Y tế cơ sở với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân

09:01, 14/01/2012

Sau 9 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nhận thức của các cấp, các ngành trong tỉnh về vị trí, vai trò của mạng lưới y tế cơ sở trong việc chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ nhân dân đã được nâng lên. Hiện nay, tuyến y tế tỉnh gồm 8 bệnh viện, trong đó có 2 bệnh viện đa khoa, 6 bệnh viện chuyên khoa và 7 trung tâm y tế chuyên khoa. Tuyến y tế huyện gồm 10 bệnh viện đa khoa, 10 trung tâm y tế dự phòng, 10 phòng y tế. Tuyến y tế xã gồm 229 trạm y tế xã, phường, thị trấn; trong đó có 204 trạm y tế được công nhận và công nhận lại đạt chuẩn quốc gia về y tế phục vụ đắc lực cho công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Hệ thống sản xuất, cung ứng dược phẩm gồm 4 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn Tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO). Mạng lưới cung ứng thuốc phát triển, phân đều trên các tuyến, hiện trên địa bàn tỉnh có 517 cơ sở cung ứng thuốc, 229 điểm bán thuốc. Đội ngũ y tế cơ sở phát triển ổn định, rộng khắp. Toàn ngành hiện có 4.227 cán bộ, nhân viên y tế ở cả 3 tuyến y tế, trong đó tuyến huyện và tỉnh có 2.810 người; tuyến xã có 1.417 người; y tế thôn, xóm: 2.788 người; y tế khu phố: 395 người. Số người có trình độ bác sĩ là 836 người (trong đó tuyến tỉnh là 335 người, tuyến huyện 318 người, tuyến xã 183 người). Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư nâng cấp...

Lớp tập huấn kiến thức về phòng chống dịch bệnh cho cán bộ y tế cơ sở tại Trung tâm Y tế huyện Ý Yên.
Lớp tập huấn kiến thức về phòng chống dịch bệnh cho cán bộ y tế cơ sở tại Trung tâm Y tế huyện Ý Yên.

Hệ thống trạm y tế tuyến xã được đầu tư nâng cấp, xây mới với mức đầu tư bình quân 100 triệu - 900 triệu đồng cho 1 trạm y tế, điển hình là Trạm y tế các xã, thị trấn: Lộc Hoà (TP Nam Định), Quất Lâm (Giao Thuỷ), Thị trấn Lâm (Ý Yên), Rạng Đông, Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng), Hải Sơn (Hải Hậu)... Hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh và bảo vệ môi trường. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các đơn vị trong ngành tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo các bệnh truyền nhiễm gây dịch. Vì vậy, nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra. Công tác vệ sinh môi trường từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ dân có hố xí hợp vệ sinh, dùng nước sạch mỗi năm một tăng. Công tác tiêm chủng được triển khai đều đặn, rộng khắp, số trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 98%. Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành Y tế thường xuyên kiểm tra, thanh tra thẩm định các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm ăn uống, hạn chế số vụ và số người bị ngộ độc thực phẩm. Chương trình Vitamin A được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn, trẻ em từ 6-36 tháng tuổi đều được uống Vitamin A đạt 98%. Công tác khám, chữa bệnh có nhiều chuyển biến. Các cơ sở khám chữa bệnh công lập được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh: như mổ nội soi, mổ PHACO lạnh, siêu âm màu, điện quang truyền hình tăng sáng, máy chụp cắt lớp, máy xét nghiệm kháng thể... Hằng năm, các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện được nâng cấp trang thiết bị, bình quân trên 1 tỷ đồng/bệnh viện.

Tuy nhiên, công tác củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và công tác xã hội hoá y tế vẫn còn nhiều khó khăn. Việc duy trì các chuẩn ở các xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế chưa được quan tâm đúng mức, nhất là công tác vệ sinh môi trường nông thôn, nâng cấp trang thiết bị chuyên môn, chính sách đầu tư kinh phí hoạt động thường xuyên và tăng cường nhân lực chưa thoả đáng. Chính sách bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện chưa cao. Quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân chưa được thường xuyên, triệt để, nhất là đối với vùng nông thôn. Công tác tuyên truyền quán triệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện của một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân chưa đồng đều, thường xuyên. Chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ y tế cơ sở còn thấp chưa động viên được cán bộ y tế yên tâm công tác.

Để nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, cần tiếp tục củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Có chính sách tăng cường đội ngũ bác sỹ về công tác tại xã và thu hút bác sỹ, dược sỹ đại học về công tác tại tỉnh và huyện, đẩy mạnh xã hội hoá công tác y tế. Duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống trạm y tế xã, phường, thị trấn. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi để nhân dân tự giác tích cực tham gia vào các hoạt động chăm sóc sức khoẻ như phong trào vệ sinh phòng bệnh, rèn luyện thân thể, phòng chống bệnh dịch, phòng chống các tệ nạn xã hội, hạn chế những lối sống và thói quen có hại cho sức khoẻ, xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh. Kiện toàn mạng lưới khám chữa bệnh các tuyến, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng thiết bị kỹ thuật cao. Phát triển mạng lưới y tế dự phòng toàn diện và hợp lý, bảo đảm cho các cơ sở y tế dự phòng đủ điều kiện và năng lực kiểm soát, phát hiện, khống chế có hiệu quả các bệnh dịch nguy hiểm và các bệnh dịch mới. Thực hiện tốt các mục tiêu chương trình y tế quốc gia. Chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu y tế để tăng cường chất lượng, hiệu quả và giảm chi phí y tế./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com