Nghĩa Hưng bảo đảm an toàn các tuyến đê sông, đê biển

10:08, 02/08/2010

Huyện Nghĩa Hưng có 120 km đê, trong đó có 93,76 km đê sông, 26,3 km đê biển, 19 kè hộ bờ lát mái, 58 cống qua đê. Tuyến đê biển tuy đã được nâng cấp 12 km theo dự án PAM 5325, thân đê đắp bằng cát, bọc đất thịt nhưng công trình đang bị xói mòn, sạt lở mái kè và thân đê do nước to, sóng lớn. Những đoạn đê trực diện với biển, cao trình bãi đang bị thấp dần, gây sạt lở đến mái kè. Những năm gần đây, hệ thống đê kè Nghĩa Phúc và một phần của đê Nghĩa Phúc - Đông Nam Điền đã và đang được kiên cố mái và mặt bằng các cấu kiện bê tông nhưng do phải chịu sóng biển to, trực diện nên chỉ sau 2, 3 năm, mái kè bắt đầu xuất hiện các hố sập. Tuyến đê Cồn Xanh dài 7,8 km, cao trình mặt đê mới đạt +3,2, mặt đê rộng 4m, mái đê phía biển và phía đồng chưa đủ mặt cắt thiết kế, đê đắp bằng đất tại chỗ lẫn nhiều cát nên thường xuyên bị xói mòn, sạt lở mái khi có mưa hoặc nước to, sóng lớn. Các tuyến đê sông đã từng bước được nâng cấp hoàn thiện nhưng phần lớn chưa đủ mặt cắt thiết kế. Nhiều đoạn mặt đê đã được cải tạo song đang bị xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra và hộ đê. Nhiều đoạn sát chân đê là thùng đào, thùng đấu, ao hồ, bãi hẹp hoặc chân đê không có bãi như đoạn đê Tam Tòa, Chi Tây, kè 16... Các cống qua đê có khẩu độ từ 1m - 18m, nằm trên triền đê sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ và đê biển, chất lượng các công trình cơ bản đáp ứng yêu cầu tưới tiêu và phòng chống lũ bão ở cấp độ thấp. Tuy nhiên vẫn còn một số cống như Cốc Thành (xã Nghĩa Đồng), Chi Tây (thị trấn Quỹ Nhất), Thanh Hương (xã Nghĩa Bình), Phú Giáo (xã Nghĩa Hùng) do được xây dựng từ lâu, qua quá trình tôn cao, ấp trúc mở rộng nên phải xây nối dài, không bảo đảm chất lượng, cần phải xây dựng phương án bảo vệ và xử lý kịp thời trong mùa mưa bão.

   

Cống Lý Nhân trên đê sông Đáy thuộc địa phận xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) vừa được xây mới phục vụ công tác phòng chống lụt bão.
Cống Lý Nhân trên đê sông Đáy thuộc địa phận xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) vừa được xây mới phục vụ công tác phòng chống lụt bão.
Trước thực trạng đê sông, đê biển, mùa mưa bão năm nay, huyện Nghĩa Hưng xác định có 9 trọng điểm, trong đó, đoạn đê biển K6+616 đến K7+850 thuộc xã Nam Điền được xác định là trọng điểm cấp tỉnh. Các đoạn đê, kè: Triều - Chương Nghĩa; Hưng Thịnh; Tam Tòa; đê, kè 16; Chi Tây, Nghĩa Phúc; đê kè biển từ K00+00 đến K03+526 xã Nghĩa Bình; đê kè biển từ K03+256 đến K08+447 xã Nghĩa Thắng là những trọng điểm cấp huyện.

Với phương châm "chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục hậu quả khẩn trương và có hiệu quả", nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão lụt gây ra, huyện đã sớm kiện toàn ban chỉ huy PCLB từ huyện đến cơ sở, tổ chức tập huấn kỹ thuật hộ đê, diễn tập thực binh PCLB cho các xã có trọng điểm xung yếu. Đến nay, tại các trọng điểm cấp tỉnh, cấp huyện đã dự trữ trên 12 nghìn m3 đá hộc, 867 rọ, 3200m2 vải lọc, 48200 bao tải và nhiều loại vật tư khác. Bổ sung thêm 4000 bao nilon, 1100m3 đất tại các trọng điểm kè Triều - Chương Nghĩa, Hưng Thịnh, Cồn Xanh, Nghĩa Phúc, Thanh Hương và đê biển Nghĩa Thắng. Tổng lực lượng xung kích hộ đê của 9 cụm trọng điểm gồm 6755 người, trong đó lực lượng tuần tra 225 người, lực lượng xung kích 1820 người, lực lượng huy động 4710 người, chia thành từng tổ thay phiên nhau tuần tra, canh gác.  Ngoài vật tư dự trữ chống lụt bão thuộc nguồn vốn của Trung ương, tỉnh và huyện tập kết tại các điểm xung yếu, các xã, thị trấn chuẩn bị các loại vật tư thông dụng khác như tre, trà rào... bảo đảm số lượng, chất lượng, chủ động phương án xử lý tình huống khẩn cấp, bảo đảm sinh hoạt, điều kiện y tế cho lực lượng hộ đê, ổn định đời sống nhân dân trong vùng bị lũ lụt. Các xã có bối thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, phát hiện những sự cố của toàn bộ hệ thống công trình,  xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm, hộ đê toàn tuyến, phương án chống lũ cho vùng bối, chủ động di dân và quy trình vận hành bối theo quy định. Mỗi hộ dân trong huyện chuẩn bị 2 bao tải, 2 cây hoặc 2 cọc tre dài 2,5m trở lên. Các hộ ven đê chuẩn bị thêm 2 bao tải, quang gánh, cuốc, xẻng, mai... và các phương tiện vận tải như xe ô tô bán tải, thuyền, xe thồ sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh. Huyện khuyến khích các địa phương trồng tre chắn sóng, bảo vệ, quản lý theo quy định để tạo ra vành đai chắn sóng, đồng thời tạo ra nguồn vật tư dự trữ tại chỗ. Các xã, thị trấn không nằm trong trọng điểm cũng sẵn sàng bố trí lực lượng, phương tiện, dụng cụ để tăng cường cho các trọng điểm. Cùng với việc chủ động nguồn nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ", huyện Nghĩa Hưng còn tạo điều kiện thuận lợi và đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng xây dựng các công trình PCLB, đắp đê, làm kè thuộc kế hoạch tu bổ đê điều thường xuyên năm 2010, hoàn thành trước thời gian quy định như: Xử lý kè Nghĩa Phúc và 9 mỏ từ K10+410 đến K1358; đoạn Nghĩa Phúc - Đông Nam Điền  từ K11+462 đến K12+662; đắp đê Nam Điền - Nghĩa Hải từ K21+500 đến K26+300. Duy tu bảo dưỡng đê điều, san lấp ổ gà và rải đá cấp phối mặt đê tả Đào thuộc xã Nghĩa Minh; tả Đào, tả Đáy xã Hoàng Nam; rải đá cấp phối mặt đê tả Đáy xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Phú, Nghĩa Hải; tu bổ kè Chi Tây đoạn từ K197+655 đến K197+875 đê tả Đáy. Huyện chỉ đạo Cty KTCTTL, đội thủy nông các xã quản lý, điều hành tốt quy trình vận hành đóng mở cống, kết hợp chặt chẽ với các ngành giải tỏa vật cản, vi phạm làm ảnh hưởng đến dòng chảy trên sông. Trung tâm y tế huyện chuẩn bị dự trữ đủ cơ số thuốc dự phòng, tổ chức kiểm tra, bố trí lực lượng phòng chống ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, giữ gìn bảo vệ môi trường khi có bão, lũ xảy ra./.

Bài và ảnh: Thanh Thủy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com