Vì sao dịch vụ hành chính công trực tuyến chưa được người dân tiếp cận?

09:06, 08/06/2012
Người dân tìm hiểu dịch vụ hành chính công trên mạng tại trang thông tin điện tử Thành phố Nam Định.
Người dân tìm hiểu dịch vụ hành chính công trên mạng tại trang thông tin điện tử Thành phố Nam Định.

Trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, việc triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến đóng vai trò quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu công khai, minh bạch hóa các thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước (CQNN). Theo mô hình dịch vụ hành chính công trực tuyến, thay vì phải đến văn phòng để giao dịch trực tiếp với CQNN, người dân chỉ cần thông qua mạng máy tính có kết nối Internet để giao dịch. Từ năm 2000 đến nay, tỉnh ta đã tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ cung cấp các dịch vụ hành chính công trực tuyến trên các trang thông tin điện tử. Theo thống kê của Sở TT và TT, đến hết tháng 6-2011, khối các cơ quan tỉnh có 17 đơn vị đã cập nhật 1.096 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 2 và có 3 đơn vị đã cập nhật 13 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh tại địa chỉ http://www.namdinh.gov.vn. Khối các cơ quan huyện đã cập nhật 136 dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức độ 2. Khối xã, phường, thị trấn đã cập nhật 80 dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức độ 2. Tuy nhiên, trên thực tế người dân, doanh nghiệp vẫn chưa thay đổi được thói quen sử dụng văn bản giấy. Tại 21 dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 2 và 3 dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 3 của Sở TT và TT cung cấp từ năm 2011, đến thời điểm này vẫn chưa có một tổ chức, cá nhân nào tham gia sử dụng. Tình trạng này đang diễn ra ở hầu hết các đơn vị trong tỉnh. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do hầu hết các sở, ban, ngành đều chưa đạt tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, ngay cả khi các địa phương hoặc đơn vị đã quan tâm đầu tư, đẩy nhanh tiến độ cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến nhưng cũng chưa đạt kết quả cao vì phần lớn nhân dân còn hạn chế về trình độ tin học. Năm 2010, Sở TT và TT đã triển khai thí điểm chương trình ứng dụng phần mềm quản lý văn bản trong công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết các thủ tục hành chính tại 2 huyện: Trực Ninh và Vụ Bản. Tại huyện Trực Ninh đã đầu tư cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin (CNTT), đảm bảo 100% cán bộ huyện có máy tính để làm việc; văn phòng UBND huyện đã ứng dụng phần mềm quản lý văn bản để lưu trữ dữ liệu với 95% văn bản giấy đã được số hóa thành văn bản điện tử trong năm 2011; xây dựng trang thông tin điện tử để cán bộ, nhân dân có thể truy cập tra cứu tài liệu. Tại huyện Vụ Bản, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, còn thực hiện nhiều chương trình nâng cao trình độ tin học cho cán bộ các đơn vị, đào tạo chuyên sâu đối với cán bộ phụ trách CNTT. Tuy nhiên, kết quả của chương trình cũng chỉ bước đầu nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức trong việc ứng dụng CNTT trong quản lý văn bản và thực hiện nhiệm vụ mà chưa đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn huyện. Đặc biệt, trình độ sử dụng máy vi tính và khai thác mạng Internet của người dân trên địa bàn tỉnh còn thấp và chưa đồng đều nên còn không ít người dân chưa biết đến các dịch vụ hành chính công trên mạng. Một số người biết dịch vụ này nhưng chưa đủ trình độ để sử dụng. Vì vậy, hiện nay các ban, ngành đã xây dựng được một hệ thống cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến tiện ích nhưng chưa thể phát huy hết tác dụng.

Từ những vấn đề nêu trên, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến nói riêng và việc ứng dụng thành công CNTT trong CQNN trên địa bàn tỉnh nói chung vẫn cần có thời gian. Để đạt mục tiêu trong giai đoạn 2011-2015, có 100% các CQNN từ cấp huyện, sở, ban, ngành hoặc tương đương có cổng hoặc trang thông tin điện tử, cung cấp các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 2 tới người dân và doanh nghiệp; đến năm 2015 và 2020 cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4; Sở TT và TT và các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp biết đến dịch vụ hành chính công trên mạng Internet và hiểu rõ về lợi ích của dịch vụ hành chính công trực tuyến. Các địa phương cần tập nâng cao trình độ ứng dụng CNTT một cách đồng bộ cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cũng như giúp người dân tự nâng cao trình độ về CNTT. Bên cạnh đó, các ban, ngành, địa phương phải được đầu tư xây dựng trang thông tin, cổng thông tin điện tử để cung cấp dịch vụ cho nhân dân./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com