Đầu tư công nghệ sấy - Giải pháp nâng cao chất lượng nông sản

06:01, 21/01/2021

Những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường khiến việc thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản (lúa, ngô, khoai và các loại rau, củ, quả) tại tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn. Quan tâm áp dụng công nghệ sau thu hoạch, đặc biệt là đầu tư công nghệ sấy được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm thất thoát, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây còn là cơ hội để phát triển các chuỗi liên kết hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Đóng gói sản phẩm ngô sấy tại Công ty TNHH Minh Dương, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định).
Đóng gói sản phẩm ngô sấy tại Công ty TNHH Minh Dương, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định).

Đầu năm 2017, anh Vũ Đình Kiên, xóm 4, xã Trực Nội (Trực Ninh) thuê gom 4,3ha ruộng của người dân trong vùng để tổ chức sản xuất lúa thương phẩm và các loại cây thảo dược như: trạch tả, sài đất, hoa cúc chi... Khi bắt tay vào sản xuất thực tế, anh Kiên nhận thấy mùa thu hoạch thường vào đúng đợt mưa bão nên nông dân gặp nhiều khó khăn trong khâu phơi thóc dẫn đến thóc bị mốc, hỏng, bị thương lái ép giá. Tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam chuyên ngành bảo quản chế biến, anh Kiên đã đầu tư vốn xây lò, mua máy sấy thóc bán tự động công suất sấy 5 tấn thóc/mẻ với hệ thống lò sấy, anh đã khắc phục hoàn toàn các yếu tố bất lợi do thời tiết, đảm bảo chất lượng lúa sau thu hoạch. Nhờ chủ động được khâu chế biến, thóc thương phẩm của anh luôn đảm bảo chất lượng, được khách hàng tín nhiệm, tiêu thụ tốt, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Từ thành công bước đầu, anh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời liên kết với các hộ nông dân phát triển dịch vụ sản xuất - tiêu thụ lúa thương phẩm hàng hóa. Đến nay, anh Kiên trực tiếp sản xuất 7,5ha và liên kết với 12 hộ nông dân trong xã và các xã Trực Đại, Liêm Hải, Trực Phú, Trực Đạo (Trực Ninh); Nghĩa Châu, Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng); Nam Tiến, Nam Hồng (Nam Trực)… với quy mô gần 70ha cấy lúa Bắc thơm số 7, các loại lúa nếp. Quy mô và chuỗi liên kết sản xuất tăng đòi hỏi công suất sấy tăng. Năm 2019, anh đã đầu tư thêm máy sấy với công suất 20 tấn/mẻ. Anh Kiên cho biết, so với phương pháp phơi tự nhiên truyền thống, việc đầu tư công nghệ sấy có ưu điểm là giúp nông dân chủ động trong quá trình thu hoạch, không lệ thuộc vào thời tiết; vận hành máy và kỹ thuật sấy không cần tay nghề cao nên dễ sử dụng; chất lượng, màu sắc gạo tốt hơn; tỷ lệ tấm giảm; độ ẩm hạt thóc đều, bảo quản được lâu hơn. Mỗi năm anh xuất bán khoảng 500 tấn thóc đi Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình và trong tỉnh. Anh Kiên đang tiếp tục đầu tư thêm 1 máy sấy tự động công suất 20 tấn/mẻ và dự kiến nâng sản lượng thóc xuất bán ra thị trường lên 1.000 tấn/năm.

Để thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản địa phương, Công ty TNHH Minh Dương, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định) đã đầu tư công nghệ chế biến đảm bảo thực hiện quy trình sản xuất khép kín từ khâu sơ chế nông sản đến hoàn thiện sản phẩm gồm: hệ thống kho lạnh cấp đông bảo quản nguyên liệu, dây chuyền sấy chân không, đóng gói. Với công nghệ sấy chân không công suất 4-5 tấn/ngày, các sản phẩm mít, ngô, chuối, khoai tây, hạt sen… của Công ty vẫn giữ nguyên được hương vị, màu sắc, độ thơm ngon cũng như hàm lượng dinh dưỡng có sẵn trong củ, quả tươi tự nhiên. Sản phẩm ngô nếp sấy của Công ty giòn xốp, độ thẩm thấu dầu thấp; không đổi màu, không bị caramel hóa, giữ được màu, mùi vị tự nhiên của ngô nếp tươi và đặc biệt là không bị vi khuẩn xâm nhập trong suốt quá trình chế biến. Anh Nguyễn Văn Thủy, Giám đốc Công ty cho biết: Các sản phẩm của Minh Dương được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sạch với công nghệ sản xuất tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, trở thành món quà quen thuộc của mọi đối tượng người tiêu dùng. Để ổn định nguồn hàng xuất bán ra thị trường, Công ty đã đầu tư liên kết xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn tại các huyện Nam Trực, Ý Yên, Giao Thủy… Mỗi năm Công ty thu mua hàng nghìn tấn khoai tây, khoai lang, ngô nếp và các loại rau, củ, quả khác. Theo tính toán, mỗi sản phẩm của Minh Dương sau chế biến nâng giá trị sản phẩm lên khoảng 300% so với việc bán nguyên liệu thô. Không chỉ mang lại hiệu quả cho người kinh doanh, việc đầu tư chế biến sâu của Công ty TNHH Minh Dương còn góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất nông sản hàng hóa của tỉnh phát triển.

Theo thống kê của Sở NN và PTNT, hiện nay tỷ lệ tổn thất sản lượng trong và sau thu hoạch của lúa là 11-13%, ngô 13-15%, tập trung ở các khâu thu hoạch, phơi sấy, bảo quản và xay xát, chế biến. Đối với rau quả bị tổn thất hơn 20% cả về sản lượng và chất lượng. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng thất thường, đồng ruộng manh mún, sản lượng không tập trung và không có hệ thống máy sấy nông sản... Hầu hết các loại nông sản đều được nông dân phơi trực tiếp dưới nắng. Khi đưa lúa vào máy xay xát dễ bị nứt vỡ, thành phẩm chất lượng không đảm bảo, nên giá bán không cao. Đặc biệt, khi thời tiết mưa to kéo dài, lại đúng vào thời kỳ thu hoạch rộ nông sản (nhất là ở vụ lúa mùa) thường gây ngập nước khiến nông sản hay bị lên men, mọc mầm chỉ có thể sử dụng làm thức ăn cho gia súc hoặc đổ bỏ. Ngoài sự tổn thất về sản lượng, nông sản còn bị sụt giảm đáng kể về chất lượng như: nhiễm aflatoxin đối với ngô làm giá hạt thương phẩm bị giảm từ 10-20%; gạo bị biến màu, giảm chất dinh dưỡng do không được làm khô kịp thời và đúng quy trình. Để khắc phục tình trạng trên, một số doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị chế biến hiện đại, đặc biệt là công nghệ sấy, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh cũng như xây dựng thương hiệu, tạo lập vị thế cho nông sản địa phương trên thị trường, đồng thời đẩy mạnh các chuỗi liên kết. Điển hình là Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) đầu tư 70 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến gạo công nghệ hiện đại với lò sấy công suất 200 tấn lúa/mẻ. Hiện Công ty liên kết với hơn 20 HTX và 40 hộ dân có diện tích sản xuất lớn để tạo thành vùng nguyên liệu sản xuất gạo sạch Toản Xuân và gạo Toản Xuân 888. Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) liên kết với các HTX và các hộ nông dân thuê gom, tích tụ được hơn 300ha ruộng để sản xuất lúa giống. Công ty đã đầu tư nhà máy chế biến và bảo quản hạt giống diện tích gần 20 nghìn m2; 15 kho lạnh với dung tích bảo quản trên 750 tấn thóc giống; 15 dây chuyền sấy hạt giống và nhiều công cụ nông nghiệp khác… đảm bảo cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, thu hoạch đến chế biến và bảo quản lúa giống.

Theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, việc đầu tư công nghệ chế biến, kho chứa tiêu chuẩn sẽ thúc đẩy liên kết trực tiếp giữa doanh nghiệp với nông dân; giúp nâng cao chất lượng nông sản, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Giá trị gia tăng của nông sản tăng giúp hiệu quả sản xuất của nông dân cũng tăng lên. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giữa doanh nghiệp và nông dân; từng bước xây dựng thương hiệu cho từng loại sản phẩm nông nghiệp; có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư phát triển công nghệ bảo quản, chế biến nhằm gia tăng giá trị nông sản, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com