Lương mới, giá mới… (!)

10:07, 19/07/2010

Giá một số mặt hàng điện lạnh tăng trong mùa nắng nóng. Ảnh: Dương Đức
Giá một số mặt hàng điện lạnh tăng trong mùa nắng nóng.
Ảnh: Dương Đức
Theo Nghị định số 28/2010/NĐ/CP, từ ngày 1-5-2010, Chính phủ quyết định điều chỉnh mức lương tối thiểu chung từ 650 nghìn đồng/tháng lên 730 nghìn đồng/tháng, áp dụng đối với cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị… Tuy nhiên, cùng với việc được hưởng mức lương mới, người tiêu dùng cũng đang phải chịu tác động bởi mặt bằng giá mới tăng ngay trước hoặc sau đó không lâu.

Vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, khi mức lương tối thiểu vẫn ở mức 650 nghìn đồng/tháng thì giá nhiều nhóm mặt hàng, nhất là nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu đã ngày một nhích dần lên. Trong tháng 1-2010, giá các loại lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày tăng cao phổ biến từ 10-12%, riêng các mặt hàng như: đồ uống, sữa, bánh kẹo, đường, rau quả tăng trên 20%; nhiều loại thực phẩm phổ biến như thịt gà, thịt bò, tôm, cá, hải sản tăng 10-20%... Giá gas bán lẻ của hầu hết các hãng đồng loạt tăng thêm 5000-10000 đồng/bình 12kg. Giá vật liệu xây dựng tăng khoảng 10%... Đến tháng 3 và 4, ngay sau khi giá xăng dầu tăng và có thông tin mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng, các nhóm mặt hàng này tiếp tục tăng giá bình quân 10-15%. Chị Trần Thị Hà, giáo viên trường THCS Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) cho biết, mức lương mới tuy có cải thiện một chút về thu nhập song vẫn chưa tương xứng so với mức tăng của các loại hàng hóa từ cuối năm 2009 đến nay. Không ít nhóm hàng, nhất là hàng thực phẩm tiêu dùng hàng ngày như dầu ăn, đường kính, sữa… mặc dù chưa thực sự chịu tác động ngay của việc tăng giá xăng dầu nhưng cũng nhanh chóng điều chỉnh giá. Riêng giá sữa trong năm 2009 cũng đã có 3 lần điều chỉnh, với mức tăng bình quân 7-10%, sang năm 2010 lại tiếp tục điều chỉnh tăng thêm với lý do thay đổi mẫu mã, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng đây là mặt hàng do số ít các doanh nghiệp, Cty được thực hiện phân phối nên giá dễ dàng bị nhà phân phối đẩy lên cao?!. Giá các loại dịch vụ sinh hoạt như giải khát, ăn sáng, giá nhà trọ cho công nhân, học sinh, sinh viên thuê… cũng đồng loạt tăng theo. Chị Ngô Thanh Huyền, phường Vỵ Xuyên cho rằng, khi xăng dầu hay một số nguyên liệu tăng thì giá nhiều mặt hàng lập tức được điều chỉnh tăng theo. Nhưng khi giá xăng dầu hoặc các nguyên liệu khác giảm giá thì rất ít mặt hàng giảm giá theo hoặc có giảm nhưng rất ít. Điều này ít nhiều khiến cho người tiêu dùng bị thiệt.

Trong xu hướng hàng hóa tăng giá như hiện nay, những người lao động tự do, nông dân và nhất là công nhân làm việc trong các doanh nghiệp… là những đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất. Đối với nông dân, giá phân bón, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… tăng cao trong khi giá nông sản như: rau quả, thịt gia súc, gia cầm luôn trong tình trạng không ổn định, tăng, giảm thất thường. Ngoài ra, họ còn phải chịu những thiệt hại không nhỏ do dịch bệnh, thời tiết gây nên. Trong khi đó, giá các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày khác cũng tăng cao khiến cho việc chi tiêu của họ khó khăn hơn. Bác Tạ Thị Mậu (Nam Trực) cho biết, năm nay, thu nhập của gia đình bác có cao hơn năm trước do giá nông sản tăng (thời gian tăng không kéo dài) nhưng không tích lũy được đáng kể do mức tăng của nhiều loại hàng hóa khác quá cao. Cụ thể như có thời điểm cả một xe rau mới mua được một cân thịt lợn ngon. Đối với công nhân, mặc dù lương đã được điều chỉnh cao hơn so với đầu năm song theo ý kiến của nhiều người, chưa kịp vui với mức lương mới thì đã chóng mặt với một loạt mức giá mới, từ giá lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng đến tiền nhà trọ (đối với công nhân ở xa), đó là chưa kể đến nhiều loại dịch vụ khác cũng tăng giá theo khiến không ít người phải loay hoay xoay xở để bảo đảm chi tiêu hàng ngày.

Từ nay đến cuối năm, thị trường hàng hóa thế giới cũng như trong nước còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Thời tiết, dịch bệnh còn có những yếu tố bất lợi, đặc biệt trong mùa mưa bão sắp tới. Dự tính nhu cầu tiêu dùng hàng hóa mang tính thời vụ và trong dịp cuối năm, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán có thể sẽ gây tác động tăng giá./.

Thủy Thanh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com