Khoa học và công nghệ: Khẳng định vai trò động lực thúc đẩy phát triển

08:09, 24/09/2020

Thực hiện chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ, trong 5 năm qua, sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ (KH và CN) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Từ năm 2015 đến nay, Sở KH và CN đã tổ chức quản lý và triển khai thực hiện trên 113 nhiệm vụ KH và CN (trong đó có 9 nhiệm vụ KH và CN thuộc chương trình nông thôn, miền núi) với tổng kinh phí là 61 tỷ 052 triệu đồng. Trong đó trên 85% nhiệm vụ sau khi nghiệm thu được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. 

Sản xuất thực phẩm chức năng Bảo Xuân từ đề tài nghiên cứu chiết xuất mầm đậu nành tại Công ty TNHH Nam Dược do Sở KH và CN hỗ trợ triển khai.
Sản xuất thực phẩm chức năng Bảo Xuân từ đề tài nghiên cứu chiết xuất mầm đậu nành tại Công ty TNHH Nam Dược do Sở KH và CN hỗ trợ triển khai.

I. KHCN vì mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Bám sát mục tiêu xây dựng nông thôn mới có cơ cấu kinh tế hợp lý, các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới và trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn, gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn, hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ đã được triển khai sâu rộng tới tất cả các lĩnh vực tác động đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn như: nghiên cứu giải pháp xây dựng nông thôn mới bền vững; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông sản và bảo vệ môi trường nông thôn. Trong đó, Sở KH và CN đã triển khai nghiên cứu thực trạng phát triển các mô hình tổ chức sản xuất tại huyện Hải Hậu từ đó đề xuất các giải pháp phát triển các mô hình tổ chức sản xuất hợp lý ở nông thôn, củng cố vững chắc các tiêu chí nông thôn mới của huyện Hải Hậu; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp KH và CN nhằm xây dựng bền vững nông thôn mới tỉnh Nam Định. Kết quả các đề tài nghiên cứu là luận cứ quan trọng để đánh giá thực trạng xây dựng nông thôn mới ở Nam Định, rút ra các bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp KH và CN nhằm xây dựng bền vững nông thôn mới tỉnh Nam Định. Trong nghiên cứu ứng dụng, Sở KH và CN đã lựa chọn nhiệm vụ khoa học giải quyết những khó khăn trong sản xuất của địa phương như: Thực hiện 2 đề án về giống lúa và giống khoai tây sạch bệnh; tiếp nhận công nghệ nuôi lợn siêu nạc theo phương thức công nghiệp, mỗi năm đã cung cấp hàng nghìn cặp lợn giống bố mẹ, trên 5.000 con giống để nuôi lợn thịt cho các trang trại; hỗ trợ chuyển giao dây chuyền công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi cho Công ty Vina HTC tại Cụm công nghiệp An Xá; công nghệ sản xuất nhân tạo các loại giống thuỷ sản: ngao, tôm chân trắng, cua biển, cá chình, cá lăng, cá vược, cá Hồng Mỹ. Đồng thời nghiên cứu, đánh giá đặc điểm tài nguyên nước mặt của hệ thống các sông chính trên địa bàn; nghiên cứu ảnh hưởng của điều tiết hồ Hòa Bình, hồ Thác Bà và hồ Tuyên Quang đến an toàn đê điều và hoạt động bình thường của các công trình thủy lợi; nghiên cứu tìm ra giải pháp xử lý xói hạ lưu các cống tiêu vùng triều; nghiên cứu sự phù hợp của mực nước báo động lũ hiện nay trên các tuyến đê sông… Từ đó, đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tin cậy, phục vụ công tác phòng chống lụt bão và quản lý đê điều. Đặc biệt, Sở KH và CN đã triển khai dự án ứng dụng công nghệ thông tin phổ biến thông tin KH và CN cho một số xã phục vụ xây dựng nông thôn mới tỉnh. Dự án đã trang bị cho 73 xã, mỗi xã một điểm truy cập tra cứu thông tin KH và CN với các trang thiết bị cần thiết bao gồm: Máy vi tính, máy in Laser;  xây dựng thư viện điện tử và các cơ sở dữ liệu với nội dung thông tin phong phú, thiết thực, thuận tiện (với trên 100 nghìn tài liệu đã số hóa và phim khoa học ở nhiều lĩnh vực: nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, xã hội, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, phát triển làng nghề, văn hóa…) để phục vụ khai thác phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương.

II. Đồng hành cùng doanh nghiệp

Với phương châm “Khoa học và Công nghệ đồng hành cùng doanh nghiệp”, coi doanh nghiệp là trung tâm của sự đổi mới, Sở KH và CN đã tích cực triển khai các đề án, dự án hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển giao, đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại, phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trong đó, Sở KH và CN tập trung vào 2 đề án lớn là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Qua đó, Sở KH và CN đã hỗ trợ tài chính cho hơn 50 tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu, nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa; trên 200 doanh nghiệp áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến; 191 đơn vị sản xuất kinh doanh xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, công bố hợp chuẩn, hợp quy; 205 đơn vị, doanh nghiệp, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến: TQM, ISO 9000, GMP, HACCP; trên 100 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến 5S, KAIZEN, LEAN, QCC. Thông qua “Đề án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ”, Sở KH và CN đã hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm truyền thống của địa phương như: Nhãn hiệu chứng nhận “Bánh nhãn Hải Hậu”; nhãn hiệu tập thể “Cơ khí Xuân Tiến”; nhãn hiệu tập thể “Hiệp hội nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định”. 

Đồng chí Mai Thanh Long, TUV, Giám đốc Sở KH và CN cho biết: Tiếp nối những thành công của nhiệm kỳ 2015-2020, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Sở KH và CN sẽ tập trung tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế, môi trường thông thoáng, minh bạch, hiệu quả, gắn hoạt động KH và CN với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xu hướng phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm, góp phần tích cực vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt Sở KH và CN ưu tiên cho phát triển doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm để triển khai hỗ trợ có hiệu quả việc phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh các sản phẩm địa phương; từng bước hình thành thị trường công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp; tăng cường áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trong các cơ quan quản lý Nhà nước kết hợp với tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH và CN vào sản xuất và đời sống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực của tỉnh, khai thác có hiệu quả lợi thế của từng vùng, địa phương; trong đó chú trọng: nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, xây dựng đô thị thông minh, vùng kinh tế biển. Trước mắt, Sở KH và CN tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, thông qua áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến, những thành tựu của cuộc CMCN 4.0. Đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm, hàng hóa đặc trưng của địa phương để hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu. Nâng cao năng lực công nghệ của các doanh nghiệp; từng bước hình thành và phát triển thị trường khoa học phục vụ chuyển giao công nghệ. Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Xây dựng, phát triển hạ tầng cơ sở KH và CN gắn với việc hình thành các doanh nghiệp KH và CN, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com