Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ

08:11, 21/11/2019

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, trong đó ưu tiên việc hướng dẫn xác lập, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương và thúc đẩy hoạt động sáng kiến trên địa bàn...

Lực lượng Quản lý thị trường tiêu hủy hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Lực lượng Quản lý thị trường tiêu hủy hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ được Sở Khoa học và Công nghệ duy trì thường xuyên và có chiều sâu với nhiều hình thức đa dạng, góp phần tạo chuyển biến nhận thức của cán bộ các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương xây dựng chương trình tuyên truyền “Sở hữu trí tuệ và cuộc sống”; phát hành Đăng bạ Nhãn hiệu, sổ tay hướng dẫn xác lập quyền về sở hữu trí tuệ; tổ chức nhiều đợt tập huấn, hội thảo về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Cùng với tuyên truyền, công tác hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cũng được Sở Khoa học và Công nghệ chú trọng. Đến hết tháng 9-2019, toàn tỉnh có 2.714 đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó có 1.512 đơn được cấp văn bằng. Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 đạt kết quả tốt. Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng bảo hộ nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch để nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu. Điển hình như các thương hiệu: Cá bống bớp Nghĩa Hưng, Nước mắm Ninh Cơ, Làng nghề bánh kẹo Đông Cường, Cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường), Bánh nhãn Hải Hậu… Việc thiết lập bản quyền thương hiệu đã giúp các đơn vị, doanh nghiệp từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng quy mô sản xuất và doanh thu. Công tác phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được các ngành quan tâm, góp phần bảo vệ lợi ích người sản xuất và quyền lợi người tiêu dùng. Từ năm 2010 đến nay, các cơ quan chuyên môn đã phát hiện và xử lý trên 300 vụ xâm phạm, vi phạm về sở hữu công nghiệp, thu về ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng và tiêu hủy nhiều sản phẩm hàng hóa vi phạm. Hoạt động sáng kiến đã có bước phát triển vượt bậc cả về lượng và chất, mở rộng đối tượng. Khoảng chục năm trở lại đây, toàn tỉnh đã có hàng nghìn sáng kiến trên các lĩnh vực được áp dụng vào thực tế, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, cải thiện môi trường lao động, đổi mới công tác quản lý… Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động bổ trợ liên quan đến sở hữu trí tuệ như hỗ trợ các tổ chức, đơn vị tham gia chợ Công nghệ và Thiết bị, hội chợ TechDemo, hội chợ Nông nghiệp. Nhìn chung, việc tăng cường quản lý Nhà nước đã góp phần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về sở hữu trí tuệ, khuyến khích hoạt động xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân cũng như hoạt động sáng kiến tạo lập tài sản trí tuệ trên toàn tỉnh.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, công tác quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ cũng còn hạn chế, yếu kém. Việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh tài sản trí tuệ của địa phương. Hoạt động quản lý, quảng bá cho các đối tượng đã được bảo hộ chưa tốt. Công tác kiểm tra, thanh tra, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng chưa thường xuyên. Các hoạt động hỗ trợ tuyên truyền, đào tạo; cung cấp thông tin và tư vấn về tài sản trí tuệ chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Nhiều sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, thậm chí khu vực nhưng do nhiều nguyên nhân chưa được bảo hộ, dẫn đến tình trạng bị xâm phạm, làm giả, làm nhái, đánh mất thị trường. Việc đăng ký bảo hộ đa dạng các đối tượng sở hữu công nghiệp còn ít; nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng mức về quyền và lợi ích khi sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ nên việc vận động, tuyên truyền của cơ quan chuyên môn gặp khó khăn. Nhiều loại hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn lưu thông công khai trên thị trường trong khi đội ngũ cán bộ quản lý và thực thi còn thiếu.

Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, thời gian tới, tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động bộ máy các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi và cơ quan bổ trợ hoạt động sở hữu trí tuệ. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến nâng cao nhận thức của xã hội về sở hữu trí tuệ; nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch và sơ kết, tổng kết hoạt động sở hữu trí tuệ. Xây dựng và hiện đại hóa hệ thống thông tin về sở hữu trí tuệ. Nâng cao hiệu quả phát triển tài sản trí tuệ địa phương. Đẩy mạnh công tác hoạt động sáng kiến, đổi mới sáng tạo. Trước mắt, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cho 300 sản phẩm của các xã, phường, thị trấn tham gia chương trình OCOP nâng cao năng suất chất lượng, gia tăng giá trị, xây dựng tem, nhãn hàng hóa, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, phát triển thương hiệu./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com