Nghề đồng nát quê tôi

08:10, 19/10/2012

Trong cái nắng hè oi ả, ở trên từng con đường, góc phố, vẫn ngày ngày vang lên những tiếng rao ngân dài “ai đồng chì, nhuôm bẹp, dép rách, xoong nồi, lông ngan, lông vịt bán đi…”. Không biết nghề đồng nát có tự bao giờ, tôi chỉ biết đó đã có từ khi tôi sinh ra.

Cách Thành phố Nam Định 20km, nơi người dân xã Nam Thanh (Nam Trực) sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng. Cuộc sống lam lũ, vất vả, quanh năm ngày tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" làm cũng không đủ ăn. Cả xã có trên 13.000 hộ dân thì có đến 80% làm nghề nông. Thu nhập thấp kém, tính bình quân một người được 1,2 sào ruộng, cuối vụ trừ hết những khoản chi phí, trung bình mỗi người được 100.000 đồng/tháng. Cuộc sống nghèo khó, phải đi lo ăn từng ngày. Những đứa trẻ cũng không được ăn học tử tế, có đứa chỉ học hết cấp 2 đã phải ở nhà phụ giúp cha mẹ. Để thoát nghèo, người dân quê tôi đã phải làm đủ thứ nghề, từ phu hồ, khuôn vác, cho đến… buôn đồng nát. Cái nghề “sáng cấy, chiều gặt” đầy khó khăn, cực nhọc. Âu, cũng chỉ để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, cho con cái được ăn học bằng bạn bằng bè.

Cơ cực nghề đồng nát

Người buôn đồng nát quê tôi bao gồm mọi lứa tuổi, thành phần. Họ bươn trải khắp mọi nơi, từ Hà Nội, Ninh Bình cho tới Thanh Hoá, Nghệ An. Chiếc “cần câu cơm” của họ đơn giản chỉ là một chiếc xe đạp, hai cái sọt và những tiếng rao ngân dài. Họ mua tất cả những gì mà người ta không dùng đến, từ tờ giấy báo cho đến lông ngan, lông vịt, vỏ lon bia, sắt thép han gỉ… “Tất cả đều được mua và bán theo cân, cứ mỗi cân lông ngan, lông vịt mua từ 30.000-40.000 đồng/cân, mỗi cân đồng được mua từ 90.000-100.000 đồng/cân” - chị Hà làm nghề đồng nát thôn Hạ Lao cho biết.

Những người buôn đồng nát thường sống xa gia đình. Họ chỉ trở về nhà khi vào mùa vụ, khi gia đình có công việc… Họ chấp nhận sống xa những đứa con thơ, những đứa trẻ thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ, sự chỉ bảo, dạy dỗ của người cha. Nhìn ánh mắt đã nhoè đi vì nước mắt, chị Nguyễn Thị Anh nghẹn ngào: “Sinh con ra mới được ba tuổi, đã bỏ con ở nhà cho bà chăm sóc, nhiều đêm thương và nhớ con lắm, chỉ biết khóc. Nhưng cuộc sống khó khăn, không đi thì lấy đâu ra tiền mà nuôi con. Nhìn những đứa trẻ thành phố được ăn mặc đẹp, được cha mẹ chúng chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, được bao bọc, chở che, đưa đón mỗi khi tan trường. Còn con mình thì nheo nhóc, không biết đến bộ quần áo mới ngày khai giảng, không có bữa cơm ngon cùng bố mẹ sum vầy và ngày sinh nhật với chiếc bánh gato thắp đầy nến chỉ có trong giấc mơ”. Cuộc sống đã thiếu thốn về vật chất, những đứa con của người buôn đồng nát còn thiếu luôn cả sự quan tâm, bàn tay chăm sóc của cha mẹ. Họ chỉ biết ngậm ngùi, nuốt nước mắt “mỗi lần đi là mỗi lần ứa nước mắt vì thương con, hễ cứ thấy bố mẹ đi là chúng lại ôm chân, vùng vằng nhất định không cho đi”. Dù không đành lòng xa chúng, nhưng vẫn phải dỗ dành, để cho chúng có cuộc sống khá hơn.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Một ngày buôn đồng nát như chị Hà, chị Anh, phải dậy từ 5 giờ sáng, đạp xe 50-60km đi mua phế liệu. Họ có đi xa như thế mới mong mua được nhiều hàng. Trong mỗi chuyến đi của họ là cả sự háo hức, mỗi tiếng rao là cả sự nhẫn nại, kiên trì. Dù ngày nắng hay ngày mưa, trời nóng hay giá rét, vẫn bộ quần áo đã bạc màu, vẫn đôi bàn tay chai sạn, cô Thu ở thôn Xối Tây vẫn miệt mài, cặm cụi nhặt từng túi ni-lon, vỏ bao xi măng, mong kiếm thêm chút thu nhập. Trên gương mặt của chị Hà, chị Anh nặng trĩu những lo toan: “Làm sao kiếm đủ tiền cho con ăn học, tiền sinh hoạt của chúng tháng này”.

Họ - những người đồng nát quê tôi đang cật lực lao động, tiết kiệm tất cả những thứ có thể, ngay cả từ bữa ăn. “Nếu ngày nào thu nhập cao thì mới dám ăn bát phở 15.000 đồng, còn không chỉ ăn cái bánh mì cho qua bữa rồi đi tiếp” - anh Đoài chia sẻ. Gặp những hôm trời mưa gió, không đi được hàng, những người phụ nữ còn đi giúp việc gia đình, dọn dẹp nhà cửa, những mong sẽ kiếm thêm chút thu nhập, gỡ được tiền ăn, tiền nhà ngày hôm đó.

Theo từng vòng bánh xe, có mặt trong từng ngõ ngách, tiếng rao ngân dài qua không biết bao nhiêu con phố. Vẫn nỗ lực làm, ấy vậy mà, đôi khi họ nhận lại là những lời cay độc, sự thoá mạ, khinh rẻ, coi thường: “cái bọn đồng nát này, có để cho người ta ngủ trưa không thì bảo”. “Nghe cũng buồn và tủi thân lắm nhưng vì cuộc sống mưu sinh, mình đành phải cố gắng, chỉ cần làm ăn lương thiện, không làm chuyện xấu là được” - chị Hà nói. Một ngày làm việc nặng nhọc, thu nhập của những người đồng nát cũng rất bấp bênh. Lúc “buôn may, bán đắt” thì kiếm được 100.000-200.000 đồng/ngày tiền lãi, có hôm mua phải đồ không bán được đành cắn răng chịu đựng, hay như những đợt gom hàng chờ khi được giá mới bán, lúc bán thì giá lại xuống, âm cả tiền vốn - anh Đoài, người có 20 năm trong nghề đồng nát cho biết. Thu nhập không nhiều nhưng những người làm nghề đồng nát quê tôi vẫn cố gắng với công việc của mình, bởi vì đối với họ, thu nhập từ nghề đồng nát vẫn còn gấp hơn nhiều so với thu nhập từ nghề làm ruộng.

Để tiết kiệm, những người làm nghề đồng nát thường chung nhau thuê phòng trọ. Mỗi phòng rộng 15m2, cứ 5-6 người/phòng, nằm trên những chiếc phản gỗ kê sát nhau. Mỗi tháng trả 200.000 đồng/người tiền nhà, bao gồm cả tiền điện, nước. Ngày làm việc vất vả, tối về họ cùng nhau quây quần, trò chuyện về kết quả của một ngày đi buôn. Có như vậy, nỗi nhớ nhà, nhớ con và những nhọc nhằn cũng vơi đi phần nào.

Đồng nát - nâng cánh ước mơ

Từ ngày làng có thêm nghề đồng nát, cuộc sống của những người dân quê tôi đã dần được cải thiện. Những ngôi nhà khang trang xây dựng ngày một nhiều, có gia đình nay đã là chủ các cửa hàng lớn chuyên thu mua phế liệu, có nhà mua được cả ô tô chở hàng. Tính riêng thôn Hạ Lao có trên 10 chiếc xe ô tô chuyên phục vụ cho việc vận chuyển hàng từ các nơi. Và khi kinh tế gia đình đã ổn định, những đứa trẻ cũng đã được quan tâm, đầu tư ăn học hơn. Bao nhiêu những khó khăn, vất vả, người cha, người mẹ đều cố gắng vượt qua cho con cái được học hành. Nói như anh Đoài “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Nhắc đến con, ánh mắt chị Thu như rạng rỡ hơn “đứa con gái học năm thứ hai Trường Đại học Thuỷ lợi, năm nào cũng nhận được học bổng. Đứa út năm nay cũng đỗ vào Trường Đại học Sư phạm 2”. Như hiểu được những vất vả của cha mẹ, những đứa trẻ quê tôi đều cố gắng học tập. Hằng năm, xã Nam Thanh có trên 30 em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước và tỷ lệ này ngày càng tăng. Trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012, cả xã có 38 em đỗ vào các trường với số điểm cao.

Hạnh phúc của những người buôn đồng nát là được nhìn thấy con cái trưởng thành, dù có phải làm bất cứ công việc gì, khó khăn gian khổ đến mấy, họ cũng sẽ vượt qua. Và, những con người lao động chân chính như thế, họ đáng được trân trọng. Bởi, trong xã hội, không có nghề nghiệp thấp kém, chỉ có những kẻ lười biếng, ỷ lại mới đáng xấu hổ. Tất cả những lao động có ích cho xã hội đều là vẻ vang./.

Đào Thị Hoa
(Thôn Hạ Lao, Nam Thanh, Nam Trực)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com