Tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 73%

08:09, 12/09/2016

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo công bố kết quả điều tra các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam năm 2015 do Bộ Y tế vừa tổ chức tại Hà Nội. Đây là điều tra lớn nhất từ trước đến nay do Bộ Y tế và nhiều tổ chức phối hợp thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm được thực hiện năm 2015 với sự tham gia của gần 4.000 người trong độ tuổi từ 18-69 được tiến hành từ tháng 8 đến tháng 10-2015 tại 63 tỉnh, thành phố cho thấy, hiện tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 73% các trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân, đứng đầu là tim mạch, ung thư, đái tháo đường… Chi phí điều trị bệnh không lây nhiễm cao gấp 40-50 lần so với điều trị bệnh lây nhiễm, do kỹ thuật cao, thuốc đắt tiền, thời gian điều trị lâu, dễ biến chứng.

Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, tàn tật và tổn thất kinh tế trên toàn cầu. Ảnh minh họa: T.Minh.
Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, tàn tật và tổn thất kinh tế trên toàn cầu. Ảnh minh họa

Trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, mỗi người nên ăn ít nhất 5 suất rau, trái cây (khoảng 400g) hằng ngày để phòng bệnh ung thư, tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác. Thế nhưng, theo TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), kết quả điều tra cho thấy, hơn 57% dân số trưởng thành ăn thiếu rau, trái cây, so với khuyến cáo của WHO. Tỷ lệ này cao hơn ở nam giới là 63% và nữ giới là 51%. So với kết quả điều tra năm 2010, tỷ lệ này có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, gần 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực so với khuyến cáo của WHO (có hoạt động thể lực cường độ trung bình ít nhất 150 phút/tuần hoặc tương đương). Tỷ lệ thiếu hoạt động thể lực ở nam giới 20,2% thấp hơn so với nữ 35,7%. Con số này có giảm so với năm 2010 nhưng chỉ trong nhóm nam giới.

Dẫn chứng về tác dụng của rau, hoa quả với những người mắc bệnh mãn tính không lây, TS Cao Thị Thu Hương, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay, những người tiểu đường cần giảm lượng tinh bột nạp vào cơ thể, điều này luôn khiến họ có cảm giác đói và muốn ăn. Lúc này, rau, hoa quả sẽ giúp người đó không có cảm giác đói và muốn ăn, từ đó hạn chế được lượng tinh bột ăn vào. Ngay trong bữa ăn, với những người bị tiểu đường, cao huyết áp thì không nên ăn cơm trước, mà nên ăn rau trước để “lót dạ”, giảm sự “thèm” tinh bột.

Về tiêu thụ muối, kết quả khảo sát cho thấy, trung bình 1 người Việt Nam tiêu thụ 9,4g muối/ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO (dưới 5g/người/ngày). Đây là lần đầu tiên Việt Nam có số liệu quốc gia về tiêu thụ muối quần thể. Trong khi đó, việc ăn nhiều muối là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác…

Theo TS Trương Đình Bắc, phần lớn người được hỏi biết rằng, ăn nhiều muối sẽ có tác động không tốt đến sức khỏe và đến 70% cho rằng, họ chỉ ăn lượng muối vừa phải. Thế nhưng, kết quả phân tích lại cho thấy, lượng muối họ ăn vào gấp đôi lượng muối khuyến cáo. Điều này cho thấy, người dân chưa biết rằng hiện tại họ đang ăn quá nhiều muối.

Nghiên cứu khảo sát cũng chỉ ra, 15,6% người dân Việt Nam hiện tại bị thừa cân béo phì. Tỷ lệ béo phì ở thành thị gần gấp đôi ở nông thôn./.

Theo HNM



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com