Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp

07:10, 17/10/2012

Trước những diễn biến phức tạp của đời sống kinh tế - xã hội, nhu cầu giám định ở lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự... hằng năm đều tăng. Thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự cố gắng của các ngành chức năng, thời gian qua công tác giám định tư pháp đã có chuyển biến tích cực, góp phần hỗ trợ đắc lực cho hoạt động tố tụng, giúp các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử giải quyết các vụ án chính xác, khách quan và đúng luật.

Tỉnh ta hiện có 3 cơ quan giám định tư pháp là Trung tâm Pháp y, Trung tâm Giám định pháp y tâm thần (Sở Y tế), Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh). Thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11-2-2010, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 35, ngày 12-10-2010 và thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án. Kế hoạch thực hiện đề án của UBND tỉnh được triển khai thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường củng cố tổ chức và nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Các ngành chức năng như Sở Tư pháp, Sở Y tế, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch củng cố, kiện toàn và đầu tư phát triển các tổ chức giám định tư pháp của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu giám định tư pháp trong cải cách tư pháp. Sở Tư pháp là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo thực hiện đề án của tỉnh đã chủ động rà soát lực lượng giám định viên tư pháp trên địa bàn tỉnh, đồng thời nắm bắt nhu cầu giám định của các cơ quan tố tụng để tham mưu với UBND tỉnh củng cố, kiện toàn, bổ sung giám định viên. Công an tỉnh thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho giám định viên trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự và pháp y như: Cấp kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác giám định; quan tâm đào tạo nguồn giám định viên kỹ thuật hình sự và pháp y. Tòa án nhân dân, Viện KSND tỉnh thường xuyên theo dõi, nghiên cứu các quy định về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính theo nguyên tắc đảm bảo sự bình đẳng của các bên tố tụng, đặc biệt là việc cung cấp các kết luận giám định với tư cách là một loại chứng cứ; tăng cường sự tham gia phiên tòa của người giám định tư pháp trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, hoặc trong những trường hợp mà kết luận giám định là căn cứ có tính chất quyết định cho việc giải quyết vụ án; nghiên cứu và đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp khi tiến hành giám định trong quá trình tố tụng...

Giám định viên Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh), giám định tài liệu giúp cơ quan điều tra giải quyết các vụ án.
Giám định viên Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh), giám định tài liệu giúp cơ quan điều tra giải quyết các vụ án.

Qua gần 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, chất lượng kết luận giám định của các giám định viên được nâng lên rõ rệt, phục vụ đắc lực công tác điều tra, truy tố, xét xử. Tại Trung tâm Giám định pháp y tâm thần tỉnh, tuy chỉ có 4 giám định viên, hoạt động lồng ghép với Bệnh viện Tâm thần tỉnh nhưng hoạt động giám định pháp y tâm thần đạt chất lượng, hiệu quả cao. Mỗi năm Trung tâm giám định từ 20-30 trường hợp theo yêu cầu, kết quả giám định đều được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận.

Trong số các vụ việc phải giám định tư pháp, nhiều nhất là giám định kỹ thuật hình sự, thực hiện tại Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh). Hiện nay, phương tiện làm việc của đơn vị đã cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác giám định. Năm 2011, đơn vị được bổ sung kinh phí mua sắm một số phương tiện phục vụ công tác giám định như: cân điện tử, máy tính xách tay và được UBND tỉnh cấp 500 triệu đồng trang bị máy phát hiện ma túy nên đã phát huy hiệu quả cao trong công tác giám định. Năm 2012, các tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh đã giám định 1.423 trường hợp. Trong đó, Phòng Kỹ thuật hình sự giám định 1.341 trường hợp; Trung tâm Pháp y 65 trường hợp; Trung tâm Giám định pháp y tâm thần tỉnh 17 trường hợp; kết quả giám định đảm bảo tính khách quan, chính xác, chưa để xảy ra khiếu nại, tố cáo, chậm trễ khi cơ quan tiến hành tố tụng có yêu cầu giám định.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động giám định ở tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế như: Các giám định viên chủ yếu hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm tại các tổ chức giám định tư pháp. Việc tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho giám định viên tư pháp chưa thường xuyên, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động giám định tư pháp nói chung và giám định pháp y nói riêng...

Để công tác giám định tư pháp phục vụ tốt hơn công tác giải quyết vụ án, các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm khắc phục các tồn tại, vướng mắc trong công tác giám định tư pháp. Xây dựng Luật Giám định tư pháp theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giám định, bảo đảm quyền yêu cầu giám định của người tham gia tố tụng, có cơ chế đảm bảo tính khách quan, minh bạch của hoạt động giám định, bảo đảm kết luận giám định thực sự là nguồn chứng cứ quan trọng để chứng minh sự thật của các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, tăng cường hoạt động giám định phục vụ nhu cầu xã hội, của nhân dân ngoài hoạt động tố tụng. Tăng cường công tác phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về giám định tư pháp cho đội ngũ tiến hành tố tụng; nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân có liên quan và toàn thể xã hội về vị trí, vai trò và nội dung của giám định tư pháp. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý hoạt động giám định tư pháp với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về công tác giám định tư pháp. Tổ chức tốt việc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp, các văn bản pháp luật về công tác giám định tư pháp cho các tổ chức giám định và giám định viên tư pháp. Tiếp tục củng cố, kiện toàn cơ sở vật chất trang thiết bị cho giám định viên tư pháp. Tạo điều kiện để giám định viên tư pháp quản lý khai thác, sử dụng các thiết bị chuyên dụng của các cơ sở khoa học kỹ thuật và tổ chức chuyên môn của cơ quan, đơn vị vào hoạt động giám định tư pháp./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com