Rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên

07:06, 21/06/2013

Tại các nước phát triển, tỷ lệ thanh thiếu niên bị rối loạn hành vi khá cao: Mỹ 21%, Hàn Quốc 14%. Ở Việt Nam, tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng số lượng các vụ trẻ vị thành niên phạm pháp, bạo lực học đường, tự tử ngày càng gia tăng.

Nguyên nhân gây rối loạn hành vi ở trẻ có thể do trẻ bị ám ảnh bởi những hành vi ngược đãi, xâm phạm của cha mẹ, anh chị hay của những người lớn khác. Bệnh có thể là hậu quả của sách báo, phim ảnh bạo lực, bạo dâm hoặc do ảnh hưởng của nhóm trẻ em xấu… Các biểu hiện của rối loạn hành vi rất đa dạng, xuất hiện lặp đi lặp lại và kéo dài ít nhất 6 tháng, nghĩa là trẻ đã mắc chứng rối loạn hành vi - một bệnh lý tâm thần, bao gồm các biểu hiện như: đe doạ, uy hiếp người khác bằng phương tiện, vũ khí có thể gây thương tích; có hành động độc ác với những người khác hoặc với động vật (hành hạ, đánh đập), ăn cắp, cướp giật, tống tiền, xâm phạm tình dục… Trẻ thích vi phạm nghiêm trọng các luật lệ như đi qua đêm, chống đối với nhà chức trách, gây rối trật tự trị an, phá hoại tài sản của người khác, lừa đảo…

Những rối loạn hành vi nhẹ thường thuyên giảm theo thời gian. Nhiều thanh thiếu niên có rối loạn hành vi, nhưng khi đến tuổi trưởng thành có thể thích ứng xã hội và hoạt động nghề nghiệp vừa phải. Tuy nhiên, những rối loạn nặng thường có khuynh hướng trở thành mãn tính. Những trẻ này rất khó thích ứng với xã hội, một số có thể thích ứng với các hoạt động xã hội nhưng vẫn có hành vi chống đối, phạm pháp.

Việc điều trị rối loạn hành vi đòi hỏi phải kiên trì, kéo dài và có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và bác sĩ tâm thần. Gia đình và nhà trường cần có sự quan tâm, chia sẻ, thông cảm và tạo môi trường học lành mạnh. Ngoài ra, cha mẹ cần phải tăng cường kỹ năng sống, tạo điều kiện cho trẻ chơi một môn thể dục thể thao, giúp trẻ rèn luyện và phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Nên chọn những môn thể thao có tính tập thể, đoàn kết hoặc môn võ cổ truyền, vì nó có tính kỷ luật nghiêm ngặt, giúp trẻ biết tôn trọng người khác và nhất là biết tự chủ bản thân./.

Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com