Để công tác xuất khẩu lao động ở tỉnh ta phát triển bền vững

05:10, 20/10/2012

Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, công tác XKLĐ ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả bước đầu. Năm 2011, toàn tỉnh xuất khẩu 3.006 lao động, đạt 100,2% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, có 18 trường hợp đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân; gần 1.000 lao động xuất khẩu qua các doanh nghiệp về tuyển tại địa phương; gần 2.000 lao động xuất khẩu qua các doanh nghiệp không tuyển lao động trực tiếp trên địa bàn tỉnh. Số lao động xuất khẩu tập trung chủ yếu ở thị trường: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a... Các huyện làm tốt công tác XKLĐ là: Hải Hậu, Nam Trực, Thành phố Nam Định.

Năm 2011 có 8 doanh nghiệp XKLĐ được Bộ LĐ-TB và XH cấp phép hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài đăng ký tổ chức tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh. Một số doanh nghiệp đã làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn cho người lao động nên đã tuyển chọn và đưa được số lượng lớn lao động đi XKLĐ như: Cty CP SIMCO Sông Đà, Cty CP Phát triển nguồn nhân lực LOD, Cty CP XNK vật tư thiết bị đường sắt... Trong 9 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh đã XKLĐ 1.740 lao động, đạt 58% kế hoạch năm (chỉ tiêu kế hoạch năm 2012 là 3.000 lao động). Sở LĐ-TB và XH đã thẩm định và giới thiệu 4 doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB và XH cấp phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài về tuyển lao động tại thị trường Đài Loan, Ma-lai-xi-a, A-rập-xê-út và Xinh-ga-po tại các huyện, thành phố. Công tác quản lý Nhà nước về XKLĐ được tăng cường, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong việc tổ chức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước có liên quan đến công tác XKLĐ; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về XKLĐ. Năm 2012, Sở LĐ-TB và XH đã xây dựng kế hoạch công tác giải quyết việc làm trong đó giao chỉ tiêu XKLĐ đến các huyện, thành phố để triển khai thực hiện có hiệu quả; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về XKLĐ cấp huyện, xã; tăng cường công tác tuyên truyền về XKLĐ; thẩm định, tiếp nhận và giới thiệu các doanh nghiệp có uy tín, năng lực được Bộ LĐ-TB và XH cấp phép hoạt động XKLĐ về tuyển lao động tại 10 huyện, thành phố đảm bảo không có sự chồng chéo giữa các doanh nghiệp khi tuyển lao động. Các doanh nghiệp về tỉnh tuyển lao động đã chủ động phối hợp với chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền, tư vấn, đối thoại trực tiếp với người lao động, hướng dẫn người lao động chọn thị trường lao động phù hợp với chi phí thấp.

Tư vấn cho người lao động tham gia thị trường xuất khẩu lao động tại Sàn giao dịch việc làm tỉnh.
Tư vấn cho người lao động tham gia thị trường xuất khẩu lao động tại Sàn giao dịch việc làm tỉnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác XKLĐ ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế. Hệ thống các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh hoạt động chưa đủ mạnh để thực hiện chức năng khai thác nguồn lao động, do đó, số lượng lao động đi XKLĐ qua các trung tâm thấp, chưa đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Một số doanh nghiệp có chức năng XKLĐ về tuyển lao động tại tỉnh thực hiện tuyên truyền nửa vời hoặc không đúng với những thông tin cung cấp cho người lao động và chính quyền địa phương dẫn đến người lao động mất niềm tin vào doanh nghiệp. Chất lượng lao động tham gia XKLĐ còn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông (chiếm tới 80% tổng số lao động đi XKLĐ). Một bộ phận người lao động tham gia XKLĐ tác phong làm việc yếu, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật chưa cao, không thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết, bỏ trốn ra ngoài làm ăn bất hợp pháp hoặc vi phạm pháp luật của nước sở tại nên phải về nước trước thời hạn, làm ảnh hưởng đến công tác XKLĐ của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về lĩnh vực XKLĐ của cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự sâu sát; sự phối hợp của một số hội đoàn thể ở một số nơi chưa cao và thiếu sự thống nhất. Đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết việc làm - XKLĐ đều kiêm nhiệm nên chưa tập trung nhiều thời gian để tham mưu, tổ chức thực hiện công tác XKLĐ đạt hiệu quả.

Để công tác XKLĐ ở tỉnh ta phát triển bền vững, thời gian tới các cấp, các ngành cần tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát chặt chẽ công tác tuyển chọn lao động. Ngăn ngừa và xử lý kịp thời những vi phạm của các tổ chức, cá nhân môi giới, lừa đảo làm thiệt hại kinh tế đối với người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người lao động trau dồi kiến thức, tay nghề để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sử dụng lao động của nước sử dụng lao động. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn lực lao động phục vụ công tác XKLĐ. Với doanh nghiệp có trường dạy nghề, nên tập trung đào tạo một số nghề có thế mạnh, đủ điều kiện mà thị trường cần. Với những nghề mà các doanh nghiệp chưa đào tạo được, cần hợp tác chặt chẽ với các tổ chức đào tạo nghề để tuyển sinh, thực hiện đào tạo nghề sát yêu cầu, trình độ mà đối tác nước ngoài đang thiếu. Lựa chọn từ học sinh, sinh viên của các trường có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài để bồi dưỡng, bảo đảm đáp ứng yêu cầu cung ứng lao động theo hợp đồng nhằm mang lại hiệu quả và rút ngắn thời gian chờ đợi xuất cảnh của người lao động./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com