Mô hình xã điểm truyền thông - giáo dục sức khỏe ở Yên Phú

09:11, 18/11/2014

Từ năm 2011, xã Yên Phú (Ý Yên) được chọn là 1 trong 11 xã trong tỉnh xây dựng xã điểm truyền thông - giáo dục sức khỏe (GDSK). Dưới sự điều hành của Ban Chăm sóc sức khỏe nhân dân xã, mô hình được triển khai đã huy động các đoàn thể: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội CCB… và nhân dân tích cực tham gia.

Cán bộ Trạm Y tế xã Yên Phú chăm sóc vườn cây thuốc mẫu.
Cán bộ Trạm Y tế xã Yên Phú chăm sóc vườn cây thuốc mẫu.

Thực hiện mô hình, xã thành lập các tổ công tác liên ngành tại các cụm dân cư, triển khai tập huấn truyền thông - GDSK cho các thành viên trong tổ công tác, từ đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền cho người dân trên địa bàn. Xã xây dựng 1 phòng máy thu, phát tại UBND xã về nội dung truyền thông - GDSK và xây dựng các cụm loa tại khu vực dân cư trong 15 thôn, đội của xã. Tại Trạm Y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công tác truyền thông được đầu tư, nâng cấp. Trạm Y tế xã có phòng truyền thông lồng ghép trang bị đầy đủ tranh ảnh, mô hình, tài liệu truyền thông của các chương trình y tế, có đầy đủ các phương tiện như loa, đài cát sét, âm-pli, bộ video và các băng, đĩa có nội dung truyền thông GDSK, có điện thoại cố định, sổ sách ghi chép đầy đủ. Tại các trường học trên địa bàn xã có phòng Y tế tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh cho học sinh. Về nguồn nhân lực, 100% cán bộ trạm y tế, nhân viên y tế thôn, cộng tác viên truyền thông - GDSK được tham gia các lớp tập huấn, kỹ năng truyền thông. Công tác truyền thông - GDSK được triển khai dưới nhiều hình thức như: tuyên truyền trên đài truyền thanh xã đều đặn mỗi tháng 4 bài, nội dung tập trung vào các vấn đề VSATTP, chăm sóc bà mẹ trẻ em, phòng bệnh theo mùa, theo vụ dịch và tổ chức truyền thông lồng ghép trong các hội nghị, các cuộc họp, các buổi sinh hoạt ở thôn, đội. Trong chiến dịch tiêm phòng Sởi - Rubella đợt 1 vừa qua, xã đã triển khai truyền thông để người dân hiểu rõ được lợi ích và những điều cần lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm chủng nên số trẻ được đưa đi tiêm chủng trong chiến dịch đạt 97%. Bên cạnh đó, công tác truyền thông - GDSK còn được triển khai bằng hình thức tuyên truyền cổ động trực quan bằng băng rôn, khẩu hiệu và đưa nội dung tuyên truyền lồng ghép vào nội dung sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB, Đoàn Thanh niên, MTTQ... Qua các hoạt động truyền thông - GDSK trên, tỷ lệ người dân trên địa bàn xã được truyền thông trực tiếp đạt 75%, truyền thông gián tiếp đạt 100%. Ngoài ra, 15 CTV y tế thôn, đội luôn sâu sát cơ sở để tuyên truyền về lợi ích của việc bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường sống. Đặc biệt, đội ngũ truyền thông trực tiếp là cán bộ y tế hằng ngày gắn bó với cộng đồng tuyên truyền vận động người dân nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường như không vứt rác, đổ chất thải bừa bãi, sử dụng nguồn nước sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách sử dụng nguồn thực phẩm, rau quả đảm bảo chất lượng, bảo vệ nguồn nước, thực hiện các thói quen hợp vệ sinh. Để bảo vệ môi trường nơi tăng gia sản xuất, xã chỉ đạo các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại, phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, xây dựng hầm bioga xử lý chất thải để vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tận dụng khí đốt phục vụ cho sinh hoạt. Đến nay toàn xã đã có 168 hộ xây dựng được hầm bioga vừa để tiết kiệm năng lượng vừa giữ gìn vệ sinh môi trường. Các chất thải, rác thải sinh hoạt được tổ chức thu gom tập trung và xử lý đúng quy định. Trên địa bàn xã, các thôn đều có người thu gom rác thải, 1 tháng 4 lần thu gom. Một số thôn trong xã đã tiến hành xây các hố để thu gom chai lọ thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và cử người đi thu dọn thường xuyên. Ngoài việc nâng cao nhận thức của người dân trong triển khai công tác giữ gìn vệ sinh môi trường tại các thôn, xóm, xã chỉ đạo Trạm Y tế phối hợp chặt chẽ với các trường học trên địa bàn tuyên truyền về giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, thường xuyên phối hợp với nhà trường khám sức khỏe định kỳ cho học sinh. Do vậy những năm gần đây, tỷ lệ học sinh mắc các bệnh, tật học đường giảm đáng kể.

Yên Phú là 1 trong 11 đơn vị được ngành Y tế triển khai mô hình điểm về truyền thông - GDSK từ năm 2011 đến nay gồm các xã: Yên Phú (Ý Yên), Hải Đường, Hải Lộc (Hải Hậu), Giao Hà (Giao Thủy), Xuân Kiên (Xuân Trường), Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), Trực Nội (Trực Ninh), Nam Hồng (Nam Trực), Lộc An (TP Nam Định), Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Hiển Khánh (Vụ Bản) với mục tiêu xây dựng một cộng đồng kiểu mẫu về phong trào y tế, có mạng lưới truyền thông - GDSK phát triển bền vững trong cộng đồng. Qua thực tế các mô hình xã điểm truyền thông - GDSK cho thấy: Quá trình triển khai gặp nhiều thuận lợi như: Đảng ủy, UBND các xã rất quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; đài truyền thanh các xã thường xuyên phát các bài tuyên truyền, giáo dục sức khỏe. Một số xã đã huy động được sự tham gia có hiệu quả của các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ… vào các phong trào vệ sinh phòng bệnh. Hầu hết trạm y tế các xã đều có cán bộ y tế kiêm nhiệm công tác truyền thông - GDSK; 100% nhân viên y tế thôn là cộng tác viên truyền thông - GDSK. Tuy nhiên, cũng qua tìm hiểu tại một số mô hình điểm, bên cạnh thuận lợi, công tác truyền thông - GDSK còn gặp không ít khó khăn như: năng lực truyền thông của đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông còn yếu, dụng cụ phục vụ công tác truyền thông như âm-pli, loa, đài… còn thiếu, kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ công tác truyền thông còn khó khăn… Cán bộ làm công tác truyền thông thường kiêm nhiệm nhiều việc. Bên cạnh đó, tại một số khu vực nông thôn, đặc biệt là các khu vực đông dân cư, các làng nghề, chất thải, rác thải sinh hoạt chưa được tổ chức thu gom và xử lý đúng quy định... Từ thực tế tại Yên Phú và các xã điểm truyền thông - GDSK cho thấy, để làm tốt công tác truyền thông - GDSK cần phải đào tạo nâng cao trình độ truyền thông cho đội ngũ cán bộ y tế của các trạm y tế, CTV y tế thôn. Các trạm y tế phải có phòng truyền thông - GDSK lồng ghép được trang bị tài liệu truyền thông, các phương tiện truyền thông như âm-pli, loa, đài, các nhân viên y tế thôn có dụng cụ và các tài liệu phục vụ truyền thông. Các cán bộ trạm y tế và nhân viên y tế thôn được thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng truyền thông - GDSK, đặc biệt là kỹ năng tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân để họ có ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com