Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng (tiếp theo và hết)

07:06, 06/06/2012

[links()]

V - Trường Sa, những khoảnh khắc không quên

Dọc hành trình đến thăm các đảo nổi, đảo chìm ở quần đảo Trường Sa và nhà giàn ở thềm lục địa phía Nam, các thành viên trên tàu HQ 571  trải qua nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau nhưng xúc động hơn cả là khi tham dự lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc…

Các đoàn công tác từ đất liền ra thăm Trường Sa, khi qua vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma đều tổ chức lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong trận quyết chiến bảo vệ vùng biển này ngày 14-3-1988. Sáng ngày 7-5-2012, đúng Ngày truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam, khi đi qua vùng biển này, hơn 200 người trên tàu HQ 571, trong đó có các thành viên đoàn công tác tỉnh Nam Định cũng đã tổ chức lễ tưởng niệm các anh. Một lễ tưởng niệm trang nghiêm, xúc động. 24 năm trước, thời điểm đầu năm 1988, vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma của Việt Nam đã “dậy sóng”. Nhận định được tình hình các đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa có thể bị chiếm đóng, Quân chủng Hải quân hạ quyết tâm phải bảo vệ, đóng giữ được ba hòn đảo có vị trí chiến lược này. Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146, các hải đội 131, 132, 134 của Lữ đoàn 172 chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao... Ngày 12-3, tàu HQ 605 do thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn chỉ huy từ đảo Đá Đông được lệnh đến đóng giữ đảo Len Đao. Sau 29 giờ hành quân, sáng sớm ngày 14-3 tàu đến nơi, cắm được cờ Tổ quốc trên đảo. Sáng ngày 13-3, một mũi khác gồm tàu HQ 604 do thuyền trưởng Vũ Huy Trừ làm chỉ huy, tàu HQ 505 do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ làm chỉ huy, cùng với 2 phân đội công binh của Trung đoàn 83, 4 tổ chiến đấu thuộc Lữ đoàn 146 do Lữ đoàn phó Trần Đức Thông chỉ huy đến đóng giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin. Tàu 604 làm nhiệm vụ bảo vệ, đóng giữ đảo Gạc Ma. Tàu 505 thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, đóng giữ đảo Cô Lin. Đến nơi, hai tàu thả neo chưa được bao lâu thì tàu của đối phương xuất hiện. Bị uy hiếp nhưng các tàu 604, 505 vẫn kiên trì neo giữ quanh đảo. Tình hình căng thẳng, đêm đó, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho các đồng chí Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Huy Trừ chỉ huy bộ đội quyết giữ vững các đảo Gạc Ma, Cô Lin. Sáng ngày 14-3, khi tàu HQ 604 đang neo tại bãi đá Gạc Ma thì phát hiện 4 tàu của đối phương tiến lại gần… Và trong trận chiến khốc liệt bảo vệ chủ quyền biển đảo này, có một số cán bộ, chiến sỹ của ta đã anh dũng hy sinh…

Đảo Đá Lát hiên ngang giữa biển Đông khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Đảo Đá Lát hiên ngang giữa biển Đông khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

24 năm sau, trong lễ tưởng niệm các anh sáng ngày 7-5-2012, giọng Đại tá Nguyễn Đức Nho, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng hải quân rưng rưng xúc động: “Trong trận chiến đó, các cán bộ, chiến sỹ hải quân, công binh đã anh dũng, kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nêu cao bản lĩnh, trí tuệ, khí phách Việt Nam, với tinh thần chủ quyền Tổ quốc là trên hết. Không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, kiên quyết chiến đấu và chấp nhận hy sinh”. Ở chính vùng biển, nơi đồng đội năm xưa đã ngã xuống, Đại tá Nguyễn Đức Nho nghẹn ngào: “Mặc dù chúng ta đã làm hết sức mình nhưng đến nay, do điều kiện bất lợi, vẫn còn nhiều Anh hùng liệt sỹ vẫn đang phải nằm lại dưới biển khơi, với quần đảo quanh năm chịu nhiều bão tố. Các anh ra đi vì bảo vệ chủ quyền quần đảo, để lại nỗi đau tột cùng cho bao người thân, đồng đội”. Giơ tay chào những người đồng đội theo nghi thức nhà binh trong phút tưởng niệm, Thiếu tướng Trần Quang Tiến, Ủy viên Ban TVTU, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Nam Định đã bật khóc. Trong không khí trang nghiêm, xúc động, mọi người cùng lặng lẽ thả vòng hoa, lễ vật xuống biển để tưởng nhớ các anh. Nhiều người thả những con chim giấy gấp vội, cả những bao thuốc lá, những chiếc dao cạo râu khi còn sống các anh vẫn thường dùng… Tàu đã đi qua rất lâu nhưng không ai về phòng, tất cả vẫn nán lại trên boong nhìn mãi, nhìn mãi về vùng biển Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao, vùng biển nhiều bão tố, nơi nhiều chiến sỹ hải quân phải nằm lại vì chủ quyền biển đảo, như muốn nhắn gửi một điều gì đến hương hồn các anh... Không chỉ hy sinh trong những trận chiến với quân thù, để bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc, có rất nhiều lý do khác khiến những người lính vẫn phải ngã xuống. Tháng 12-1990, một cơn bão lớn, gió giật trên cấp 12 đã giật sập nhà giàn DK1/3 làm chỉ huy phó nhà giàn Trần Hữu Quảng, Trung uý quân y Trần Văn Là, trung sỹ cơ điện Hồ Văn Hiền hy sinh. Sáng ngày 13-12-1998 cơn bão Faith tràn qua biển Đông khiến nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị bão cuốn trôi, 9 người bị rơi xuống biển, 6 người được cứu còn lại 3 cán bộ, chiến sỹ Nguyễn Văn An, Lê Đức Hồng, Vũ Quang Chương, Tiểu đoàn DK1, Lữ đoàn 171 hy sinh. Lễ tưởng niệm các anh cũng đã được đoàn tổ chức trang nghiêm, xúc động khi qua vùng biển thuộc thềm lục địa phía Nam Tổ quốc trong chuyến đi này. Sự trang nghiêm, xúc động và nhiều nước mắt chúng tôi còn được trải qua khi đến viếng các nghĩa trang liệt sỹ mi ni trên các hòn đảo nổi ở Trường Sa. Các anh nằm ở đây đa phần còn rất trẻ, nhiều người mới chỉ hy sinh cách đây một, hai năm, có người chỉ cách đây vài tháng, tất cả đều vì bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc…

***

Trở về đất liền, chúng tôi mang theo bao nhiêu kỷ niệm về Trường Sa, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ai cũng thấy mình trưởng thành hơn. Trường Sa đã cho chúng tôi cảm nhận rõ hơn sự thiêng liêng của hai từ “Tổ quốc”. Trường Sa hôm nay đã khác xưa rất nhiều và đang ngày một gần đất liền hơn. Nhưng vẫn còn những mối hiểm nguy từ nhiều phía, vẫn còn những khó khăn, thiếu thốn không thể khắc phục được ngay trong một sớm một chiều. Và, những người lính vẫn đang phải ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bảo vệ, xây dựng những vùng biển đảo, phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc vì vậy là nhiệm vụ không chỉ của quân dân trên những hòn đảo tiền tiêu mà là nhiệm vụ chung của cả dân tộc, của hậu phương đất liền. Hơn lúc nào hết, Trường Sa nói riêng, những quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc nói chung đang cần sự sẻ chia, chung sức từ đất liền. Đoàn kết, chung tay xây dựng hậu phương đất liền ngày một phát triển, giàu mạnh, thực sự là hậu phương vững chắc hay tham gia các phong trào ủng hộ Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”, “Góp đá xây Trường Sa”, “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1”; chăm lo, giúp đỡ gia đình, thân nhân các cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ngoài đảo xa để các anh yên tâm, vượt qua khó khăn làm tròn nhiệm vụ bảo vệ biển đảo… đều là những hành động thiết thực, cần thiết để mỗi người ở đất liền hôm nay thể hiện tình yêu, trách nhiệm, góp sức xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng lãnh thổ thiêng liêng này của Tổ quốc…

Trần Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com