Minh bạch hóa thông tin thị trường bất động sản

09:01, 19/01/2016
Hiện nay lượng thông tin về quy hoạch đất đai, xây dựng, nhà ở, chính sách phát triển thị trường bất động sản (BĐS), đặc biệt là thông tin về các dự án BĐS đã phong phú, đa chiều và cập nhật hơn. Nếu như trước đây, thông tin được tung ra thị trường chủ yếu thông qua các kênh không chính thống, phổ biến kiểu “rỉ tai”, “truyền miệng”, thì nay thông tin về quy hoạch, dự án, hệ thống cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật, văn bản hành chính của các cơ quan Nhà nước liên quan đến đất đai, nhà ở, dự án đã được cập nhật thường xuyên hơn trên website của các bộ, ngành, địa phương, các trang tin điện tử chuyên ngành về nhà đất và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này cho thấy các cơ quan quản lý Nhà nước đã có sự chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin ra thị trường. Thị trường BĐS cũng dần được định hướng phát triển đáp ứng yêu cầu lượng thông tin đầy đủ và minh bạch hơn. Bên cạnh đó, khách hàng cũng đã có nhiều kinh nghiệm nên cảnh giác hơn với những thông tin ảo nên buộc chủ đầu tư phải chủ động cung cấp thông tin về dự án đầy đủ, kịp thời hơn để thu hút người mua. 
 
Tuy vậy, trên thực tế nhìn chung thông tin trên thị trường BĐS được cho là vẫn thuộc về người bán, khách hàng khó để biết được thông tin chính xác. Đáng chú ý, từ năm 2014, theo nhận định của các chuyên gia, trên thị trường bắt đầu có sự xuất hiện của những thông tin gây nhiễu khi giá cả của các dự án trên thị trường thiếu tính thống nhất. Thông thường, một sản phẩm BĐS được cấu thành từ nhiều yếu tố như tình trạng pháp lý, đặc điểm, tính chất, công năng sử dụng, chất lượng, quy hoạch, thực trạng các công trình hạ tầng, các dịch vụ về kỹ thuật và xã hội có liên quan đến BĐS… Số liệu thống kê về tình trạng thị trường hàng tồn kho… không thống nhất, nhiều nguồn nên khách hàng khó đánh giá được thông tin do người bán cung cấp. Các điểm môi giới BĐS thường xuyên tư vấn về việc giá nhà ở đã tăng và sẽ tăng thêm trong thời gian tới, trong khi thực tế tồn kho BĐS vẫn còn cao và ngay cả khi giá có dấu hiệu đi xuống. Chưa kể, một số trang web thường rao bán nhà với giá rẻ hơn giá của chủ đầu tư đưa ra, khi khách hàng gọi điện thì lấy lý do hết loại hàng giá đó và tư vấn sang căn khác với giá cao hơn. Hiện tượng này làm nhiễu thị trường, làm cho người mua nhà hay bị hớ. Tại tỉnh ta, thị trường BĐS gần đây đã dần hồi phục, tuy nhiên các giao dịch BĐS chưa được thống kê đầy đủ, các điểm hay trung tâm môi giới BĐS chưa được quản lý chặt chẽ. Thông tin về giá cả BĐS phụ thuộc hoàn toàn vào lời rao bán của chủ đầu tư hay chủ hộ cần bán nhà và ngã giá theo dạng tự “tham chiếu” xung quanh của người mua. Thông tin phần lớn được cung cấp đến người mua chủ yếu qua các kênh rao vặt, chuyên trang về mua bán nhà đất, BĐS… trên internet mà không có sự kiểm chứng xác thực nào từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. Chỉ có một số dự án như Nam Định Tower được định giá công khai và rao bán thông qua hệ thống thông tin chính thức. Hiện tại, dự án Nam Định Tower đã thi công xây dựng xong phần thô tòa 20 tầng. Cty đã tiến hành làm lễ cất nóc vào ngày 10-1, kịp thời bàn giao sơ bộ để khách có thể chỉnh sửa nội thất theo nhu cầu. Dự kiến các căn hộ sẽ được đưa vào sử dụng và bàn giao “sổ đỏ” vào quý II-2016. 
Xây dựng nhà ở dân dụng tại đường Nguyễn Thị Trinh, Khu đô thị mới Đông Đông Mạc (TP Nam Định).
Xây dựng nhà ở dân dụng tại đường Nguyễn Thị Trinh, Khu đô thị mới Đông Đông Mạc (TP Nam Định).
Tình trạng thiếu minh bạch thông tin của thị trường xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết bắt nguồn từ sự thiếu cập nhật trong hệ thống dữ liệu của cơ quan Nhà nước. Đồng thời, các thông tin về BĐS được phân làm nhiều mảng, do nhiều cơ quan khác nhau quản lý và chưa có sự kết nối liên hoàn nên muốn nắm bắt một cách đầy đủ phải qua nhiều đầu mối mà không phải khách hàng nào cũng làm được. Mặt khác, quy định về trách nhiệm công bố thông tin của các chủ đầu tư cũng bất cập. Theo pháp luật hiện hành, các tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải công khai thông tin tại sàn giao dịch BĐS và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, cơ chế kiểm tra, giám sát việc công bố thông tin BĐS lại có nhiều sơ hở, chưa kịp thời, chưa xử lý nghiêm những trường hợp cung cấp thông tin gian dối, thậm chí xào xáo thông tin để trục lợi. Đặc biệt, công tác nghiên cứu và đưa ra các báo cáo đánh giá định kỳ về toàn cảnh thị trường BĐS còn rất yếu, vai trò của thông tin chính thống trong định hướng đầu tư và tiêu dùng BĐS gần như vẫn bị bỏ ngỏ... Đây là kẽ hở rất lớn cho các thành phần cơ hội lợi dụng tung tin thất thiệt, đồn thổi, gây nhiễu thị trường. Theo đồng chí Bùi Đức Cần, Trưởng Phòng Quản lý nhà và thị trường BĐS (Sở Xây dựng) cho biết: Tình trạng thiếu minh bạch thông tin đang gây khó khăn rất lớn cho công tác quản lý Nhà nước đối với thị trường BĐS cũng như việc ra quyết định của các chủ thể tham gia thị trường. Về phía các cơ quan Nhà nước, do thiếu dữ liệu thống kê và thông tin chuẩn xác về tình hình thị trường, thống kê số lượng hợp đồng giao dịch nên việc ban hành pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến thị trường BĐS chưa kịp thời, hiệu quả. Về phía các chủ đầu tư, việc không nắm bắt kịp thời, đầy đủ thông tin về quy hoạch, chính sách đất đai khiến nhiều chủ đầu tư đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư hoặc đưa ra các quyết định đầu tư sai. Đối với người dân, việc thiếu thông tin chuẩn xác về tình hình cung cầu của thị trường cũng như về các chủ đầu tư khiến việc đầu tư mua bán thiếu hiệu quả, dễ dẫn đến tranh chấp hoặc chịu thiệt thòi. Chính điều này đã khiến người dân mất niềm tin vào chủ đầu tư, và đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thị trường phục hồi chậm. Tình trạng thiếu minh bạch thông tin đang cản trở sự phát triển lành mạnh và chuyên nghiệp của thị trường BĐS và đang tiếp tay cho sự lũng đoạn thị trường.
 
Thực trạng đó đặt ra yêu cầu đối với thị trường BĐS cần có một cơ quan thu nhận thông tin, dự báo tình hình, đánh giá nghiên cứu thị trường, kịp thời đưa ra những thông tin dự báo minh bạch, chính xác nhất cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà đầu tư và người dân về mặt thông tin cũng như hoạch định chính sách cho ngành phát triển. Chính vì vậy, ngày 12-11-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2015/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. Đây được coi là một quyết sách kịp thời đánh trúng vào điểm yếu, góp phần làm minh bạch thị trường BĐS, lấy lại niềm tin của khách hàng, hướng tới phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường. Cụ thể, hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS gồm: cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin về nhà ở và thị trường BĐS; hệ thống phần mềm phục vụ quản lý, vận hành, khai thác. Quá trình xây dựng và thiết lập hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS được xây dựng thống nhất trên toàn quốc nhằm cung cấp thông tin cơ bản về nhà ở và thị trường BĐS cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, phục vụ công tác quản lý Nhà nước và việc công bố các chỉ tiêu về nhà ở và thị trường BĐS, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống phải được xây dựng và quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước đảm bảo tính khoa học, thuận tiện cho việc khai thác và sử dụng. Các hành vi bị cấm trong việc xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS gồm: cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, không đúng thời hạn; làm sai lệch, hư hỏng, thất thoát thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS; chiếm giữ, tiêu huỷ trái phép, làm hư hại thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS; khai thác, sử dụng thông tin về nhà ở và thị trường BĐS trái với quy định của nghị định này và các quy định khác của pháp luật; cản trở việc khai thác, sử dụng thông tin về nhà ở và thị trường BĐS theo quy định. Đặc biệt, Sở Xây dựng sẽ giữ vai trò tham mưu cho UBND tỉnh về việc thu thập, cập nhật bổ sung, quản lý các thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS của địa phương. Theo đó, các sàn giao dịch BĐS, các văn phòng môi giới, chủ đầu tư BĐS phải cung cấp thông tin về hoạt động kinh doanh theo định kỳ hằng tháng, hằng quý về Sở Xây dựng. Sở TN và MT, Sở KH và ĐT, Cục Thuế các địa phương có nhiệm vụ phối hợp với Sở Xây dựng trong việc xây dựng dữ liệu thông tin về nhà ở, thị trường BĐS tùy theo lĩnh vực quản lý. Hiện tại, Sở Xây dựng đang yêu cầu Phòng Quản lý nhà ở và thị trường BĐS chủ động xây dựng các quy định quản lý về thông tin thị trường BĐS… Nghị định mới này được thực thi nghiêm túc, kịp thời, chắc chắn thị trường BĐS sẽ phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững hơn trong thời gian tới./.
 
Bài và ảnh: Đức Toàn
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com