Chớ chủ quan với bệnh gout

06:06, 12/06/2019

Bệnh gout hay còn gọi là thống phong, là bệnh lý do chuyển hóa gây nên với tình trạng viêm đột ngột gây sưng, nóng, đỏ, đau ở khớp do sự lắng đọng axit uric trong máu nên người bệnh rất đau đớn.

Gout là bệnh do rối loạn chuyển hóa purin trong thận từ đó làm cho thận không thể lọc acid uric từ trong máu. Bình thường acid uric được hình thành trong cơ thể và là chất vô hại, chúng sẽ được đào thải qua nước tiểu và phân nhưng ở người bị gout, lượng acid uric không được thận lọc và thải ra ngoài nên nó tích tụ qua thời gian, khi nồng độ quá cao sẽ hình thành nên những hạt tinh thể nhỏ rồi tập trung lại ở khớp gây viêm, sưng và đau đớn cho người bệnh.

Đây là bệnh lành tính và có thể khống chế bằng thuốc cũng như phòng ngừa đợt cấp bằng việc thay đổi chế độ ăn.

Hầu hết các biểu hiện của bệnh gout thường kéo dài vài giờ trong 1 - 2 ngày.Tuy nhiên, đối với trường hợp nặng, cơn đau có thể xảy ra trong vòng vài tuần.Ngoài ra, có một số trường hợp bị gout từ 6 - 12 tháng với cường độ khác nhau và xảy ra mỗi ngày.Đây là một tình trạng khá nghiêm trọng cho nên cần phải đi khám ở bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức.

Đặc trưng của bệnh là những cơn đau đột ngột giữa đêm gây sưng đỏ ở khớp, đặc biệt là các khớp ở ngón chân cái, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các khớp khác như đầu gối, mắt cá chân, bàn chân và ít gặp hơn ở các khớp tay như bàn tay, cổ tay, khuỷu tay. Cột sống cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng thường rất hiếm.

Bệnh nhân bị bệnh gout cần được khám bệnh thường xuyên. Ảnh minh họa
Bệnh nhân bị bệnh gout cần được khám bệnh thường xuyên. Ảnh minh họa

Với đặc tính chuyên biệt là thường xảy ra đột ngột nên rất ít khi có dấu hiệu báo trước và thường xảy ra ở người đã từng mắc bệnh. Bệnh gout rất dễ phát hiện bởi các dấu hiệu:

- Khớp đau đột ngột, dữ dội, sưng tấy và thường xảy ra vào 2 - 3 giờ sáng

- Người bệnh có cảm giác nóng và đau khi đụng vào khớp bị viêm.

- Vùng da chỗ khớp bị viêm chuyển sang màu đỏ

- Sờ vào vùng khớp bị viêm cảm thấy ấm lên.

Thông thường, bệnh gout trải qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn tiềm ẩn, trong giai đoạn này, mức acid uric trong máu đã tăng lên nhưng vẫn chưa có biểu hiện gì của bệnh cho nên người bệnh không cảm nhận được

Giai đoạn xuất hiện bệnh, trong giai đoạn này, nồng độ acid uric tăng rất cao và bắt đầu có sự hình thành các tinh thể và xuất hiện ở các khớp viêm.Trong giai đoạn này, người bệnh sẽ cảm thấy đau khớp nhưng cơn đau thường không kéo dài và sau một thời gian sẽ xuất hiện các biểu hiện khác của bệnh với cường độ và tần suất ngày càng gia tăng.

Giai đoạn biến dạng khớp, trong giai đoạn này, các biểu hiện của bệnh sẽ không biến mất và các tinh thể axit uric sẽ lắng đọng và gây viêm ở nhiều khớp nên làm cho các khớp xuất hiện các khối chất nổi dưới da gây nên tình trạng đau đớn nghiêm trọng hơn và có thể phá hủy sụn.

Tuy nhiên, hầu hết bệnh gout chỉ dừng lại ở giai đoạn xuất hiện bệnh, rất hiếm người có bệnh tiến triển đến giai đoạn biến dạng vì bệnh gout đã được điều trị đúng cách. Do đó, nếu thấy đau khớp bất thình lình và dữ dội, phải đi khám ngay vì hiện nay việc điều trị gout không quá khó khăn nên nếu phát hiện chậm sẽ làm cho bệnh nặng hơn và dẫn tới tổn thương khớp vĩnh viễn. Tuy nhiên, cũng cần phải đi khám ngay nếu bị sốt kèm đau và sưng tấy khớp, để loại trừ viêm khớp do nhiễm trùng.

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do thường xuyên ăn những thực phẩm chứa purine. Đây là chất có sẵn trong cơ thể, nhưng một số thực phẩm cũng chứa nhiều chất này, cho nên càng ăn nhiều purine, càng có nguy cơ cao mắc bệnh gout.

Tỉ lệ người mắc bệnh gout vào khoảng 1/200 ở người trưởng thành, bệnh không phân biệt tuổi tác và giới tính.Tuy nhiên, nam giới từ 30 - 50 tuổi thường mắc bệnh này nhiều hơn trong khi phụ nữ là trong giai đoạn sau mãn kinh. Bệnh ít khi xảy ra ở người trẻ và trẻ em...

Bên cạnh nguyên nhân chính là ăn nhiều thực phẩm chứa purine, còn có các yếu tố nguy cơ như:

- Chế độ ăn quá nhiều đạm và hải sản.

- Tuổi tác và giới tính. Bệnh xuất hiện nhiều hơn ở nam giới và người lớn tuổi.

- Uống nhiều bia.

- Béo phì.

- Tăng cân quá mức.

- Tăng huyết áp.

- Chức năng thận bất thường.

- Sử dụng một số loại thuốc nhất định. Những thuốc có thể làm tích tụ acid uric như:

Aspirin, làm tăng nguy cơ tích tụ acid uric nếu uống thường xuyên 1 - 2 viên mỗi ngày.

Thuốc lợi tiểu.

Thuốc hóa trị liệu.

Tiền sử mắc một số bệnh như đái tháo đường, suy giảm chức năng thận, bệnh tim, xơ vữa động mạch, tắc nghẽn mạch máu, bệnh truyền nhiễm, tăng huyết áp.

Cơ thể bị mất nước vì khi thiếu nước thì cơ thể khó loại bỏ acid uric qua nước tiểu, do đó làm tăng lượng acid uric trong cơ thể.Và lưu ý là “Không có các yếu tố nguy cơ thì không có nghĩa là không thể mắc bệnh”.

Hiện nay gout là bệnh lý rất thường gặp và ngày càng gia tăng trong khi việc điều trị bệnh lại ít có hiệu quả. Do đó, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là việc làm vô cùng cần thiết.

Từ trước đến nay, khi nói đến bệnh gout thường chỉ quan tâm đến acid uric máu và những cơn viêm khớp cấp, mà ít khi đề cập đến các biến chứng của bệnh.Bản thân người bệnh chưa có kiến thức đầy đủ về bệnh nên thường chủ quan, không quyết tâm kiên trì điều trị.Kết quả là việc điều trị bệnh gout tưởng như dễ nhưng rất ít người bệnh được điều trị một cách có hiệu quả.Nhiều trường hợp bệnh nhân khi đến với bác sĩ chuyên khoa thì đã kháng trị với các biện pháp điều trị thông thường.

Khi acid uric tích tụ lâu ngày sẽ tạo nên tinh thể urat natri và tinh thể urat natri lắng đọng ở đâu sẽ gây tổn thương ở đó. Khớp, thận, phần mềm quanh khớp, tim, mạch máu… là những nơi hay phát hiện thấy tinh thể urat natri. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, theo thời gian, tổn thương ngày càng nhiều và gây ra những hậu quả nặng nề.

Khi lắng đọng ở khớp, tinh thể urat natri gây viêm màng hoạt dịch, viêm hoạt dịch, phá hủy sụn khớp, tiêu đầu xương, làm cho khớp bị thoái hóa dần và sẽ dẫn đến mất khả năng vận động khớp, là hậu quả tất yếu của bệnh gout.

Nếu tinh thể urat natri tích tụ nhiều ở khớp sẽ tạo nên các khối gọi là tophi.Như vậy khi bị gout, tophi cùng với thoái hóa khớp sẽ gây ra biến dạng khớp.Tophi sẽ càng ngày càng to ra làm chèn ép mạch máu và thần kinh, gây các bệnh lý mạch máu và thần kinh ngoại biên.Ngoài ra, tophi có thể bị vỡ, khi đó sẽ làm cho vết thương khó liền, dễ bị nhiễm trùng, có trường hợp đã phải cắt cụt chi.

Tinh thể urat natri lắng đọng ở các ống thận sẽ gây viêm kẽ thận, làm tắc các ống thận, khi lắng đọng ở xoang thận có thể tạo thành sỏi thận, từ đó tất yếu sẽ dẫn đến suy thận.

Ngoài ra, tinh thể urat còn có thể gây viêm màng trong tim và cơ tim, tổn thương van tim rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Tinh thể urat cũng có thể lắng đọng ở những mảng xơ vữa trong lòng mạch, gây ra những tổn thương ở mạch máu làm giảm lưu thông máu, có thể gây tắc mạch, nhất là ở mạch vành của tim dễ gây tai biến tim mạch nguy hiểm.

Vì vậy, gout là một bệnh nguy hiểm, có thể gây nhiều biến chứng và hủy hoại dần cơ thể người bệnh.Việc phát hiện sớm, điều trị sớm bệnh gout sẽ mang lại hiệu quả và phòng tránh được những biến chứng nguy hiểm. Với người bệnh đã có biến chứng hoặc có các bệnh lý đi kèm, cần phải tích cực điều trị các tổn thương và bệnh go.

Theo suckhoedoisong.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com