Phòng chống nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người

01:07, 06/07/2012

Bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis gây nên. Bệnh xảy ra trên lợn là chủ yếu và thường đi kèm theo dịch tai xanh. Bệnh liên cầu lợn có thể lây cho người.

Khi người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, thời gian ủ bệnh chỉ vài giờ đến 3 ngày; sau đó người bệnh sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác… Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hoá: sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run… trước khi có biểu hiện của viêm não.

Trường hợp nặng: Sốc nhiễm độc, truỵ mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy phủ tạng… hôn mê và tử vong.

Biện pháp phòng bệnh

- Không giết mổ lợn bị bệnh; không sử dụng thịt lợn chết làm thức ăn cho động vật khác; khi giết mổ lợn phải mang găng tay, khẩu trang, kính, mũ…, không để các vết xước, vết thương trên người tiếp xúc với lợn hay các sản phẩm của lợn; nơi giết mổ phải đảm bảo vệ sinh, tách biệt với khu chế biến thức ăn.

- Không mua bán, vận chuyển lợn bị bệnh, thịt lợn không rõ nguồn gốc, chỉ mua bán vận chuyển lợn, thịt lợn có dấu hiệu kiểm dịch của cơ quan thú y.

- Người nội trợ nên chọn mua thịt lợn sạch đã được cơ quan thú y kiểm dịch. Không ăn thịt lợn sống, không ăn tiết canh, nội tạng lợn chưa được nấu chín, không ăn thịt lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc. Khi chế biến thức ăn, mang găng tay bảo vệ khi tiếp xúc với thịt lợn sống, nhất là khi tay có vết xước.

- Người chăn nuôi lợn cần vệ sinh chuồng trại thường xuyên; khoanh vùng, tiêu huỷ ngay đàn lợn bị nhiễm bệnh để hạn chế bệnh phát triển và nguy cơ lây truyền bệnh sang người./.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com