Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu

08:09, 15/09/2020

Thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) ứng phó với BĐKH; trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực dự báo thiên tai, tăng cường ứng dụng tiến bộ KHCN giúp nâng cao khả năng ứng phó BĐKH trong hoạt động sản xuất.

Cán bộ Trạm Khí tượng Nam Định (thành phố Nam Định) quan trắc số liệu áp suất của khí quyển.
Cán bộ Trạm Khí tượng Nam Định (thành phố Nam Định) quan trắc số liệu áp suất của khí quyển.

Từ năm 2018 đến nay, Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) tỉnh đã chú trọng đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, mạng lưới quan trắc, đo đạc, dự báo và truyền số liệu KTTV bảo đảm độ bền, có tính chính xác cao. Đặc biệt, đầu tư các thiết bị quan trắc tự động như máy đo gió, máy đo khí áp, máy đo độ ẩm, thiết bị đo dòng chảy…, góp phần bảo đảm công tác truyền nhận thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời từ khâu truyền số liệu quan trắc trực tiếp từ các trạm, điểm đo về Đài KTTV tỉnh và các đơn vị trong Trung tâm KTTV quốc gia. Cán bộ, nhân viên của Đài KTTV tỉnh đã ứng dụng hiệu quả các sản phẩm mô hình dự báo như: GFS (Nhật, châu Âu), bản đồ Synoptic (Thái Lan), bản đồ khí áp... theo dõi đầy đủ, kịp thời diễn biến của thời tiết. Nhờ ứng dụng KHCN đã giúp công tác dự tính, dự báo KTTV chính xác, kịp thời nên đã triển khai tốt công tác phòng ngừa, giảm đáng kể thiệt hại, tác động trực tiếp của bão, lũ, thiên tai đối với hệ thống đê điều, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động quan trắc tài nguyên và môi trường, Trung tâm quan tắc và phân tích Tài nguyên Môi trường (Sở TN và MT) đã xây dựng hệ thống quản lý theo quy trình VILAS. Trên cơ sở trang thiết bị, máy móc được đầu tư đồng bộ cùng với đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đã xác định, đánh giá chính xác hiện trạng môi trường, từ đó đề xuất những biện pháp, giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường ứng phó với BĐKH. Từ nhiều năm nay, hệ thống đê điều đã được Nhà nước và nhân dân đầu tư xây dựng, nâng cấp nhằm đảm bảo khả năng chống lũ, bão, đáp ứng yêu cầu bảo vệ đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, việc quản lý dữ liệu đê điều theo phương pháp thủ công, lập hồ sơ lý lịch bằng sổ sách khó nắm được chi tiết về thông số kỹ thuật, vị trí, hiện trạng toàn bộ các tuyến đê... gây khó khăn cho công tác quản lý, đầu tư xây dựng, bảo vệ đê và chỉ đạo điều hành công tác phòng chống thiên tai của tỉnh. Để khắc phục những bất cập trên, tỉnh đã ứng dụng công nghệ Web-GIS (hệ thống thông tin địa lý hoạt động trên nền tảng web) “số hóa” toàn bộ cơ sở dữ liệu đê điều, giúp cho lực lượng quản lý đê cập nhật, khai thác dữ liệu toàn diện về hệ thống đê điều trên toàn tỉnh, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh quyết định chỉ đạo chính xác, kịp thời trong công tác quản lý, lập dự án, đầu tư gia cố, tu bổ công trình; lập phương án phòng chống lụt bão và ứng cứu, hộ đê trong mùa mưa lũ.

Trong sản xuất nông nghiệp, các ngành, các địa phương đã hỗ trợ nông dân tăng cường áp dụng KHCN nhằm thích ứng với tình hình BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp. Đã có nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới năng suất, chất lượng có khả năng thích ứng cao với diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai được nghiên cứu, tuyển chọn, làm chủ công nghệ và đưa vào sản xuất tại địa bàn tỉnh như: giống lúa (Dự hương, M1-NĐ, TBR225, Thiên ưu 111); giống rau màu (lạc Trạm dầu 207, khoai tây Đức, bí xanh Thành Nông 1); gà (Lương Phượng, Kabir, Sacso, Isa); vịt (siêu trứng, Super M); các giống lợn ngoại, lợn lai; hải sản (ngao, cá bống bớp, cá song, cá vược, chim biển vây vàng)… Ứng dụng khoa học, tiến bộ kỹ thuật để thay đổi các quy trình sản xuất, giảm tác động tiêu cực đến thiên nhiên, môi trường sống cũng được thực hiện tích cực. Các mô hình sản xuất rau sạch, rau an toàn, rau hữu cơ trong nhà màng, nhà lưới theo phương pháp thủy canh, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước theo công nghệ của Israel; các mô hình xử lý chất thải như: sử dụng công nghệ biogas, phun men vi sinh, sử dụng đệm lót sinh thái, nuôi giun quế, bể lắng 4 ngăn, máy tách phân; ứng dụng công nghệ hiện đại trong nuôi tôm, cá theo hướng công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH… ngày càng được nhân rộng.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc ứng dụng KHCN ứng phó với BĐKH ở tỉnh ta vẫn còn những khó khăn bởi nhiệm vụ ứng phó với BĐKH đòi hỏi đầu tư rất lớn nhưng nguồn kinh phí thực hiện còn hạn chế. Kinh phí đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, hệ thống cảnh báo thiên nhiên, sự cố của tỉnh còn thấp nên hiệu quả dự báo chưa cao. Đồng chí Dương Văn Hưng, Giám đốc Đài KTTV tỉnh cho biết: Hiện nay, mạng lưới quan trắc và công nghệ dự báo của Đài đã từng bước được hiện đại hóa góp phần quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai tại địa phương, tuy nhiên công nghệ dự báo thời tiết nói chung và thời tiết nguy hiểm nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu mới. Trong nghiệp vụ dự báo thời tiết hàng ngày của Đài chủ yếu dựa trên phương pháp phân tích truyền thống và tham khảo một số sản phẩm dự báo qua mạng internet. Do vậy việc khai thác các sản phẩm quan trắc vệ tinh, ra đa, định vị sét… cũng như các sản phẩm dự báo thiên tai KTTV chi tiết cho tỉnh còn rất hạn chế, còn nhiều khó khăn, nhất là khi triển khai dự báo các cấp rủi ro thiên tai đúng theo Luật Phòng, chống thiên tai.

Thời gian tới, để đảm bảo chủ động cho kế hoạch phát triển, cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới, tiên tiến cũng như đẩy mạnh việc hiện đại hóa, tự động hóa các trang thiết bị kỹ thuật quan trắc tài nguyên và môi trường để nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo, điều tra, đánh giá, ứng phó với BĐKH. Nâng cao tính khoa học và tính thực tiễn trong các chương trình, kế hoạch về ứng phó BĐKH cho từng giai đoạn, từng ngành, từng địa phương. Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp ngành để đạt các mục tiêu về ứng phó BĐKH. Thu hút các dự án đầu tư có công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, ít chất thải; nghiên cứu phát triển và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến cho mục tiêu ứng phó BĐKH. Khuyến khích sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhằm giảm thiểu phát thải CO2 và sử dụng các nguồn nhiên liệu mới như xăng sinh học, các nguồn nguyên liệu thay thế phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Từng bước đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như gió, năng lượng mặt trời./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com