Mô hình sản xuất lúa chịu mặn ở Giao Hải

07:06, 10/06/2014

Tỉnh ta có 110 nghìn ha đất nông nghiệp, trong đó có 79 nghìn ha đất trồng lúa. Diện tích đất nhiễm mặn, mặn nhẹ ở các địa phương ven biển có khoảng 12 nghìn ha, trong đó có 10 nghìn ha có thể chủ động tưới tiêu nước. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng khiến tình trạng xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp dẫn tới diện tích đất canh tác của tỉnh bị thu hẹp, môi trường bị ô nhiễm. Chủ động chuyển đổi, chọn lọc các loại giống cây, con phù hợp môi trường nhiễm mặn là yêu cầu bức thiết trong sản xuất nông nghiệp để ứng phó được với biến đổi khí hậu.

Để đảm bảo an ninh lương thực, trong vụ xuân năm nay, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) tỉnh đã phối hợp với Tổng Cty CP Giống cây trồng Thái Bình, Trạm Khuyến nông huyện Giao Thủy xây dựng “Mô hình sản xuất lúa chịu mặn vùng ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu” trên cánh đồng mẫu lớn với quy mô 50ha. Mô hình được thực hiện tại HTXDVNN Giao Hải, xã Giao Hải, là một trong những xã có diện tích bị nhiễm mặn lớn nhất tỉnh. Trung tâm KNKN tỉnh đã đưa giống lúa TX111 vào cấy trình diễn. Đây là giống lúa lai 3 dòng cảm ôn, thời gian sinh trưởng ở vụ xuân 130-140 ngày, vụ mùa 108-110 ngày, đẻ nhánh khỏe, dạng hình gọn, nhiễm nhẹ với bệnh đạo ôn, bạc lá, rầy, chịu thâm canh, thích ứng rộng và chịu chua mặn tốt. Vùng thực hiện mô hình là chân đất vàn, chủ động tưới tiêu. Giống đối chứng là giống BT7 và Nhị ưu 838, là các giống đang được gieo cấy phổ biến tại địa phương. Mục tiêu của mô hình nhằm đánh giá đặc điểm sinh trưởng, phát triển, khả năng chống chịu, tính thích ứng trên vùng đất chịu mặn, chịu thâm canh; đánh giá tiềm năng năng suất để chọn được giống có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh và vùng đất nhiễm mặn để bổ sung và thay thế các giống lúa đại trà hiện có.

Tham quan mô hình sản xuất lúa chịu mặn vùng ven biển tại xã Giao Hải.
Tham quan mô hình sản xuất lúa chịu mặn vùng ven biển tại xã Giao Hải.

Mặc dù vụ xuân năm nay gặp điều kiện thời tiết bất thuận: rét đậm, rét hại kéo dài, nhiều ngày nhiệt độ xuống dưới 150C, trời âm u, mưa phùn liên tục ánh sáng yếu làm cho cây lúa sinh trưởng phát triển chậm, đẻ nhánh muộn... tuy nhiên, qua theo dõi và đánh giá, giống lúa TX111 chịu rét tốt hơn khi giống BT7 phải dặm lại 50%; đẻ nhánh khỏe, thời gian sinh trưởng dài hơn 2 ngày so với giống Nhị ưu 838 và ngắn hơn 3 ngày so với giống BT7, thời gian trỗ dài hơn giống đối chứng. Ngay khi cấy, độ mặn trung bình đo được tại ruộng từ 1,5-1,7 phần nghìn, khi lúa đẻ nhánh - làm đòng, độ mặn tại ruộng là 0,4-1 phần nghìn nhưng giống TX111 vẫn sinh trưởng phát triển bình thường, còn các giống đối chứng bộ lá vàng, rễ kém phát triển hơn. Về khả năng chống chịu sâu bệnh, giống TX111 chống chịu tốt hơn so với các giống đối chứng, nhiễm nhẹ rầy nâu và bệnh đạo ôn. Bên cạnh đó, giống lúa TX111 sinh trưởng khỏe, cứng cây, bộ lá đứng, trỗ thoát cổ bông, bông to, tỷ lệ bông hữu hiệu cao hơn so với giống đối chứng, năng suất dự kiến đạt 95 tạ/sào. Theo hạch toán kinh tế, sau khi trừ các chi phí, giống TX111 mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 21,6 triệu đồng/ha so với giống Nhị ưu 838 và hơn 19,7 triệu đồng/ha so với BT7. Đồng chí Đào Viết Tâm, Giám đốc Trung tâm KNKN tỉnh cho biết: Giống lúa TX111 là giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt sử dụng được trong cả 2 vụ xuân, vụ mùa, đáp ứng nhu cầu bảo đảm an ninh lương thực. Năm 2013, Trung tâm đã khảo nghiệm tại Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); ở độ mặn 3,9 phần nghìn giống TX111 đạt năng suất 68 tạ/ha, trong khi đó giống BT7 chỉ đạt 37 tạ/ha và Nhị ưu 838 đạt 52 tạ/ha. Với diện tích đất nhiễm mặn của vùng ven biển có thể trồng giống này thay thế cho các giống lúa thuần hiện nay. Ông Trần Văn Viên, nông dân đội sản xuất số 7, HTXDVNN Giao Hải cho biết: Nhà ông có 6 sào ruộng, những năm trước ông cấy giống lúa BT7 và một số giống lúa lai, tuy nhiên, do ruộng nhiễm mặn nặng nên năng suất không cao. Khi cấy giống TX111, ông thấy bông dài, nhiều hạt hơn hẳn các giống ông đã cấy trước đây và đây là vụ có năng suất cao nhất từ trước đến nay, chất lượng gạo ngon. Cũng như ông Viên, nhiều bà con nông dân trong HTX đánh giá giống lúa TX111 là giống lúa có năng suất cao nhất, chất lượng gạo tốt và có khả năng chống chịu mặn, sâu bệnh cao nhất. Trong thời gian tới, huyện Giao Thủy sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất giống lúa TX111 ra các xã ven biển của huyện./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com