Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

07:05, 15/05/2019

Mai Thanh Long
Tỉnh ủy viên,
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

Những năm gần đây, ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tập trung đổi mới, sáng tạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho tất cả các ngành, lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội. Nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng, nhân rộng trong sản xuất, đời sống mang lại hiệu quả rõ rệt đã khẳng định vai trò và vị thế của hoạt động khoa học và công nghệ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các lĩnh lực quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ như: quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thanh tra chuyên ngành được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo tính pháp chế, góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, doanh nghiệp; nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh đã quan tâm phát triển hợp lý giữa các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, y dược, nông nghiệp, khoa học xã hội và nhân văn… Đặc biệt, đã chú trọng các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao phục vụ trực tiếp cho sản xuất và đời sống, có địa chỉ ứng dụng cụ thể. Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hàng hóa, thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ. Tập trung thực hiện cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; nghiên cứu phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp, trong 3 năm (2016-2018), các công trình nghiên cứu đã tuyển chọn bổ sung vào cơ cấu sản xuất được hơn 10 giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỷ lệ diện tích sản xuất lúa chất lượng cao tăng lên 71,5%, hiệu quả sản xuất lúa tăng 7-10% so với trước đây. Thực hiện Chương trình phát triển giống cây trồng, các đơn vị, doanh nghiệp đã chọn tạo, tuyển chọn được một số giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao như: M1-NĐ, CS6, Thiên trường 217, Thiên trường 900 và một số giống khoai tây sạch bệnh, đang phát triển nhanh trong sản xuất. Các công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến như công nghệ chuồng kín, quy trình chăn nuôi sinh thái… được áp dụng nhanh trong các trang trại, gia trại. Bước đầu đã hoàn thiện quy trình, công nghệ nuôi một số đối tượng thủy sản có giá trị như: tôm thẻ chân trắng, cá chim biển vây vàng, cá sủ đất, cá lăng chấm… Một số doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp, điển hình là: Công ty VinEco thuộc Tập đoàn VinGroup triển khai Dự án đầu tư sản xuất rau sạch công nghệ cao với quy mô 140ha tại huyện Xuân Trường; Công ty Biển Đông xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thịt lợn hiện đại nhất miền Bắc tại huyện Hải Hậu; Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam (Tập đoàn Lenger Seafoods Hà Lan) đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ngao xuất khẩu ở Cụm Công nghiệp An Xá (Thành phố Nam Định)…

Ứng dụng công nghệ thủy canh hồi lưu trong sản xuất rau sạch tại Công ty Cổ phần Hoa Nam, Thành phố Nam Định. Ảnh: Ngọc Ánh
Ứng dụng công nghệ thủy canh hồi lưu trong sản xuất rau sạch tại Công ty Cổ phần Hoa Nam, Thành phố Nam Định. Ảnh: Ngọc Ánh

Xác định tầm quan trọng của việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 9001:2015) vào hoạt động quản lý của cơ quan Nhà nước, hàng năm Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện; lập đoàn kiểm tra việc áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng TCVN 9001:2015 tại các cơ quan bằng hình thức chấm điểm. Hiện nay, toàn tỉnh có 46/46 cơ quan hành chính của tỉnh gồm: UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố; các Chi cục thuộc các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh đã hoàn thành công tác này; ở cấp xã, có 20/229 xã, phường, thị trấn xây dựng áp dụng và duy trì có hiệu lực hệ thống. Năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai hỗ trợ cho 80 xã, phường, thị trấn, nâng tỷ lệ số đơn vị ở cấp xã áp dụng hệ thống lên 43,3%. Kết quả áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin (ISO điện tử) trong việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, qua đó việc luân chuyển và xử lý hồ sơ trong nội bộ cơ quan được thực hiện một cách rành mạch và rõ ràng hơn, thời gian giải quyết nhiều loại hồ sơ đã được rút ngắn hơn nhiều so với quy định, góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại theo hướng công khai, minh bạch và hoạt động có hiệu quả theo mục tiêu chương trình cải cách hành chính chung của tỉnh. Phấn đấu đến hết năm 2020, có 78,6% đơn vị cấp xã, 100% cơ quan hành chính cấp huyện và cấp tỉnh hoàn thành nâng cấp chuyển đổi phiên bản ISO 9001:2015 theo mô hình khung của Bộ Khoa học và Công nghệ. Thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, đến hết năm 2018, tỉnh có 2.526 đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và 1.440 văn bằng được cấp. Ngành Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch để nâng cao giá trị, phát triển thương hiệu. Điển hình là các sản phẩm cá bống bớp Nghĩa Hưng, nước mắm Ninh Cơ, làng nghề bánh kẹo Đông Cường, cơ khí Xuân Tiến, Hiệp hội Nông sản sạch, bánh nhãn Hải Hậu... Riêng nhãn hiệu ngao Giao Thuỷ đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền; vùng nuôi ngao Giao Thủy và Nghĩa Hưng được EU công nhận là vùng nuôi an toàn cấp độ C. Trong thời gian tới, ngành Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cho 300 sản phẩm của các xã, phường, thị trấn xây dựng tem, nhãn hàng hóa, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, phát triển thương hiệu nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận thị trường, góp phần nâng cao chất lượng Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Xác định phát triển thị trường khoa học và công nghệ là xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện dự án “Xây dựng sàn giao dịch công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Nam Định” với kinh phí đầu tư trên 12 tỷ đồng. Hiện tại dự án đang trong quá trình xây dựng các hạng mục chính là sàn giao dịch công nghệ, thiết bị trực tuyến; khu trưng bày, tư vấn, quảng bá công nghệ thiết bị; khu hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp. Dự kiến đến cuối năm 2019 dự án sẽ chính thức đi vào hoạt động tạo điều kiện ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất; thúc đẩy chuyển giao, đổi mới công nghệ, thiết bị… góp phần tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường cho các doanh nghiệp. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và liên kết phát triển kinh tế vùng nói chung.

Để phát huy vai trò khoa học và công nghệ là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian tới, ngành Khoa học và Công nghệ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của khoa học và công nghệ trong đời sống kinh tế - xã hội. Bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để thực hiện tốt công tác tham mưu đề xuất, đặt hàng thực hiện những nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, nhất là Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Phối hợp triển khai đưa các thành tựu khoa học và công nghệ mới, kết quả nghiên cứu có triển vọng ứng dụng vào sản xuất và đời sống góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các sản phẩm chủ lực của tỉnh nói riêng và các sản phẩm khác nói chung. Đẩy mạnh việc hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm thế mạnh đặc trưng trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao vị thế, giá trị của sản phẩm. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới chính sách đầu tư, cơ chế phân bổ và quản lý ngân sách Nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm mục tiêu. Tìm kiếm đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phục vụ cho phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là khối doanh nghiệp./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com