Kỷ niệm một lần tác nghiệp ở Trường Sa

08:06, 20/06/2012

Đặc thù nghề phóng viên, chúng tôi được đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người nhưng được đến với quần đảo Trường Sa, vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, vẫn là ước muốn của nhiều người trong nghề. Với tôi, niềm mong ước đó đã thành hiện thực khi tháng 5 vừa qua được tham gia Đoàn công tác của tỉnh ra thăm quân dân huyện đảo.

Các nhà báo đến với cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: PV
Các nhà báo đến với cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa.

Để chuẩn bị cho chuyến đi, tôi gửi email cho một số đồng nghiệp đã từng tác nghiệp ở Trường Sa nhờ “tư vấn” những kinh nghiệm cần thiết. Anh Mai Thanh Hải, một đồng nghiệp ở Hà Nội, từng nhiều lần ra Trường Sa công tác nhiệt tình hướng dẫn tỷ mỷ từ việc chuẩn bị thuốc chống say sóng đến chuẩn bị quà gì cho anh em lính đảo thì phù hợp, nhất là việc chuẩn bị phương tiện tác nghiệp. Trước ngày đoàn lên đường, đồng chí Tổng Biên tập xuống tận phòng, anh bắt tay, ân cần động viên tôi bằng mấy chữ “Sức khoẻ, an toàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Nhiều đồng nghiệp trong cơ quan cũng gặp gỡ động viên, dặn dò đủ điều, giúp tôi xoá đi những lo lắng ban đầu.

Tác giả đang tác nghiệp tại đảo Nam Yết.  Ảnh: PV
Tác giả đang tác nghiệp tại đảo Nam Yết. Ảnh: PV

Lịch trình và hoạt động của đoàn ra thăm Trường Sa rất sít sao, khẩn trương. Ngoài việc phải bám sát các hoạt động chính như thăm hỏi, tặng quà quân dân huyện đảo, tham gia các lễ khánh thành, lễ tưởng niệm, thăm các công trình văn hoá, tâm linh, gặp mặt con em quê hương… tôi cũng như các đồng nghiệp khác đều tận dụng tối đa khoảng thời gian vốn rất eo hẹp để tìm hiểu thông tin về đặc điểm, cuộc sống, nhiệm vụ của quân và dân trên mỗi đảo để có tư liệu viết bài. Tùy đặc điểm, yêu cầu của mỗi cơ quan báo chí mà anh em phóng viên trong đoàn có cách tác nghiệp khác nhau. Tôi đặt mục tiêu phải tiếp cận được nhiều cán bộ, chiến sỹ, người dân trên mỗi hòn đảo để tìm hiểu tâm tư, tình cảm cũng như cách thức quân dân nơi đây vượt qua những khó khăn, thiếu thốn để tổ chức, duy trì cuộc sống, sinh hoạt, trên hết là để luôn vững vàng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Ở các đảo nổi như Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, Trường Sa Lớn địa bàn rộng, có những đảo còn được ngủ lại qua đêm nên không gian, thời gian tác nghiệp không quá khó khăn. Ngay dưới những tán cây bàng vuông, phong ba, bão táp xanh mướt hay bên lề những buổi tối giao lưu văn nghệ, tôi đã có những cuộc chuyện trò, phỏng vấn thân tình, cởi mở, thoải mái với nhiều cán bộ, chiến sỹ, người dân và cả các nhà sư trên đảo. Nhiều chuyện chỉ cần nghe, không cần ghi chép, ghi âm cũng không thể quên. Nhưng ở các đảo chìm như Đá Nam, Đá Lát, Cô Lin, Đá Đông, Đá Tây và các nhà giàn, nơi đoàn đến thăm, việc tác nghiệp của các phóng viên không được thuận lợi. Trước hết, việc tiếp cận những nơi này thường rất khó khăn, nguy hiểm. Diện tích các đảo chìm và nhà giàn rất nhỏ, cùng lúc lại đón hàng trăm người lên thăm khiến các đảo chìm và nhà giàn vốn đã rất chật nay lại càng chật chội hơn. Cả khách và “chủ nhà” đều phải chen chúc. Trong điều kiện như vậy để chụp được một tấm hình, quay được một thước phim về các hoạt động khi đoàn đến thăm là chuyện không đơn giản. May thay anh em phóng viên đều có ý thức, tạo điều kiện cho nhau bằng cách sau khi ghi hình xong đều nhanh chóng rút lui nhường chỗ cho người kế tiếp. Nhắc đến chuyện này tôi lại nhớ đến đồng nghiệp Phương Nam của Đài PT-TH Nam Định cùng tham gia chuyến đi. Đồ nghề của truyền hình vốn rất lỉnh kỉnh nên ngay ngày đầu Nam đã “giao khoán” cho tôi việc cầm giúp chân máy và việc cầm micrô phỏng vấn hộ để anh quay phim. Nhiều lúc tôi bận tác nghiệp, vừa đặt vấn đề phỏng vấn được một ai đó, Nam lại loay hoay đi tìm người cầm hộ micrô, rất vất vả. Bù lại, trong suốt chuyến đi, chúng tôi được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Những lần được tham dự lễ chào cờ, duyệt binh trên các đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, ai cũng cảm thấy thật thiêng liêng, thấy tự hào, thấy yêu Tổ quốc vô cùng, yêu tha thiết biển đảo quê hương. Những lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo, lần nào cũng vậy, trang nghiêm và xúc động. Nhớ những gương mặt sạm đen vì nắng gió nhưng giọng nói, nụ cười thì rất hiền hậu của lính đảo. Nhớ câu nói của Thiếu úy Phạm Quốc Phương, quê Xuân Thành (Xuân Trường) ở đảo Nam Yết: “Khi nào báo in, truyền hình phát sóng anh nhớ báo cho em biết để em báo cho bố mẹ và vợ em ở đất liền xem nhé”. Nhớ cái dáng lụi cụi của Thiếu úy Nguyễn Mạnh Thi, quê xã Xuân Đài (Xuân Trường) hiện ở đảo Cô Lin khi cố lục tìm chiếc vỏ ốc trong ba lô tặng tôi trước giờ rời đảo. Nhớ buổi tối quây quần, ấm cúng bên những người thợ làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh (Giao Thuỷ) đang có mặt xây dựng công trình Nhà văn hoá trên đảo Nam Yết. Nhớ cả cảm giác “thót tim” khi xuồng tiếp cận nhà giàn DK1 để rồi vui đến trào nước mắt khi đặt chân được lên đây…

Trở về đất liền, tôi đã gửi gắm hết trách nhiệm, tình cảm của mình trong 5 kỳ báo về Trường Sa, vừa được Báo Nam Định đăng tải. Những người viết báo không mấy khi thoả mãn về những gì mình đã viết. Tôi cũng không ngoại lệ. Nếu mọi điều ước đều trở thành hiện thực, tôi ước sao mình có thêm nhiều khả năng, sự tinh tế để có thể phản ánh hết được vẻ đẹp cũng như sức sống mãnh liệt của quân và dân nơi quần đảo tiền tiêu này.

Cảm ơn nghề báo đã cho tôi được một lần đến với Trường Sa…

Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com