Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi

09:03, 10/03/2015

Theo số liệu của ngành NN và PTNT, sản xuất nông nghiệp và thủy sản của tỉnh ta phát triển đã tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, đảm bảo các yêu cầu về an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh và trong vùng, một số sản phẩm nông sản, thủy sản đã được xuất khẩu ra nước ngoài. Trong khi đó, một khối lượng lớn phế phẩm nông nghiệp như: cám, tấm hoặc các loại nông sản khác như ngô, khoai, đậu tương… và phụ phẩm thủy sản khai thác như: cá nhỏ, phế phẩm sau chế biến (với khối lượng lên đến hàng chục nghìn tấn/năm) là nguồn nguyên liệu dồi dào, tại chỗ để phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi. Mặt khác, nhu cầu thức ăn chăn nuôi phục vụ gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản của tỉnh mỗi năm cần từ vài chục đến gần 100 nghìn tấn. Như vậy, những yếu tố “cần và đủ” gồm nguyên liệu tại chỗ và nhu cầu thị trường để phát triển ngành công nghiệp sản xuất thức ăn của tỉnh ta đã tương đối hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, sản xuất thức ăn phục vụ chăn nuôi là một trong những ngành sản xuất được Nhà nước khuyến khích phát triển với nhiều chính sách hỗ trợ về mặt bằng, thuế…

Sản xuất bột cá tươi làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Cty CP Thủy hải sản Biển Đông, xã Giao Thịnh (Giao Thủy).
Sản xuất bột cá tươi làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Cty CP Thủy hải sản Biển Đông, xã Giao Thịnh (Giao Thủy).

Tận dụng tối đa các tiềm năng, lợi thế trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có 2 doanh nghiệp ở huyện Hải Hậu là các Cty: CP chế biến thức ăn chăn nuôi Hải Hậu, TNHH Tân Hưng Hải đầu tư dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi với quy mô khoảng 500 tấn/năm. Trong các năm 2013, 2014, ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi của tỉnh tiếp tục có bước phát triển mới với 3 doanh nghiệp tham gia là các Cty: CP VINA-HTC (TP Nam Định), CP Thủy hải sản Biển Đông (Giao Thủy) và TNHH Sản xuất thương mại Đức Lương (Vụ Bản). Hai dây chuyền sản xuất bột cá tươi (làm nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi) của Cty CP Thủy hải sản Biển Đông có tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đồng, có công suất 3.000 tấn bột cá/năm. Để đảm bảo phục vụ sản xuất, Cty đã đầu tư xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ như: trạm biến áp công suất 100kVA, hệ thống lò hơi công suất 3.000 tấn hơi/giờ; cải tạo hệ thống cầu cảng dài 20 mét (để các phương tiện đánh bắt tải trọng đến 20 tấn cập cảng); 1 cần cẩu công suất nâng 6 tấn. Với quy trình sản xuất khép kín, tự động từ khâu cấp nguyên liệu, sấy - nghiền (ở nhiệt độ từ 150-180 độ C), sàng (lọc các tạp chất như: sắt, đá, xương…), bột cá thành phẩm được làm nguội tự nhiên bằng hệ thống quạt hút hơi nóng rồi mới đóng bao thành phẩm. Từ tháng 9-2014, dây chuyền sản xuất của Cty đã hoạt động ổn định, nguyên liệu sản xuất chính là các loại cá tạp, mỗi ca sản xuất (8 tiếng) có thể tiêu thụ được 20 tấn cá nguyên liệu, sản xuất được từ 5-5,5 tấn sản phẩm. Năm 2014, Cty TNHH Sản xuất thương mại Đức Lương đã đầu tư trên 5 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gia cầm, thủy cầm từ các sản phẩm nông nghiệp (ngô, thóc, cám, đậu tương, lạc…) tại xã Tam Thanh (Vụ Bản) với công suất 1.500 tấn sản phẩm/năm. Sản phẩm của Cty có 2 loại là dạng bột và dạng viên. Đầu tư bài bản và quy mô sản xuất lớn nhất là dây chuyền và hệ thống nhà xưởng của Cty CP VINA-HTC với tổng mức đầu tư trên 24 tỷ đồng, công nghệ sản xuất hiện đại, liên hoàn, nghiền, trộn, ép viên thức ăn có công suất trên 25 nghìn tấn sản phẩm/năm. Hiện tại, Cty đã sản xuất được 57 loại thức ăn chăn nuôi chất lượng cao phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Không chỉ có 5 doanh nghiệp nêu trên, một số hộ dân ở các xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng), Thị trấn Quất Lâm (Giao Thuỷ) cũng đầu tư dây chuyền sản xuất bột cá nhạt.

Tuy đã có bước phát triển khả quan nhưng ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi của tỉnh vẫn ở trong tình trạng “cung không đủ cầu”, vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Công suất tối đa (theo lý thuyết) của cả 5 doanh nghiệp chưa đủ cung ứng cho 1/3 nhu cầu của thị trường nội tỉnh. Mới có 2/5 doanh nghiệp sản xuất được sản phẩm thức ăn chăn nuôi hoàn chỉnh, các doanh nghiệp còn lại và cơ sở sản xuất nhỏ lẻ mới chỉ dừng ở mức sản xuất nguyên liệu (bột cá tươi, bột cá nhạt) cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi… ở ngoài tỉnh, thậm chí còn được xuất (theo đường tiểu ngạch, ký gửi) sang các nước khác. Hai doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hoàn chỉnh thì mới có Cty VINA-HTC đầu tư nghiên cứu phát triển đa dạng các dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu thức ăn cho cả gia súc, gia cầm, thủy sản và thành lập hệ thống đại lý cung ứng sản phẩm, có thị trường trong và ngoài tỉnh. Cty TNHH Sản xuất thương mại Đức Lương mới chỉ cung ứng sản phẩm cho các trang trại, gia trại chăn nuôi trong phạm vi huyện Vụ Bản. Vì thế, phần lớn nhu cầu thức ăn chăn nuôi phục vụ gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản của các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi trong tỉnh phụ thuộc vào sự cung ứng của các doanh nghiệp ngoài tỉnh hoặc nhập khẩu. Để tạo ra bước đột phá trong ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông sản từ ngành trồng trọt, nuôi trồng, khai thác hải sản cho nông dân, các ngành chức năng cần tham mưu cho tỉnh hoạch định chiến lược phát triển dài hơi, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư thiết bị, đưa công nghệ mới vào sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến nông sản nói chung và thức ăn chăn nuôi nói riêng./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com