Ban nhiệt mùa nóng ở trẻ em

08:06, 22/06/2012

Ban nhiệt là tình trạng da bị phát ban do viêm tấy, nổi những hạt nhỏ li ti hoặc mảng màu hồng, xảy ra khi trẻ ra nhiều mồ hôi hơn bình thường. Nguyên nhân do lỗ chân lông bị bít kín, tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn do tế bào chết của da hoặc vi trùng. Ban nhiệt xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, thường gặp ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như trán, cổ, vai, lưng, ngực, vùng tã lót, các nếp gấp của cơ thể gây ngứa từng cơn. Tuỳ vào mức độ tắc nghẽn ống tuyến mồ hôi nông hay sâu mà có 3 dạng ban nhiệt: Ban hạt kê thường gặp ở trẻ sơ sinh; ban kê đỏ còn gọi là rôm sảy là dạng thường gặp ở trẻ em; ban kê sâu hay ban kê mủ là dạng ít gặp, xảy ra khi trẻ bị nhiều đợt rôm sảy tái đi tái lại.

Biến chứng nhiễm trùng do chăm sóc không tốt

Biến chứng thường gặp ở trẻ ban nhiệt là nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi ngứa nhiều trong điều kiện vệ sinh kém hoặc do điều trị không đúng như đắp lá cây giã, kiêng nước không tắm... dẫn đến da bị nhiễm trùng sưng đỏ lên thành cục cứng, gây đau nhức. Diễn tiến nặng khi vi trùng vào máu gây nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng hoặc đến gây tổn thương các cơ quan khác như màng não, tim, tuỷ xương, phổi...

Phòng bị ban nhiệt và chăm sóc khi trẻ bị ban nhiệt tại nhà

Cách chăm sóc đúng tại nhà bằng cách giữ vệ sinh cho da mát mẻ, sạch sẽ và khô để giảm ngứa và giảm các kích thích ở da:

- Tránh đổ mồ hôi nhiều: Cho trẻ chơi, ngủ ở nơi thông thoáng, mát mẻ. Ngủ dưới quạt nhẹ. Nếu được cho trẻ ở trong phòng điều hoà vào những thời gian nóng trong ngày. Hạn chế trẻ chạy nhảy quá nhiều ngoài trời nắng nóng.

-  Vệ sinh da hằng ngày: Tắm rửa cho trẻ hằng ngày chú ý các vùng da cọ xát, các nếp kẽ. Chọn loại xà phòng kháng khuẩn để làm giảm lượng vi trùng lưu trú trên da.

- Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, bằng chất liệu mỏng và thấm mồ hôi. Thay tã lót (bỉm) thường xuyên. Cắt ngắn móng tay trẻ để tránh gãi ngứa.

- Cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả. Tránh ăn các thức ăn cay, mặn.

- Nếu vùng da bị ban nhiệt có trầy loét, chảy nước, cần bôi thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Không bôi phấn rôm lên vùng da bị tổn thương.

- Cần đưa trẻ đi khám bệnh khi nghi ngờ trẻ bị bội nhiễm: Trẻ gãi ngứa nhiều hơn, vùng da phát ban lan rộng, có dấu hiệu sưng đỏ, đau, có mủ.
Khi trẻ nổi ban nhiệt phải chăm sóc đúng và theo dõi cẩn thận, không tự ý điều trị theo kinh nghiệm./.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com