Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng dân số

08:06, 04/06/2014

Chị Trần Thị Trang ở phường Hạ Long (TP Nam Định) có con nhỏ được 18 tháng tuổi. Khi sinh con, chị không có nhiều sữa. Được mấy người bạn giới thiệu một loại sữa ngoại rất tốt cho sự phát triển của trẻ nên chị mua ngay về cho con uống, nào ngờ từ đó cháu “chê” luôn sữa mẹ. Đến tuổi con ăn dặm, do làm mẹ lần đầu, chưa có kinh nghiệm nên chị thường xuyên lên mạng in-tơ-nét tìm hiểu những món ngon, bổ để mua về chế biến, ép cho con ăn. Do đó cháu bé luôn trong tình trạng thừa dinh dưỡng. Tuy nhiên, trái với sự mong đợi của chị, cả mấy tháng trời, cháu không tăng cân mà còn mắc bệnh "sợ ăn". Đưa con đến bác sĩ khám, chị càng ngạc nhiên khi biết con mình bị suy dinh dưỡng. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp đã xảy ra do các bà mẹ thiếu kiến thức về dinh dưỡng trong chăm sóc trẻ em.

Hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ có con dưới 2 tuổi ở xã Xuân Ninh (Xuân Trường).
Hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ có con dưới 2 tuổi ở xã Xuân Ninh (Xuân Trường).

Theo kết quả điều tra mới đây của Viện Dinh dưỡng quốc gia, nước ta hiện có 1/3 trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc, gần 1/5 trẻ bị thiếu cân. Không chỉ bị suy dinh dưỡng thể còi cọc, thiếu cân mà còn xảy ra tình trạng trẻ thừa cân cũng bị suy dinh dưỡng. Tại tỉnh ta, những năm gần đây, mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể về tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em, song suy dinh dưỡng vẫn còn là vấn đề nan giải. Nguyên nhân chính là do nhiều bà mẹ thiếu hiểu biết về dinh dưỡng, nuôi con không đúng cách và thực hành cho ăn bổ sung nghèo dinh dưỡng. Trẻ bị suy dinh dưỡng không chỉ làm giảm sức đề kháng trước bệnh tật mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, trí tuệ. Những năm qua, thực hiện “Chiến lược dân số và SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020”, “Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, các đơn vị thuộc Sở Y tế đã có những đóng góp tích cực trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã triển khai các mô hình, đề án như: tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc chẩn đoán trước sinh, sơ sinh; tổ chức thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ… Trung tâm CSSKSS tỉnh đã thực hiện tốt công tác CSSK bà mẹ và dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em. Mạng lưới cán bộ CSSKSS và cải thiện dinh dưỡng trẻ em được củng cố, kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở hoạt động hiệu quả; trong đó Trung tâm CSSKSS tỉnh là cơ quan đầu mối trực tiếp tổ chức, triển khai, chỉ đạo và thực hiện. Mặc dù kinh phí của các dự án từ chương trình mục tiêu quốc gia thường cấp chậm song Trung tâm đã chủ động triển khai các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình. Công tác CSSK bà mẹ được đẩy mạnh vì đây được coi là yếu tố quan trọng, quyết định sự ra đời những công dân khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Hằng năm, các chỉ tiêu về CSSK bà mẹ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra với chất lượng ngày càng được nâng cao. Số phụ nữ được khám thai, khám và điều trị phụ khoa; phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đỡ, được tiêm vắc-xin uốn ván đủ liều, được khám ít nhất 3 lần trong thai kỳ; số bà mẹ/trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh ngày càng tăng. Thực hiện dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, Trung tâm CSSKSS tỉnh đã tập trung củng cố mạng lưới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Số CTV dinh dưỡng mới và chuyên trách dinh dưỡng được cập nhật kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng, tập huấn kỹ năng triển khai các hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em ở cơ sở đạt 100%. Hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông được đẩy mạnh. Tại tuyến tỉnh, Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh đã xây dựng các chuyên mục, đưa nhiều tin, bài về hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em và tăng thời lượng, nội dung tuyên truyền vào các dịp: Tháng hành động vì trẻ em, Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ, Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển, Ngày Vi chất dinh dưỡng. Tại tuyến huyện và xã đã phát huy tốt vai trò của hệ thống đài phát thanh, truyền thanh, tập trung tuyên truyền các nội dung: lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng, chăm sóc trẻ bị bệnh, theo dõi tăng trưởng trẻ em bằng biểu đồ tăng trưởng theo chiều cao và cân nặng. Các lớp thông tin, giáo dục truyền thông dinh dưỡng kết hợp với kỹ thuật chế biến thức ăn hợp lý được tổ chức tại các thôn, xóm cho bà mẹ có con dưới 2 tuổi, bà mẹ có thai, bà mẹ có con suy dinh dưỡng. Trung tâm CSSKSS tỉnh còn phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho CTV dinh dưỡng để đội ngũ này có thêm kiến thức, kỹ năng truyền tải thông tin đến các bà mẹ. Để đảm bảo cho mỗi trẻ em sinh ra đều khỏe mạnh, công tác chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai luôn được quan tâm. Hằng năm, tỷ lệ phụ nữ đẻ được quản lý thai; được khám thai và tư vấn ít nhất 3 lần trong 3 thai kỳ đều đạt cao. Số bà mẹ có con dưới 2 tuổi và phụ nữ có thai được dự lớp thông tin giáo dục truyền thông dinh dưỡng kết hợp với chế biến thức ăn ít nhất 1 lần/năm. Hầu hết trẻ dưới 2 tuổi được cân nặng, đo chiều cao ít nhất 3 tháng/lần; trẻ dưới 5 tuổi được cân, đo để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng nhân Ngày Vi chất dinh dưỡng 1 và 2-6 hằng năm. Cùng với những đóng góp tích cực của ngành Y tế, công tác cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em đã được các cấp, các ngành, các đoàn thể quan tâm. Huyện Hải Hậu đã tổ chức thành công Hội thi CTV dinh dưỡng để truyền thông trực tiếp cho bà mẹ mang thai, bà mẹ có con dưới 2 tuổi về vấn đề chăm sóc dinh dưỡng. Đặc biệt, Hội Phụ nữ đã phát huy vai trò trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em. Cuối năm 2013, “Ngày hội vi chất dinh dưỡng” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Quỹ Unilever Việt Nam, nhãn hàng Knorr phối hợp tổ chức tại 16 tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có tỉnh ta, thực sự là diễn đàn nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ về dinh dưỡng hợp lý, sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng vào bữa ăn của gia đình.

Đến hết năm 2013, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi theo cân nặng trên địa bàn tỉnh chỉ còn 13,83%; suy dinh dưỡng theo chiều cao còn 18,7%. Tuy nhiên, để đạt kết quả cao hơn trong việc cải thiện bền vững tình trạng dinh dưỡng đối với trẻ em cần có sự quan tâm hơn nữa của tỉnh, sự chung tay góp sức của các ban, ngành, đoàn thể, nhất là lực lượng phụ nữ, thanh niên./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com