nhìn anh Hồ đau đớn nhưng không nao núng, đồng chí Tăng Văn Huyễn, Chính trị viên tàu 69 cảm động, nói to: “Nhân danh bí thư chi bộ, tôi tuyên bố từ giờ phút này, đồng chí đảng viên dự bị Phan Hải Hồ trở thành đảng viên chính thức của Đảng”. Mặc máy bay địch quần thảo trên trời, thả bom, bắn rốc két, các thuỷ thủ cuối cùng cũng đưa được tàu 69 lọt vào cửa vàm, thoát khỏi vòng vây của địch. Phan Hải Hồ và các chiến sĩ bị thương trên tàu được đồng đội đưa vào quân y viện điều trị. Ở đây, ông phải trải qua 3 lần phẫu thuật để bảo vệ tính mạng… Trong thời gian chiến đấu, rèn luyện trong quân đội, ông Phan Hải Hồ đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương và năm 2016 này, ông tròn 50 năm tuổi Đảng. Ghi nhận những đóng góp to lớn của ông, tháng 12-2015, tại Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, cựu thủy thủ Đoàn tàu không số Phan Hải Hồ đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cựu thủy thủ đoàn tàu không số Nguyễn Thanh An, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu chăm sóc cây cảnh
Cựu thủy thủ đoàn tàu không số Nguyễn Thanh An, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu chăm sóc cây cảnh.

Nghĩa tình đồng đội

Ông Phạm Xuân Hợi ở xã Hải Hòa (Hải Hậu), nguyên pháo thủ đoàn tàu không số bồi hồi nhớ lại: Mỗi chuyến tàu không số ra khơi, các thủy thủ đoàn không chỉ phải lo đối phó với địch mà cả những cuộc chiến với sóng to, gió lớn, những lúc bệnh tật. Những khi ấy, chỉ cần nghĩ về quê hương miền Bắc còn đói khổ, miền Nam còn chìm trong khói lửa chiến tranh và giữ vững niềm tin rằng, mỗi chuyến hàng thành công sẽ góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc là chúng tôi lại có động lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Chính những ngày tháng khó khăn, vất vả gian lao mà anh dũng ấy là lúc mọi người cảm nhận rõ nhất tình đồng đội chân thành, thắm thiết sống chết có nhau, và giúp họ được tôi luyện ý chí trung kiên, không sợ gian nguy, sẵn sàng đương đầu vượt qua khó khăn, gian khổ. Và những phẩm chất ấy bởi đã được tôi trong lửa đạn nên vô cùng bền vững, mãi tỏa sáng trong thời bình. Hiện nay, nhiều chiến sĩ đoàn tàu không số năm xưa là thương binh, bệnh binh, gia cảnh éo le, nhưng khi về với cuộc sống thời bình đều nỗ lực gìn giữ, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và tiếp tục học tập, phấn đấu, vươn lên. Nhiều người không ỷ lại dựa dẫm vào chế độ chính sách, chủ động học hỏi đầu tư phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đến năm 2011, Hội Truyền thống Tàu không số tỉnh Nam Định đã được thành lập. Hiện nay, Hội Truyền thống Tàu không số tỉnh đã quy tụ được 100 hội viên trong tổng số hàng chục nghìn bộ đội, thanh niên xung phong, hải quân, bộ đội Trường Sơn đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh. Tham gia sinh hoạt trong Hội Truyền thống, các chiến sĩ tàu không số năm xưa không chỉ được giao lưu, sẻ chia kỷ niệm mà còn tương trợ lẫn nhau về tình cảm, vật chất. Hội đã khai thác các nguồn lực xã hội và sự đóng góp của hội viên xây dựng Nhà Tình nghĩa tặng các hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; hỗ trợ chính sách và tìm kiếm mộ liệt sĩ. Bên cạnh đó, nhiều hội viên có điều kiện kinh tế đã thành lập doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện giúp đỡ các CCB, con em CCB có việc làm, ổn định cuộc sống. Bản lĩnh vượt khó, sáng tạo vươn lên để sống, chiến đấu và cống hiến của những chiến sĩ tàu không số năm xưa cũng như trong cuộc sống hôm nay đã viết nên bản hùng ca mà các thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi tự hào./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com