Tăng cường phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em

07:05, 31/05/2019

Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự “vào cuộc” tích cực của các ngành, đoàn thể, những năm qua, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em ở tỉnh ta đã đạt được kết quả tích cực. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm dần qua các năm.

Các thầy thuốc Bệnh viện Nhi tỉnh khám bệnh cho trẻ em.
Các thầy thuốc Bệnh viện Nhi tỉnh khám bệnh cho trẻ em.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020; “Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, những năm qua, Sở Y tế đã xây dựng, triển khai thực hiện Dự án Cải thiện dinh dưỡng trẻ em. Mục tiêu nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và đẩy mạnh giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi; giảm tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng ở nhóm đối tượng có nguy cơ cao (phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi); kiểm soát tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi góp phần hạn chế các bệnh mãn tính không lây có liên quan đến chế độ dinh dưỡng. Công tác phòng, chống suy dinh dưỡng và Dự án Cải thiện dinh dưỡng trẻ em luôn được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối kết hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Các địa phương đều đưa chỉ tiêu về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em vào nội dung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em. Tại tuyến tỉnh, Sở Y tế phối hợp với các ngành chức năng tập trung tuyên truyền công tác dinh dưỡng trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về dinh dưỡng hợp lý tại các địa phương; tư vấn, khám, điều trị cho trẻ em bị các bệnh như còi xương, thiếu máu, táo bón, biếng ăn, tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp. Tại tuyến huyện, các Trung tâm y tế phối hợp với Đài phát thanh tuyên truyền về nội dung chăm sóc sức khỏe, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; tổ chức treo băng rôn, pa-nô, áp phích về dinh dưỡng hợp lý, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em... Triển khai góc tư vấn dinh dưỡng tại Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản của Trung tâm y tế huyện. Tại các xã, phường, thị trấn, cùng với tuyên truyền trên đài truyền thanh, trạm y tế tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục sức khỏe dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng như: Phát tờ rơi với nội dung: “Làm thế nào để trẻ không bị suy dinh dưỡng”, “Chăm sóc phụ nữ có thai”; thực hành nấu ăn cho các bà mẹ có thai, bà mẹ có con dưới 2 tuổi, bà mẹ có con bị suy dinh dưỡng. Đội ngũ cán bộ chuyên trách dinh dưỡng và cộng tác viên dinh dưỡng thường xuyên đến các gia đình có con dưới 2 tuổi, con bị suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai để hướng dẫn cách nuôi trẻ: cách cho bú đúng, cách tô màu bát bột, tư vấn về ăn uống đủ chất cho phụ nữ có thai bằng các sản phẩm sẵn có của địa phương… Qua đó đã nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; thay đổi cách nuôi trẻ hợp lý của các bà mẹ và người chăm sóc trẻ. Trạm y tế các xã, phường, thị trấn tổ chức khám và tư vấn dinh dưỡng thường xuyên tại trạm; nâng cao chất lượng chăm sóc phụ nữ có thai, đảm bảo 100% phụ nữ có thai được quản lý sớm, khám thai dưới 3 lần trong 3 thai kỳ, tiêm phòng uốn ván đủ liều, uống 1 viên sắt Folic mỗi ngày, uống bổ sung 1 liều VitaminA trong vòng 1 tháng sau đẻ. Các trạm y tế hướng dẫn phụ nữ mang thai ăn uống hợp lý để tăng 10-12kg trong thai kỳ; duy trì và nâng cao chất lượng theo dõi, quản lý, giám sát các hoạt động ở cơ sở như cân, đo, chấm biểu đồ cho 100% trẻ em dưới 24 tháng tuổi vào ngày 25 hàng tháng để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ít nhất 1 lần/3 tháng; cân, đo, chấm biểu đồ cho 100% trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi hàng tháng để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em... Bên cạnh đó, các địa phương thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế về dinh dưỡng và cộng tác viên dinh dưỡng. Ngành Y tế tổ chức các lớp tập huấn về vi chất dinh dưỡng cho cán bộ y tế; hướng dẫn uống bổ sung vitamin A, kỹ thuật cân, đo, dinh dưỡng cho trẻ em khi mắc một số bệnh; tập huấn về phòng, chống thấp, còi, nhẹ cân, béo phì; tư vấn về điều trị bệnh liên quan đến dinh dưỡng…

Bác sĩ Trần Văn Bình, Trưởng Khoa kiểm soát bệnh không lây và dinh dưỡng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Trẻ bị suy dinh dưỡng chậm lớn, chậm phát triển về thể chất, trí tuệ, tầm vóc, năng lực vận động và tư duy kém. Nguyên nhân trẻ bị suy dinh dưỡng là do chế độ ăn không đảm bảo nhu cầu protein và năng lượng, kèm theo đó là một số bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hoá... Suy dinh dưỡng không chỉ làm giảm sức khỏe mà còn là nguyên nhân dẫn đến tử vong cao ở trẻ. Khi trẻ bị suy dinh dưỡng, khả năng chống đỡ với bệnh nhiễm trùng giảm, trẻ dễ bị mắc một số bệnh như: viêm phổi, tiêu chảy... Mức độ nặng của các bệnh nhiễm trùng sẽ tạo nên sự kéo dài thời gian bị suy dinh dưỡng. Để công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em đạt hiệu quả, cần sự tham gia của mỗi gia đình. Phụ nữ trong thời gian mang thai cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để đạt mức tăng cân 10-12kg, khám thai ít nhất 3 lần, tiêm đủ 2 mũi phòng uốn ván. Cho trẻ bú sớm trong nửa giờ đầu sau khi sinh, bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú đến 18-24 tháng. Cho trẻ ăn bổ sung (ăn dặm) khi trẻ đủ 6 tháng tuổi. Tô màu đĩa bột, tăng thêm chất béo (dầu, mỡ, lạc, vừng), ăn nhiều bữa. Thực hiện phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng: Phụ nữ có thai uống viên sắt/ acid folic hàng ngày. Trẻ em 6-36 tháng uống vitamin A liều cao 2 lần một năm. Phòng, chống các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, viêm đường hô hấp). Thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Chăm sóc và nuôi dưỡng hợp lý trẻ bị bệnh. Bữa ăn nên có đủ 4 món cân đối: cơm (cung cấp năng lượng), rau quả (cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ), đậu phụ, vừng lạc, cá, thịt, trứng (cung cấp chất đạm, béo), canh cung cấp nước và các chất dinh dưỡng bổ sung giúp ăn ngon miệng. Thực hiện vệ sinh môi trường, dùng nguồn nước sạch, tẩy giun theo định kỳ, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh...

Năm 2019, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân xuống dưới 11,1%, suy dinh dưỡng thể thấp còi xuống dưới 14,22%, từng bước kiểm soát thừa cân, béo phì ở mức dưới 10%, hạn chế mắc các bệnh không lây nhiễm có liên quan đến dinh dưỡng. Để thực hiện mục tiêu đề ra, ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý cho các bà mẹ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dinh dưỡng và cộng tác viên dinh dưỡng ở các thôn. Tiếp tục duy trì hiệu quả chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao có kiểm tra giám sát và truyền thông lồng ghép vào ngày 1-6 và vào ngày 1-12. Can thiệp phục hồi cho trẻ suy dinh dưỡng nặng. Duy trì hoạt động cân, đo, khám quản lý, chấm biểu đồ tăng trưởng hàng tháng cho trẻ dưới 5 tuổi, kịp thời phát hiện, bổ sung dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com