Đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ em

08:03, 29/03/2021

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 250 điểm tiêm chủng, trong đó có 229 điểm tiêm chủng tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn và 27 điểm tiêm chủng dịch vụ. Những năm qua, Nam Định luôn là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về công tác tiêm chủng và đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Tiêm chủng cho trẻ tại Trạm Y tế xã Nam Hùng (Nam Trực).
Tiêm chủng cho trẻ tại Trạm Y tế xã Nam Hùng (Nam Trực).

Tiêm chủng vắc-xin là một trong những biện pháp an toàn và hiệu quả nhất để phòng các bệnh truyền nhiễm, không chỉ cho trẻ em mà còn cho cả người lớn. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, những năm qua, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ trên địa bàn tỉnh đều đạt trên 95%. Đặc biệt, năm 2020, tỷ lệ trẻ sơ sinh tiêm vắc-xin viêm gan B đạt trên 80%, vượt ngưỡng tỷ lệ 70% theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Việc tiêm phòng cho trẻ em theo chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh được tiến hành đầy đủ, đúng lịch, giúp trẻ phòng tránh một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tỷ lệ các trẻ mắc bệnh có vắc-xin phòng bệnh trên địa bàn tỉnh đã giảm. Có những bệnh đến nay hoàn toàn không còn ghi nhận cháu nào mắc phải như uốn ván sơ sinh, liệt mềm cấp… Để đạt kết quả trên, Sở Y tế đã chỉ đạo các phòng chức năng, các tuyến triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các điểm tiêm chủng. Cùng với việc đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của việc tiêm chủng trong phòng bệnh, khuyến cáo người dân tích cực tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và đủ liều, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chỉ đạo các bệnh viện, trạm y tế các xã, phường, thị trấn chủ động rà soát, củng cố các điểm tiêm chủng đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định. Hàng năm, Sở Y tế tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế tuyến huyện phụ trách công tác tiêm chủng, cán bộ trực tiếp làm công tác tiêm chủng của các điểm tiêm chủng về khám sàng lọc; kỹ thuật tiêm chủng; theo dõi tình trạng và sức khỏe của trẻ sau khi tiêm; đặc biệt là xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng theo hướng dẫn tại Thông tư 51/2017 của Bộ Y tế. Chỉ những cơ sở tiêm chủng có cán bộ y tế đã được tập huấn, được cấp chứng chỉ và có kỹ năng về xử trí, cấp cứu sau tiêm chủng mới được tiến hành tiêm chủng; tất cả các cơ sở tiêm chủng đều có phác đồ xử trí phản vệ được treo tại điểm tiêm chủng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật là đơn vị đầu mối, có cán bộ giám sát chuyên môn từ khâu tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, sử dụng vắc-xin đến khâu đảm bảo tiêm chủng an toàn. Hàng tháng, Trung tâm y tế các huyện, thành phố tổ chức giao ban, rút kinh nghiệm về công tác tiêm chủng; tăng cường cán bộ có trình độ chuyên môn hỗ trợ tuyến xã trong công tác khám sàng lọc, theo dõi, xử lý sau tiêm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong quá trình triển khai; đồng thời tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng. Các đơn vị khám chữa bệnh phối hợp với các đơn vị y tế dự phòng trong công tác tiêm chủng và đảm bảo an toàn tiêm chủng; tăng cường thường trực cấp cứu tại đơn vị, sẵn sàng tiếp nhận những trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Tại các địa phương, công tác thống kê, quản lý chặt chẽ các đối tượng tiêm chủng gồm cả đối tượng sử dụng vắc-xin tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ, tránh nhầm lẫn, bỏ sót đối tượng. Các đơn vị y tế, các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư các trang thiết bị: dây chuyền lạnh, bơm kim tiêm đảm bảo yêu cầu về chuyên môn. Các điểm tiêm chủng tổ chức tiêm chủng đúng quy trình như: bố trí các bàn khám phân loại, bàn tiêm, bàn ghi chép, phòng theo dõi sau tiêm theo quy trình “một chiều” bảo đảm theo dõi tại chỗ đối tượng 30 phút sau tiêm chủng, đảm bảo chất lượng vắc xin, thực hiện đúng quy trình tiếp nhận, cấp phát, bảo quản và tổ chức tiêm đúng kỹ thuật. Thực hiện khám sàng lọc tư vấn trước khi tiêm, tư vấn đầy đủ cho gia đình, người được tiêm chủng về lợi ích và bất lợi trong tiêm chủng. Chỉ tiêm chủng khi đã giải thích đầy đủ và được sự đồng ý của gia đình, người được tiêm chủng. Tăng cường giám sát công tác tiêm chủng và xử trí phản ứng sau tiêm. Các điểm tiêm chủng đều đạt tiêu chí phòng tiêm theo Nghị định 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 34 của Bộ Y tế.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như: Vấn đề cung ứng vắc-xin ở cả trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ vẫn có lúc bị thiếu hoặc không đầy đủ dẫn đến việc trẻ bị lỡ mũi tiêm. Vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan, không cho con đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, hoặc có tâm lý hoang mang khi có thông tin về những trường hợp rủi ro sau khi tiêm nên không cho con đi tiêm chủng.

Thời gian tới, Sở Y tế tăng cường năng lực hệ thống quản lý và tổ chức triển khai công tác tiêm chủng thống nhất, đồng bộ và hiệu quả từ tuyến tỉnh đến các xã, phường, thị trấn. Tăng cường giám sát, hỗ trợ các bệnh viện, các điểm tiêm chủng thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tiêm chủng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng, về lợi ích của việc tiêm chủng phòng bệnh, vận động gia đình đưa 100% trẻ trong diện đi tiêm chủng đúng lịch, đúng thời gian. Tư vấn, hướng dẫn các bà mẹ, người nuôi trẻ kiến thức cơ bản về chăm sóc, theo dõi tình trạng và sức khỏe của trẻ sau khi tiêm, phát hiện những triệu chứng bất thường và đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời./.

Bài và ảnh: Minh Tân


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com