Những điều cần biết khi tăng viện phí

08:07, 22/07/2016
Theo Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế - Bộ Tài chính về quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc: Bắt đầu từ ngày 1-3-2016, giá của 1.887 dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ được điều chỉnh tăng bình quân khoảng 30% khi tính thêm chi phí phụ cấp phẫu thuật thủ thuật và phụ cấp trực của cán bộ y tế. Tiếp theo, tới 1-7-2016, khi tính tiền lương vào viện phí nữa thì viện phí sẽ tăng khoảng 50% so với hiện nay. Thông tư ban hành nằm trong lộ trình tiến tới từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT do bệnh viện được BHYT thanh toán với mức giá đã bao gồm các chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ, nên người bệnh không phải chi trả thêm hoặc tự mua một số loại vật tư, hóa chất, thuốc mà trước đây chưa tính vào giá. Mặt khác việc tính đủ giá dịch vụ y tế sẽ khuyến khích các bệnh viện phát triển, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB). Các bệnh viện cũng có thêm kinh phí để mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, test, kít xét nghiệm với chất lượng cao. Đồng thời giữa các bệnh viện cũng sẽ cạnh tranh với nhau nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng KCB và tinh thần, thái độ phục vụ bởi nếu không thì sẽ có bệnh viện phải đóng cửa.
 
Hiện nay, mức giá mới chỉ áp dụng cho bệnh nhân có thẻ BHYT. Theo tính toán mức chênh lệch giữa khoản phí người bệnh phải trả theo giá mới không chênh lệch quá cao so với giá cũ. Tuy nhiên, với các mức đóng chi trả khác nhau, người bệnh sẽ phải chịu mức tăng khác nhau. Do vậy, mức độ ảnh hưởng của việc tăng viện phí tới từng đối tượng cũng khác biệt. Nhóm người được cấp thẻ BHYT là: người nghèo, trẻ dưới 6 tuổi, dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách xã hội, họ sẽ có lợi vì được ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT và khi đi KCB được BHYT thanh toán 100% (trước đây chỉ được thanh toán 95%, đồng chi trả 5%, trừ trẻ em dưới 6 tuổi được thanh toán 100%) nên toàn bộ phần tăng thêm đã được BHYT thanh toán cho bệnh viện, không phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa kết cấu vào giá. Với những hộ cận nghèo, Nhà nước hiện đang hỗ trợ tối thiểu 70% chi phí mua thẻ BHYT và được địa phương hỗ trợ thêm 10-30% phí mua thẻ nữa. Khi đi KCB, đối tượng này được BHYT thanh toán 95% chi phí nên mức độ tác động không nhiều. Những đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí KCB là những người bị tác động nhiều nhất nhưng mức độ ảnh hưởng không nhiều bởi trước đây khi chưa tính đủ giá, người bệnh thường phải trả thêm, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm. Mặt khác, những người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên và đã có số tiền cùng chi trả tính lũy kế hằng tháng từ thời điểm tham gia đủ năm 5 liên tục trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở từ ngày 1-5-2016 (khoảng 7 triệu 260 nghìn đồng), sẽ được hưởng 100% chi phí KCB.
 
Hiện nay, tuy mới áp dụng tăng giá viện phí với đối tượng có thẻ BHYT nhưng sau đó sẽ áp dụng cho cả đối tượng không có thẻ BHYT. Vì vậy, nếu người dân không tham gia BHYT thì thực sự sẽ gặp nhiều khó khăn khi đi KCB. Các phân tích cho thấy so với khung viện phí hiện hành, nếu tự chi trả thì người dân có mức thu nhập trung bình chắc chắn gặp khó khăn trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính điều trị lâu dài.
 
Việc điều chỉnh giá viện phí cũng là để thực hiện điều chuyển ngân sách Nhà nước cấp cho bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Người dân khi tham gia BHYT không may bị ốm đau sẽ được thanh toán cơ bản chi phí KCB, giảm chi từ tiền túi. Vì vậy, mỗi người dân cần thấy rõ giá trị của BHYT khi không may bị ốm đau, đồng thời nhận thức đây là chính sách an sinh xã hội, nhiều người hỗ trợ một người trong việc chi trả chi phí KCB./.
 
Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com