Nỗ lực thúc đẩy xây dựng đô thị thông minh

07:11, 29/11/2019

Ngày 1-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 950/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 950) yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng đô thị thông minh. Ngày 31-5-2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Khung tham chiếu công nghệ thông tin phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0) hướng dẫn cụ thể 6 tiêu chí xây dựng đô thị thông minh gồm: Ứng dụng công nghệ thông tin ở mức độ cao cho không gian toàn đô thị, đảm bảo sự điều hành của nhà quản lý và công việc của người dân; năng lực kinh tế của đô thị; nguồn tài nguyên về con người; môi trường thân thiện; chính quyền điện tử; chất lượng sống của người dân. Thực hiện Đề án 950, căn cứ khung tham chiếu của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành liên quan lựa chọn lộ trình xây dựng Trung tâm công nghệ thông tin điều hành cấp tỉnh để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành và xây dựng các trung tâm thành phần thuộc các lĩnh vực thiết yếu phục vụ đời sống của công dân như: giáo dục và đào tạo; văn hóa - thể thao - du lịch; doanh nghiệp; giao thông, xây dựng; tài nguyên và môi trường… Dự kiến Trung tâm điều hành công nghệ thông tin cấp tỉnh và các Trung tâm thành phần được triển khai xây dựng vào cuối quý IV năm 2019 sẽ hoàn thiện dự án vào năm 2021.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an ninh trật tự khu dân cư tại xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng).
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an ninh trật tự khu dân cư tại xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng).

Trung tâm công nghệ thông tin điều hành cấp tỉnh được xây dựng trên cơ sở hoàn thiện phát triển cơ sơ hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có bao gồm hệ thống các thiết bị truyền tải, khai thác dữ liệu thông tin kết hợp với các chương trình điều hành thông qua hệ thống phần mềm chuyên ngành đảm bảo công khai, minh bạch hoạt động điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến cộng đồng. Đây là những nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin có thể phát triển trên nền kiến trúc chung dễ dàng kết nối, trao đổi nghiệp vụ, dữ liệu được đồng nhất, thông suốt trong tổ chức. Như vậy, trên nền tảng đó, chính quyền dễ dàng điều hành tổ chức; người dân có thể tự tra cứu, khai thác thông tin chung của tỉnh cũng như giám sát việc thực thi chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước. Hiện tại hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh đã có cổng thông tin điện tử tỉnh; hệ thống thư điện tử; phần mềm quản lý văn bản điều hành; hệ thống một cửa điện tử; dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng chữ ký số; hội nghị truyền hình. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành, cơ quan chức năng có trình độ công nghệ đáp ứng yêu cầu của công việc nhưng chưa đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn của Trung tâm điều hành công nghệ thông tin cấp tỉnh. Trong đó, điều cơ bản là phải có cơ sở hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành tập trung và truy cập khai thác thông tin của người dân (số lượng, mật độ truy cập, tốc độ…). Đồng bộ hóa các phần mềm ứng dụng của các sở, ngành chức năng (đặc biệt là các phần mềm chuyên môn hoạt động theo quy chuẩn của ngành dọc, khó sử dụng, thiếu hỗ trợ, hiệu quả tương tác không cao) tạo môi trường thân thiện, tính tương thích cao khi hòa nhập vào dữ liệu Trung tâm cấp tỉnh. Nâng cao kỹ năng thực hành ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ công chức, viên chức trong bộ máy quản lý Nhà nước. Tuyên truyền vận động, hỗ trợ làm thay đổi nhận thức, khuyến khích người dân khai thác thông tin dữ liệu phục vụ đời sống qua các ứng dụng truy cập, quản lý điều hành tại Trung tâm điều hành công nghệ thông tin cấp tỉnh.

Trung tâm điều hành công nghệ thông tin cấp tỉnh và các trung tâm điều hành thành phần đi vào hoạt động là cơ sở để hình thành đô thị thông minh nhiều tiện ích trong quản lý, điều hành công việc. Do đó để việc xây dựng Trung tâm điều hành công nghệ thông tin cấp tỉnh theo đúng lộ trình đặt ra, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các sở, ngành chức năng đang đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu khi Trung tâm của tỉnh đi vào vận hành. Trong đó, tập trung cao độ cho việc chuẩn bị nhân lực phục vụ quản lý, vận hành Trung tâm điều hành cấp tỉnh cũng như các Trung tâm điều hành thành phần; tiến hành cập nhật và thống nhất dữ liệu để hòa nhập vào hệ thống. Sở Giáo dục và Đào tạo là đơn vị được chọn thí điểm xây dựng mô hình Trung tâm điều hành giáo dục cấp tỉnh với nhiệm vụ minh bạch hóa bộ cơ sở dữ liệu; xây dựng mô hình trường học thông minh đang tổ chức hoàn thiện dữ liệu nội dung chuyên ngành để chuyển tải lên Trung tâm điều hành của ngành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục và giảng dạy của khối trường học để đáp ứng yêu cầu hòa nhập vào trung tâm. Các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục tập trung đào tạo nâng cao trình độ về công nghệ thông tin của các cán bộ, công chức, viên chức và người dân để có thể đồng bộ khai thác tiện ích của đô thị thông minh mang lại./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com