Bức tranh khoa học công nghệ 2020 - Những điểm nhấn nổi bật

07:02, 05/02/2021

Nhiệm kỳ 2015-2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thử thách song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh ta đã đoàn kết, thống nhất, vững vàng, có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi, toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Đồng hành với vai trò động lực thúc đẩy phát triển của tỉnh, ngành Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã có nhiều đóng góp nổi bật.

Thu hoạch lúa giống M1 của Công ty TNHH Cường Tân tại xã Trực Thái, huyện Trực Ninh
Thu hoạch lúa giống M1 của Công ty TNHH Cường Tân tại xã Trực Thái, huyện Trực Ninh.

Nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn

Đồng chí Mai Thanh Long, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở KH và CN cho biết: Trong nhiệm kỳ qua và nổi bật là năm 2020, hoạt động nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh đã có thêm những điểm nhấn với nhiều đề tài, dự án từ cấp quốc gia đến cơ sở gắn sát với thực tiễn, phục vụ đời sống kinh tế - xã hội, kể cả đề tài lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Trong đó, đề án về sản xuất giống lúa và giống khoai tây sạch bệnh ứng dụng công nghệ cao đã tạo ra giống lúa giống M1, CS6 và sản xuất được gần 600 tấn khoai tây 3 cấp, đáp ứng được 40-50% nhu cầu giống lúa, giống khoai tây sạch bệnh cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn hoàn thiện quy trình, ứng dụng tiến bộ KH và CN trong sản xuất lúa như: phục tráng, phát triển giống lúa tám ấp bẹ cổ truyền; sản xuất thử và hoàn thiện thủ tục công nhận chính thức giống lúa mới LT2 KBL… nhằm nâng cao vị thế gạo Nam Định trên thị trường. Các hoạt động KH và CN “Điều tra đánh giá hiện trạng ô nhiễm kim loại nặng trong đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Nam Định đề xuất một số biện pháp cải tạo và sử dụng hợp lý đất bị ô nhiễm”; “Nghiên cứu hiện trạng, nguyên nhân suy thoái rừng ngập mặn và xây dựng mô hình khôi phục rừng ngập mặn bền vững tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy”; “Nghiên cứu đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác quản lý đê điều đáp ứng yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu”… đã ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động của con người, tác động của tự nhiên gây ra, bảo vệ đa dạng sinh học. Các đề tài, dự án “Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên Nam Định thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; “Sưu tầm, biên dịch và xuất bản di văn Hán Nôm tỉnh Nam Định”; “Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao năng lực quản lý và phát huy giá trị các hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Nam Định”... đã góp phần bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa thuần phong mỹ tục của mảnh đất và con người Nam Định.

Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh

Công tác hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ đạt kết quả nổi bật, góp phần gia tăng đáng kể giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân và lợi thế cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là danh tiếng của các sản phẩm chủ lực. Ngày càng nhiều hơn các sản phẩm truyền thống của địa phương được cấp chỉ dẫn địa lý như các nhãn hiệu tập thể: “Nước mắm Giao Châu” của xã Giao Châu (Giao Thủy); “Cá bống bớp Nghĩa Hưng” của huyện Nghĩa Hưng; “Đồ gỗ La Xuyên” của làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên)… Từ năm 2018 đến nay, Sở KH và CN đã hỗ trợ thực hiện các dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cơ khí Xuân Tiến” của xã Xuân Tiến (Xuân Trường), nhãn hiệu tập thể “Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định” và dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Bánh nhãn Hải Hậu” cho sản phẩm bánh nhãn của huyện Hải Hậu”. Cuối năm 2019, nhãn hiệu chứng nhận Bánh nhãn Hải Hậu đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận. Đây là cơ sở, kinh nghiệm để thúc đẩy phát triển hoạt động tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc sản truyền thống của tỉnh trong thời gian tới.

Sản phẩm rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP của Công ty TNHH Minh Dương, thành phố Nam Định tham gia Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc - Nam Định, tháng 12-2020
Sản phẩm rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP của Công ty TNHH Minh Dương, thành phố Nam Định tham gia Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc - Nam Định, tháng 12-2020.

Từ hiệu quả của Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, chiến lược kinh doanh của đơn vị mình và tích cực hưởng ứng tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 146 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao và 4 sao. Nhiều sản phẩm được công nhận có chất lượng tốt, đảm bảo quy định, đặc trưng cho từng vùng miền như: “Gạo nếp” của huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu; “Gạo sạch Hương Cốm” của Công ty TNHH Cường Tân, xã Trực Hùng (Trực Ninh); “Trà tươi hương chanh mật ong S24” của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất thương mại vận tải Minh Hằng, xã Quang Trung (Vụ Bản)… UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN và PTNT phối hợp với Sở KH và CN tập trung triển khai thực hiện dự án xây dựng, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, góp phần hạn chế tranh chấp về nhãn hiệu, mẫu mã hàng hóa trong quá trình phát triển sản phẩm OCOP những năm tiếp theo.

Đẩy mạnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH và CN hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các huyện duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO và chuyển đổi sang phiên bản 9001:2015. Đồng thời triển khai xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 tại các xã, phường, thị trấn. Đến nay, 100% sở, ban, ngành, các đơn vị trực thuộc sở; UBND các huyện, thành phố và 140/226 xã, phường, thị trấn (đạt 61,9%) xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống này vào các hoạt động của đơn vị mình. Đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo ISO hành chính tỉnh cho biết: Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan, đơn vị đã đem lại những hiệu quả tích cực, giúp cán bộ, công chức triển khai, quản lý hồ sơ công việc một cách khoa học, rút ngắn thời gian xử lý văn bản, giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, đúng thời gian. Từng bước cải tiến phương thức làm việc, giảm tác động tiêu cực khi giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, công dân. Bên cạnh đó, việc xây dựng và thực hiện các quy trình tác nghiệp theo hệ thống ISO 9001:2015 giúp cho thủ trưởng cơ quan và cán bộ nắm vững hơn nội dung, yêu cầu, cách thức xem xét, xử lý công việc theo quá trình, xác định ranh giới trách nhiệm trong nội bộ cơ quan và giữa cơ quan với đơn vị bên ngoài, đảm bảo thực thi công vụ và xử lý công việc theo đúng quy định của pháp luật. Từ đó nâng cao hiệu quả của công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công, từng bước tạo được lòng tin và sự hài lòng của người dân khi tới làm việc tại các đơn vị hành chính, hướng tới một nền hành chính hiện đại, kiến tạo và phục vụ nhân dân một cách tối ưu.

Kết quả hoạt động KH và CN những năm qua đã và đang khẳng định được vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bước vào Xuân Tân Sửu cũng là năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới với những mục tiêu, kỳ vọng mới. Những kết quả thành tựu trong hoạt động KH và CN nhiệm kỳ qua sẽ là nền tảng để ngành KH và CN tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đột phá về KH và CN, đưa các thành tựu KH và CN, ứng dụng phục vụ sản xuất và đời sống, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ hội nhập và phát triển./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com